Tâm lý bất ổn của nhân viên có thể uy hiếp an ninh hàng không

Ý kiến phản biện 25/12/2015 06:47

Ngành hàng không đã có 17 năm liên tiếp không để xảy ra vụ tai nạn nào, tuy nhiên, những vụ vi phạm an ninh hàng không (ANHK) vẫn khá nhiều, mà một trong những nguyên nhân là vấn đề con người.

Tâm lý bất ổn của nhân viên có thể uy
Nhân viên an ninh hàng không đang tiến hành soi chiếu hàng hóa. Ảnh: TTXVN.

Theo thống kê từ Ủy ban ANHK dân dụng quốc gia, trong 5 năm, từ năm 2011-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 920 vụ vi phạm ANHK.

Trong đó, có tới 500 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vật phẩm nguy hiểm trái quy định; 40 vụ tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, vật liệu nổ; 69 vụ xâm nhập trái phép khu vực hạn chế tại cảng hàng không, tàu bay; 142 vụ gây rối trật tự, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không trên tàu bay, tại cảng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; 169 vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay, thẻ, giấy phép kiểm soát ANHK.

Ngoài những nguyên nhân được đưa ra là do công tác phối hợp trong đảm bảo an ninh trật tự, an ninh mạng, an ninh thông tin chưa được quan tâm đúng mức, người dân chưa có ý thức chấp hành pháp luật khi đi máy bay, hệ thống trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát còn thiếu… thì một nguyên nhân được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đề cập đến là tâm lý bất ổn của nhân viên hàng không.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hàng không đang tăng trưởng nóng, việc các đối tượng chống phá hay có mục đích xấu lôi kéo nhân viên hàng không vào hoạt động khủng bố, hoàn toàn có thể dựa vào tâm lý bất ổn của họ. 

“Đa phần nhân viên làm việc tiếp cận trực tiếp với tàu bay lại là lao động phổ thông, hưởng mức lương thấp. Thậm chí có trường hợp còn làm 8 năm liền trong chế độ thử việc thời vụ. Nếu phần tử xấu có ý đồ lôi kéo bằng kinh tế, thì nguy cơ mất an toàn là rất cao. Trong khi đó, vấn đề an ninh nội bộ, kiểm soát nhân thân, ngành hàng không làm chưa sâu”, ông Lại Xuân Thanh chia sẻ. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhận định, công tác bảo vệ an ninh, chính trị nội bộ trong ngành hàng không chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đến nay mới chỉ có một số ít cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không bố trí lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, nhưng hầu hết là kiêm nhiệm, số lượng mỏng, chưa được đào tạo về chuyên môn.

“Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chỉ có một cán bộ thuộc Ban Tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực được bố trí làm nhiệm vụ này, trong khi tổng số cán bộ nhân viên là hơn 12.000 người”, Bộ trưởng nói.

Nâng cao trình độ, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ liên quan đến ANHK

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trong thời gian tới, việc quan trọng trong công tác đảm bảo ANHK dân dụng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và nâng cao trình độ, nghiệp vụ, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, người trực tiếp làm nhiệm vụ liên quan đến ANHK.

“Phải làm tốt công tác tuyển chọn, bố trí cán bộ nhân viên liên quan trực tiếp đến dây chuyền khai thác vận chuyển hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề cập đến việc các đoàn tùy tùng của lãnh đạo cấp cao khi đi chuyên cơ ở sân bay thường không bị kiểm tra hành lý, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao yêu cầu: “Đã là an ninh thì đừng ngại. Với tùy tùng, các đồng chí phải nghiêm túc, không có ngoại lệ. Đây cũng là cách để các đối tượng làm nhiệm vụ phục vụ không bị mua chuộc”.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ANHK dân dụng quốc gia Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, thời gian tới dự báo tình hình bất ổn trên thế giới gia tăng, nguy cơ đe dọa an ninh hàng không còn rất nhiều yếu tố, nếu chúng ta không lường hết được thì kết quả “17 năm liên tiếp không để xảy ra vụ tai nạn hàng không nào” sẽ mất chỉ vì một sơ sảy.

"Một hiện tượng nếu nhìn qua là chuyện nhỏ như ăn cắp vặt hành lý, làm mất tài sản, lòng tin của hành khách, nhưng điều lớn hơn chính là vẫn còn những lỗ hổng an ninh, những yếu kém quản lý đáng lo ngại. Không thể coi đây là hiện tượng, hay chỉ là vi phạm nhỏ, vì trong lĩnh vực này có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng có thể phải rút kinh nghiệm hay mất hình ảnh cả vài chục năm; thậm chí là không được phép sai lầm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ý kiến của bạn

Bình luận