Làm gì để bảo vệ nhà báo?

Tác giả: phương vũ

saosaosaosaosao
Xã hội 01/05/2016 14:01

Chuyện các nhà báo bị hành hung tuy không mới, nhưng sẽ không bao giờ là cũ khi chừng nào luật pháp chưa có chế tài đủ mạnh để bảo vệ họ. Liên tiếp những vụ hành hung nhà báo xảy ra gần đây, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm nguy mà các nhà báo phải đối diện trong quá trình tác nghiệp.

 

Do_Doan_Hoang

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng không cầm được nước mắt khi nhớ lại vụ việc mình bị hành hung (Ảnh: Người đưa tin) 

Những vụ hành hung nhà báo

Từ trước đến nay, dư luận biết đến những vụ PV, nhà báo bị hành hung chủ yếu qua những thông tin phản ánh trên báo chí nhưng thực tế lại chưa có cơ quan nào đứng ra thống kê đầy đủ về những vụ việc này.

Theo thống kê riêng của nhà báo Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập Báo Giao thông, trong năm 2013 có 32 vụ với hơn 40 phóng viên, nhà báo bị hành hung, cản trở trong quá trình tác nghiệp. Năm 2014, có 16 vụ đe dọa, hành hung nhà báo nhưng chỉ có 2 vụ trong số đó được xử lý. Từ đầu năm 2015 đến nay có khoảng 6 vụ hành hung nhà báo được báo chí phản ánh, trong đó đáng chú ý có những vụ như: Nhà báo Phạm Quốc Cường (báo Dân Trí) khi đi điều tra về chất lượng thi công cầu đường bị đại diện nhà thầu xúc phạm danh dự, đe dọa hành hung; 2 PV của Báo Giao thông bị hành hung, đập máy quay khi đang quay phim tình trạng xe ben chở đất đá qua cầu Tăng Long (Q.9, TP. Hồ Chí Minh); nhà báo Nguyễn Ngọc Quang (Đài PTTH Thái Nguyên) bị truy sát, chém nhiều nhát ngay giữa trung tâm TP. Thái Nguyên; nhà báo Nguyễn Quang Hải (VTC News) bị một số nhân viên nhà hàng Queen Bee chửi bởi, hành hung, cướp dụng cụ tác nghiệp và mới đây nhất là vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) bị một số người lạ mặt hành hung bằng gậy gộc, đánh dập nát ngón tay khi đang trên đường đi tác nghiệp…

Lật lại quá khứ xa hơn, chắc hẳn dư luận vẫn chưa thể quên sự việc nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người Lao động) bị một nhóm cửu vạn buôn lậu hành hung dã man ở Lạng Sơn vào năm 2010 nhưng cuối cùng nhóm côn đồ chỉ bị xử lý hành chính. Một sự việc khác xảy ra vào năm 2011, khi nhà báo Võ Thanh Mai (báo Nông nghiệp Việt Nam, thường trú tại Nghệ An) bị 2 đối tượng đi trên một xe máy dùng kiếm chém trong lúc đang dừng xe đổ xăng bên đường.

Một sự thật đáng buồn là trong những tình huống gặp nạn, hầu hết các PV, nhà báo đều rất cô độc, bởi không nhiều người dân sẵn sàng đáp lại lời kêu cứu của các nạn nhân do tâm lý sợ trách nghiệm, ngại liên quan, sợ bị trả thù... Chia sẻ về vụ hành hung, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã khóc khi nhớ lại lúc mình tỉnh dậy sau khi bị đánh nhưng không một ai dừng lại giúp đỡ cho dù anh đã khẩn thiết kêu cứu.

"Khi tỉnh dậy tôi xin đi nhờ nhưng không ai giúp tôi, mặc dù tôi nằm ở đó, sắp chết. Cuối 

cùng, tôi nhờ được một cậu sinh viên, tôi phải nói là cho chú đi nhờ, chú sẽ không chạm vào để dây máu vào cháu đâu", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng buồn bã nhớ lại.

Thế giới làm gì để bảo vệ nhà báo?

