Kỷ niệm tác nghiệp đầu tiên giúp tôi vững chân bước vào nghề báo

Tác giả: VĂN QUYẾT

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 21/06/2016 05:50

Hồi hộp, lo lắng, khó khăn và được trải nghiệm thực tế là những bài học quý giá để một người phóng viên trẻ như tôi vững chân bước vào nghề báo.

Nguyen Quyte

Sáng ngày 16/12/2014, khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng khiến 12 công nhân trong hầm thủy điện bị mắc kẹt, nhiều cơ quan báo chí đã cử phóng viên đến hiện trường tác nghiệp.

Trưa cùng ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại của Thư ký tòa soạn “Em có muốn đi Đạ Dâng tác nghiệp không”? Là một sinh viên mới ra trường được 6 tháng, tôi hơi bối rối vì biết mình chưa có nhiều kinh nghiệm cho một chuyến đi công tác xa tại một sự kiện với áp lực thông tin về mọi mặt. Tôi thoáng suy nghĩ: “Mình còn trẻ, đây là cơ hội để trải nghiệm và thử sức thực tiễn với nghề”. Không do dự, tôi nhận nhiệm vụ ngay. Mọi đồ đạc, trang thiết bị, máy móc cần thiết tôi gom vội nhét vào ba lô rồi lên đường đón xe từ TP.HCM đi Lâm Đồng.

Ngồi trên xe tôi liên tục truy cập tin tức và lên phương án chuẩn bị về cách tiếp cận và tác nghiệp tại hiện trường. 

Khoảng 20h, tôi đặt chân đến bến xe Lâm Đồng trong thời tiết lạnh 16oC làm tôi co rúm. Tôi bắt tiếp xe ôm đi lên hiện trường nơi xảy ra vụ sập hầm thủy điện. Trên đường đi, bác xe ôm luôn nhắc nhở: “Chú là PV ở xa lên đây tác nghiệp phải cẩn thận bởi khu vực thủy điện Đạ Dâng nằm cách TP. Đà Lạt hàng chục kilomet, địa hình đồi núi hiểm trở lại nằm trong khu vực hoang vu, lạnh lẽo...”.

Khi đến hiện trường nơi sập hầm thủy điện, trước mắt tôi là quang cảnh hỗn loạn như một bãi chiến trường, giữa màn đêm núi rừng vắng vẻ. Tôi liền lấy máy ảnh tiếp cận hiện trường làm một phóng sự ảnh về công tác cứu hộ trong đêm của lực lượng chiến sĩ. Trời lạnh, tay run cầm cập nhưng tôi vẫn ghé vào một lán trại chuyển những hình ảnh và thông tin mới nhất về tòa soạn. 

h1
Chuyến đi thực tế giải cứu 12 công nhân mắc kẹt tại vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng đã giúp tôi vững chân bước vào nghề

Vừa chuyển xong bài, ảnh về cơ quan, tôi nhận được thông tin nóng hổi là cơ quan chức năng đang mở đường để tạo một mũi khoan trên đỉnh đồi thủy điện tiếp cận vị trí các nạn nhân bị mắc kẹt. Tôi và một số đồng nghiệp khác đã leo ngay lên ngọn núi để có được những hình ảnh đắt giá từ hiện trường về công tác cứu hộ của các chiến sĩ.

Cuộc giải cứu công nhân kẹt trong hầm bắt đầu có dấu hiệu lạc quan khi có sự xuất hiện lực lượng của Lữ đoàn 293 - Binh chủng Công binh từ Khánh Hòa và Tiểu đoàn Công binh vật cản 93 (Binh chủng Công binh) có mặt tham gia cứu hộ. Thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương nằm giữa núi rừng hoang vu, vì vậy điều kiện tác nghiệp nơi đây đối với cánh phóng viên cực kỳ khó khăn. Đường truyền Internet không có, các phóng viên phải gửi tin, bài, hình ảnh về tòa soạn bằng thiết bị 3G. Kết quả, mọi hình ảnh, thông tin cứu hộ nóng nhất tại hiện trường vẫn được truyền tải đến bạn đọc nhanh nhất và chính xác. Suốt những ngày có mặt tại Đạ Dâng, cánh phóng viên chúng tôi dường như không ai ngủ được, tất cả đều theo dõi, cập nhật thông tin từng phút. Nhiều khi anh em tác nghiệp chỉ kịp chia sẻ cho nhau cái bánh mì, uống lon nước để cầm hơi, lấy sức chiến đấu đưa thông tin mới nhất về tòa soạn kịp thời cung cấp cho bạn đọc.

Với quyết tâm phải đưa bằng được các công nhân ra khỏi hầm an toàn, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi, lần lượt từng công nhân được giải cứu ra khỏi căn hầm tăm tối trong những giọt nước mắt, tiếng vỗ tay, hò reo của người dân cả nước dành tặng riêng cho lực lượng cứu hộ khiến những người có mặt tại hiện trường chứng kiến không khỏi bồi hồi, xúc động.

Với tôi, đây là chuyến đi tác nghiệp nhiều niềm vui, kỷ niệm và kinh nghiệm quý giá, tạo tiền đề giúp tôi vững trãi, tự tin bước vào nghề báo.

Ý kiến của bạn

Bình luận