Đêm tác nghiệp của phóng viên trẻ

Tác giả: THÙY DƯƠNG

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 21/06/2016 15:10

Dù mới trải nghiệm với nghề được 9 tháng nhưng tôi thấy khoảng thời gian này là một cuộc hành trình khám phá đầy thú vị.

MJM_6647
Phóng viên tác nghiệp đêm giao thừa

Một sinh viên vừa ra trường, đi làm chưa đầy một năm, đối với tôi nghề báo vẫn còn rất mới và tôi mới chỉ đang trong giai đoạn chập chững những bước đi đầu tiên trong nghề. Dù mới trải nghiệm với nghề được 9 tháng nhưng tôi thấy khoảng thời gian này là một cuộc hành trình khám phá đầy thú vị. Tôi đến với nghề báo vì sở thích đi du lịch và sự phóng khoáng, năng động của người phóng viên. Nhưng sau 4 năm ngồi trên ghế nhà trường và 9 tháng làm việc, tôi vỡ ra nghề báo không đơn giản như tôi từng nghĩ, không chỉ là những chuyến đi du lịch vui vẻ, khám phá miền đất mới, không chỉ là ăn mặc thật đẹp đến các sự kiện lấy tin bài mà xung quanh đó còn biết bao điều bổ ích, lý thú. Những ngày tháng đi làm dù chưa nhiều nhưng đã giúp tôi trưởng thành hơn và để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc, đặc biệt là những chuyến đi làm đêm.

Chuyến đi đêm đầu tiên của tôi chính là đêm giao thừa. Vào đúng thời gian mọi người nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình hay đi chơi, ra đường đón năm mới thì cũng là lúc tôi và đồng nghiệp xách ba lô lên đi làm. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bầu trời rực sáng pháo hoa, khu vực chúng tôi tác nghiệp rộn rã những tiếng cười, tiếng hô vang: “Chúc mừng năm mới”. Chúng tôi lẩn mình vào đám đông ghi lại phút giây thiêng liêng ấy.

Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nghĩ đến gia đình, đến mẹ, đến mâm cơm cúng giao thừa, đến những người thân yêu nhất đang đợi tôi về nhà. Giữa phố phường đầy ắp tiếng cười giọng nói nhưng lòng tôi bỗng se lại, một chút cô đơn từ đâu ùa đến khi người bạn của tôi lúc đó chỉ là chiếc máy ảnh và một vài dụng cụ tác nghiệp. Nhưng rồi cảm giác đó cũng nhanh chóng tan biến khi tôi phải bắt tay ngay vào việc viết, lọc ảnh và cập nhật lên tạp chí điện tử. Đêm giao thừa, cánh phóng viên chúng tôi không ngủ. Sau màn pháo hoa chào năm mới, chúng tôi tiếp tục xách máy lên và đi mọi hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để khám phá, ghi lại những hoạt động sau đêm giao thừa.

_DSC6751-01.

Một trong những chuyến tác nghiệp về đêm đáng nhớ nhất của tôi là ở Trạm thu phí QL2, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Đây là một chuyến đi không hề được lên kế hoạch trước. Mấy anh em phóng viên chúng tôi quyết định đi chỉ trong một tích tắc thống nhất sau khi biết kế hoạch chụp ảnh lắp dầm đường sắt trên cao ở Nhổn bị nhầm. Đúng 11 giờ 30, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình từ Nhổn lên Trạm thu phí BOT QL2 (đoạn đầu Sóc Sơn) để thu thập thông tin và bằng chứng về Đề tài “Xe ô tô đi ngược chiều né trạm thu phí”. Trước đây, tôi cũng đã được nghe câu chuyện tác nghiệp đầy nguy hiểm tại tuyến đường này về đêm của hai anh phóng viên cùng cơ quan. Đây là khu vực có rất nhiều “bảo kê” nên chúng tôi vô cùng cẩn thận và cảnh giác.

Khi lên đến nơi, chúng tôi chọn địa điểm đứng cách trạm thu phí khoảng 500 mét và giả như nhóm phượt đêm dừng chân nghỉ ngơi. Chờ đợi một khoảng thời gian khá lâu, đến khoảng 2 giờ sáng, những chiếc taxi đi ngược chiều né trạm thu phí bắt đầu xuất hiện và chúng tôi đã ghi lại được những hình ảnh đó. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ấy, liên tục có các thanh niên đầu trần, xăm trổ, đi xe máy không biển số lượn qua lượn lại đoạn đường này và nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Cảm thấy có điều không ổn, chúng tôi quyết định di chuyển và tìm được một địa điểm hợp lý để tiếp tục quan sát. Đó là một bụi chuối khá lớn ở vệ đường, chỉ cách Trạm thu phí khoảng 200 mét. Phía sau bụi chuối là một đống thân cây ngô sau khi thu hoạch được xếp ngăn nắp thành từng khối cao như bức tường. Chúng tôi đã giấu xe sau “bức tường” cây ngô và ngồi giữa bụi chuối để tiếp tục tác nghiệp. Lúc đó dù đang trong tình cảnh không mấy an toàn nhưng cả 3 chúng tôi đều không nhịn được cười khi nhìn nhau, đứa nào đứa nấy vẫn đội nguyên mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang hay quàng khăn phượt kín mít, vì chỗ nào hở ra là muỗi cắn đau nhói.

Sau khi tìm được địa điểm an toàn “trú ẩn”, chúng tôi lại tiếp tục tác nghiệp. Tuy nhiên cũng chỉ được một lúc, chúng tôi lại bị phát hiện. Khi hai thanh niên lượn xe máy thấy động trong bụi chuối quay đầu lại, tôi rất sợ, tim đập thình thịch chỉ biết tóm lấy áo người ngồi gần tôi nhất thốt lên: “Anh ơi lộ rồi”. Anh quay sang bảo tôi: “Bình tĩnh từ từ rồi rút thôi”. Lúc đó, tôi tưởng như tim mình rơi ra khỏi lồng ngực. Chúng tôi ngồi im tại vị trí để không gây ra tiếng động gì, tôi có cảm giác lúc đó tim như ngừng thở. Đứng một lúc không thấy động tĩnh gì, hai thanh niên kia phóng xe máy đi, khi đó tôi mới dám thở phào một tiếng. Chúng tôi đợi thêm một lúc để chắc rằng hai người đó không quay lại mới lấy xe đi về Hà Nội.

Điều đáng nói, trong chuyến đi đầy nguy hiểm đó, chúng tôi không chỉ thu thập được những bằng chứng, thông tin cho đề tài định trước mà còn phát hiện thêm được khá nhiều đề tài mới như khi đi qua cầu Thăng Long thấy có rất nhiều bóng đèn không sáng do bị cháy, thậm chí là không có bóng hoặc chao đèn bị gẫy. Về đến khu vực Cầu Giấy chúng tôi lại phát hiện thêm công trình đào xới, lấn chiếm vỉa hè và lòng đường...

Khi nhắc đến nghề báo, ai cũng nghĩ rằng làm nghề này được đi đây đi đó không sợ tốn tiền. Đối với tôi, kể từ khi bước chân vào làm nghề, mỗi một chuyến đi là một thử thách phải đối mặt và vượt qua. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ, là kinh nghiệm, bài học quý báu cho bản thân sau này.

Ý kiến của bạn

Bình luận