Ý thức tham gia giao thông thể hiện văn hóa quốc gia

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 02/05/2023 06:55

Một xã hội an toàn, không tai nạn, thân thiện và đầy tình người là mục tiêu mà Cuộc Vận động Xây dựng văn hóa giao thông đang hướng đến. Nó thể hiện rõ văn hóa của một quốc gia, dân tộc.


Ý thức tham gia giao thông thể hiện văn hóa quốc gia - Ảnh 1.

Giúp đỡ người già qua đường - nét đẹp trong văn hóa giao thông

Xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu, dân số trên 85% là nông dân, trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, dân tộc ta mới có hơn 40 năm được hưởng hòa bình để xây dựng và kiến thiết. Trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu đi lại, thông thương tăng cao tạo áp lực về giao thông như ùn tắc, tai nạn. Nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc cộng với sự đồng thuận của người dân đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện kiềm chế và giảm thiểu TNGT.

Thực hiện Chương trình "Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ" do Liên hiệp quốc phát động, hơn 10 năm qua, tình hình trật tự ATGT đã có nhiều chuyển biến nhưng TNGT vẫn ở mức cao. Nguyên nhân của các vụ TNGT thì có nhiều, nhưng trên 80% số vụ là do ý thức của người tham gia giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, vi phạm các quy tắc giao thông, trước khi điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, không làm chủ tốc độ dẫn đến TNGT...

Mỗi năm, Ủy ban ATGT Quốc gia phát động 1 chủ đề riêng và chủ đề của năm 2023 là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Với việc Bộ Công an mạnh tay xử lý vi phạm theo từng chuyên đề như: xe quá tải, xe cơi nới thành thùng, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ... đã tạo bước chuyển biến mới trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông.

Theo thống kê của Cục CSGT, trong quý I/2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 750.105 trường hợp vi phạm trật tự ATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 1.364 tỷ đồng, tước 139.000 GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 224.957 phương tiện các loại. Trong đó, có 151.890 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 17,75%); 472 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,06%); 132.243 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 15,46%); 20.443 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,39%); 1.016 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,12%)... Cơ quan CSGT và cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 1.134 vụ, 1.332 bị can. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 1.118 vụ, 1.186 bị can (tòa án nhân dân các cấp đã xét 1.163 vụ, 1.211 bị cáo).

Ý thức tham gia giao thông thể hiện văn hóa quốc gia - Ảnh 2.

Giáo dục trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

Trao đổi với Tạp chí GTVT, TS. Khương Kim Tạo - chuyên gia về giao thông cho biết, để có văn hóa giao thông không thể một sớm một chiều, bởi khái niệm văn hóa giao thông rất rộng, đến nay không phải ai cũng hiểu và nắm rõ để thực hiện, kể cả những người lớn tuổi chứ chưa nói đến các đối tượng thanh, thiếu niên. Vì vậy, để nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông thì vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là các trường học, gia đình trong công tác tuyên truyền giáo dục là đặc biệt quan trọng. Gia đình là tế bào của xã hội, một xã hội khỏe mạnh đòi hỏi phải có những tế bào tốt, do đó công tác giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được trú trọng hơn bao giờ hết. Những chương trình này trước kia chỉ được nhà trường giới thiệu hạn chế trong những giờ học về Giáo dục công dân, nay được đưa vào giảng dạy thành một môn bắt buộc, không chỉ cấp học phổ thông mà cả hệ thống giáo dục tiểu học và cả mầm non.

Nhìn sang các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ hay các nước có nền công nghiệp tiên tiến ở châu Âu thì trước đây khi bắt đầu công cuộc phát triển kinh tế, họ cũng như chúng ta hôm nay phải đối mặt với "vấn nạn" TNGT. Nói thế không phải để biện minh nhưng xét về hình thái kinh tế xã hội, khi mà những người nông dân trong quá trình đô thị hóa, họ phải đối diện với những vấn đề mới, phức tạp hơn đối diện với máy móc, thiết bị trong khi ý thức kỷ luật chưa cao, hay nói cách khác là tác phong công nghiệp chưa có thì họ đối diện với rủi do càng lớn.

Cũng theo TS. Tạo, xã hội hiện đại, văn minh đòi hỏi những nguyên tắc và tính kỷ luật cao, nói cách khác là sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đề cao tính "thượng tôn pháp luật". Bên cạnh những giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc đòi hỏi con người phải tuân thủ những quy tắc sống, ứng xử, làm việc và những quy tắc mà xã hội đặt ra như: đèn xanh được đi, đèn đỏ phải dừng lại, đèn vàng phải giảm tốc độ để dừng trước vạch trắng khi tín hiệu đèn chuyển từ vàng sang đỏ. Đi trên phương tiện công cộng phải nhường ghế cho người già, trẻ em và phụ nữ có thai, người tàn tật... Bất cứ một chế độ nào, một xã hội nào, đối tượng nhắm đến đều là con người và chính con người là những người thực hiện các quy tắc do chính họ đặt ra và phải thực hiện nghiêm túc những quy định đó, có như vậy mới tự tôn trọng chính mình và tôn trọng những người khác khi tham gia giao thông, thể hiện văn hóa của một quốc gia, dân tộc.