Việc PV, nhà báo bị hành hung không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là thực trạng chung của thế giới. Nhiều quốc gia đã chung tay bảo vệ quyền lợi, danh dự và tính mạng của nhà báo thông qua những công ước, đạo luật quốc tế như: Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người, 1948 (Điều 3); Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, 1966 (Điều 9.1). Với tư cách là một công dân, nhà báo luôn được bảo vệ quyền tự do thân thể và an ninh thân thể ở mức cao nhất. Bất cứ hành vi nào đe dọa thân thể, tính mạng, xúc phạm danh dự của các nhà báo đều là vi phạm quy định về quyền con người của thế giới.

pv-bao-giao-thong-bi-danh-1954

Hai PV Báo Giao thông bị hành hung khi đang quay phim xe ben chở đất qua cầu Tăng Long (Q.9, TP. Hồ Chí Minh)

Ngày 27/5/2015, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thực hiện những bước đi đúng đắn để bảo đảm tính trách nhiệm đối với các hình thức tội phạm chống lại các nhà báo và các chuyên gia truyền thông trong các cuộc xung đột.

Mỗi quốc gia cũng đều có những đạo luật riêng để bảo vệ nhà báo. Chẳng hạn, Bang New, South Wales, Victoria và Western ở Australia đã thông qua luật miễn cho các nhà báo việc tiết lộ nguồn cung cấp tin khi phải giải trình về hoạt động tác nghiệp vào năm 2012.

Mexico bảo vệ nhà báo bằng cách thành lập Văn phòng công tố đặc biệt về các tội danh chống lại nhà báo (FEADP) năm 2006. Tháng 4/2009, Chính phủ Mexico đưa ra các cải cách pháp lý, quy định các hành vi chống lại nhà báo sẽ được đưa ra xét xử. Bộ luật Hình sự liên bang của nước này cũng đã bổ sung "tội xâm phạm quyền tự do thông tin được thực hiện thông qua hoạt động báo chí”, trong đó quy định rõ các hành vi phạm tội và những chủ thể được bảo vệ.

Cũng trong năm 2009, Quốc hội Amenia đã phê chuẩn bổ sung Điều 164 trong Bộ luật Hình sự của Amenia về "tội cản trở các hoạt động nghiệp vụ hợp pháp của nhà báo".

Bên cạnh luật pháp quy định bảo vệ các nhà báo, nhiều tổ chức đã hình thành để bảo vệ nhà báo, chẳng hạn như: Liên đoàn Báo chí quốc tế, Ủy ban Bảo vệ nhà báo thế giới, Hiệp hội Nhà báo châu Âu… Thông qua các tổ chức này, nhiều PV, nhà báo trên thế giới đã được đào tạo về an toàn nghiệp vụ cũng như cách phối hợp giữa nhà báo với các cơ quan bảo vệ pháp luật để đối phó với nạn hành hung.

Nhà báo ở việt nam được bảo vệ như thế nào?

Ở Việt Nam, Luật Báo chí đã quy định rõ: Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật (Điểm đ, Khoản 1, Điều 15, Luật Báo chí sửa đổi 1999).

Các đối tượng vi phạm, tùy vào mức độ có thể bị khởi tố theo Điều 104 của Bộ luật Hình sự (tội cố ý gây thương tích) hoặc các điều luật khác. Cụ thể, cơ quan công an sẽ xem vụ việc có gây hậu quả đủ để xử lí hình sự hay không, căn cứ vào tỷ lệ thương tật vĩnh viễn có quá 11% sức khỏe không hay tài sản bị thiệt hại có quá 2 triệu đồng hay không?

Với cách giải quyết như trên, nhiều vụ việc nhà báo bị đánh đập tàn bạo nhưng cuối cùng lại chỉ xử lí ở mức qua loa như hành chính hoặc hai bên tự hòa giải, thậm chí nhiều trường hợp nhanh chóng chìm xuống vì thương tật không đến 11%. Do đó, việc căn cứ vào mức độ thương tật vĩnh viễn hoặc mức độ tài sản thiệt hại để xử lý các vụ hành hung xem ra chưa thực sự thỏa đáng.

Xuất phát từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý những vụ việc hành hung PV, nhà báo theo hướng chống người thi hành công vụ. Chia sẻ với báo chí, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, trong nhiều vụ điều tra, anh phải tác nghiệp từ A - Z, hoạt động không khác gì một nhân viên công an nhưng lại không được bảo vệ giống như công an, không có công cụ hỗ trợ cũng không có trinh sát đi cùng.

Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu cũng ủng hộ việc coi nhà báo tác nghiệp là người thi hành công vụ, tức là đối tượng hành hung nhà báo có thể bị xử lý về tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 257, Bộ luật Hình sự.

Thiết nghĩ, những ý kiến này rất cần được xem xét để tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, giúp các PV, nhà báo, đặc biệt là những nhà báo làm phóng sự điều tra an tâm thực hiện tốt vai trò phản ánh sự thật, phơi bày cái xấu vì sự nghiệp báo chí và sự phát triển của xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận