Trải nghiệm cùng nghề báo

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
20/06/2015 08:17

Nếu ai đó nghĩ “nghề báo sướng thật” thì chưa thực sự hiểu và đồng cảm. Có lẽ chỉ những người trong nghề mới thấy hết nỗi vất vả công việc của người làm báo.

thach5(1)
Nghề báo là được đi và viết về những gì tai nghe mắt thấy, những gì mình cảm nhận được từ hơi thở thực tế.

Nhiều người lại cho rằng, nghề báo là được đi đây đi đó, biết được nhiều thứ của cuộc sống. Với tôi, nghề báo là được đi và viết về những gì tai nghe mắt thấy, những gì mình cảm nhận được từ hơi thở thực tế. Qua 10 năm trải nghiệm với nghề, tôi nhận ra rằng, nghề báo không dễ dàng, hào nhoáng như những gì tôi tưởng tượng và mọi người thường nghĩ.

Cũng như bao nghề khác, để có được thành quả lao động đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, sáng tạo, chịu khó… Đối với nghề báo, ngoài những yếu tố trên, để có được một tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng thực tế và tạo được dư luận xã hội, đòi hỏi nhà báo không chỉ năng động, tích cực đi cơ sở mà còn phải có nhãn quan thực tế, tư duy tổng hợp, chắt lọc thông tin để phản ánh đúng sự việc, sự kiện của cuộc sống, đôi khi còn đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, những hy sinh của cá nhân, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng. Ngược lại, nếu người làm báo không tự trau dồi kiến thức và có niềm đam mê thực sự thì sẽ không thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe của nghề.

Đối với tôi, những chuyến đi tác nghiệp, được trải nghiệm thực tế với người thật, việc thật, cùng ăn cùng ở với người thợ trên công trường xây dựng, công nhân tuần đường, công nhân gác ghi, người thợ dưới hầm lò, người lính nơi đảo xa… đã trang bị cho tôi những kiến thức mới trong cuộc sống, giúp tôi cứng cỏi hơn với nghề.

Có lẽ một trong những chuyến đi tác nghiệp để lại nhiều kỷ niệm với tôi nhất là chuyến đi xuống mỏ than Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh. Với độ sâu khoảng hơn 300m so với mặt đất, thời gian cả lên và xuống mất khoảng 6 tiếng đi bộ với độ dài khoảng 10km, đi vào hầm, lúc qua đoạn nước ngập trên đầu gối, rồi qua những vỉa than non ngập lên gần bụng. Chưa hết nhiều lúc, tôi phải dùng hai tay bám vào sà ngang chống hầm để lết đi từng mét một, rồi phải nằm rạp mình xuống để chui qua những vỉa than, những cột chống lò, trong không khí đặc quánh vì thiếu ô xy. Ai đã từng một lần xuống hầm lò mới thấu hiểu sự lao động cực nhọc của người thợ nơi đây. Chuyến đi thực tế đó đã giúp tôi có cái nhìn ý nghĩa hơn về cuộc sống, giá trị hơn với những người thợ làm việc thầm lặng hy sinh cho đất nước, cho cuộc sống.

Mỗi chuyến đi, tôi đều có sự chuẩn bị chu đáo, nhưng nhiều khi vì một lý do nào đó nên không gặp được người cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động chuyên môn. Rồi còn nhiều khó khăn, vất vả khác của nghề mà chỉ có những người trong cuộc mới thực sự hiểu và cảm thông.

Để có được bức ảnh chân thực về cảnh lao dầm trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đoạn đường Quang Trung - Nguyễn Trãi, tôi phải đợi đến quá nửa đêm vì việc lao dầm phải được đảm bảo an toàn và chính xác tuyệt đối. Mỗi phiến dầm nặng tới 260 tấn cộng với hệ thống xe máy cồng kềnh, nếu chỉ lơ là một chút có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù đã liên hệ trước với đơn vị trực tiếp thi công nhưng khi tôi vừa bước lên thang cẩu phụ của xe lao dầm thì hai người bảo vệ từ đâu lao tới và tri hô như một kẻ đột nhập bất hợp pháp vào công trường. Ngay sau đó, khoảng 3 người nữa có mặt, họ túm cổ áo và kéo tôi về phía ban chỉ huy công trường. Sau một hồi giải thích, trình thẻ nhà báo tôi mới được “tha” và tạo điều kiện cho tác nghiệp.

Đó là 2 trong những câu chuyện buồn vui mà những người làm báo chúng tôi gặp phải. Mỗi chuyến công tác, được gặp gỡ, trò chuyện, trải nghiệm và lắng nghe những nhân vật của mình bộc bạch, được hòa mình với niềm vui, nỗi buồn đó đã trở thành những kỷ niệm, những dấu ấn nghề không thể nào quên. Chính những nhân vật sống đó là tư liệu không thể thiếu đối với chúng tôi, họ làm cho tác phẩm báo chí thêm gần gũi, sinh động và giá trị hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận