Các địa phương là “then chốt” trong bài toán giảm TNGT

Giao thông 24h 24/06/2017 15:36

Mức độ thành công của công tác bảo đảm TTATGT phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai, thực hiện tại các địa phương.

 

DSC_1588(1)
Cần nhiều hơn các mô hình tuyên truyền TTATGT tại các địa phương

SỨC MẠNH PHẢI TỪ CƠ SỞ

Trong các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNGT của Chính phủ, Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 khẳng định, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT cho mọi đối tượng tham gia giao thông để mọi người tự giác chấp hành là biện pháp quan trọng hàng đầu; yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí phải đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục triển khai những giải pháp vận động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và văn hóa giao thông. Đây là một trong những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn.

Trên thực tế, cùng với hệ thống các cơ quan tổ chức ở Trung ương, tại các tỉnh, thành phố hiện nay đang có một hệ thống chặt chẽ nhằm bảo đảm TTATGT. Trong đó, ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT và khắc phục UTGT trên địa bàn. Vị trí trưởng ban ATGT do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nắm giữ. Ở cấp này, ban ATGT địa phương bao gồm văn phòng ban ATGT, các cơ quan thành viên như sở GTVT, công an, giáo dục đào tạo, y tế, thông tin vàtruyền thông và nhiều tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội khác. Ở cấp quận, huyện hiện nay không có phòng chuyên về ATGT mà chức năng này thường được ghép vào thành một nhiệm vụ của phòng Kinh tế hạ tầng, Công thương, Quản lý đô thị hoặc có cơ quan thường trực là Công an quận, huyện (mô hình tại TP. Hồ Chí Minh).

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Để có thể thực hiện tuyên truyền một cách sâu rộng và hiệu quả, ngoài các kênh tuyên truyền trên, các phương tiện thông tin đại chúng, ban ATGT các cấp có vai trò hết sức quan trọng, vì chỉ có ban ATGT tại địa phương mới có thể thực hiện tuyên truyền vận động được người dân ở mức cụm dân cư, tổ dân phố, các trường học...”.

Theo ông Lê Phương Huy - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Bình, sau khi phân tích thực trạng và số liệu TNGT, Ban ATGT tỉnh nhận thấy nguyên nhân chính gây nên các vụ TNGT trên địa bàn xuất phát từ người điều khiển phương tiện chưa chấp hành đúng các quy định về pháp luật TTATGT. Do đó, kéo giảm TNGT phải bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông. Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch “phủ sóng” tuyên truyền pháp luật TTATGT tới từng xã, phường, khu dân cư, khu công nghiệp… Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh còn tổ chức triển lãm ảnh về TTATGT, những điểm nóng TNGT; tuyên truyền lưu động, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người tử vong do TNGT; trao học bổng cho học sinh bị TNGT hoặc có thân nhân bị TNGT…

“Đến nay, hầu hết các xã, phường trên địa bàn đã tổ chức được các buổi tuyên truyền ATGT. Các buổi tuyên truyền thường được xây dựng nội dung cho phù hợp từng nhóm đối tượng như: Tuyên truyền ở khu công nghiệp phải chú trọng nội dung đi đúng làn đường, phần đường, đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm; kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào ban đêm, trong khu công nghiệp… Các trường học đã tăng cường tuyên truyền về nội dung đi bộ, đi xe đạp an toàn, đội mũ bảo hiểm đúng cách.

Còn tại các khu dân cư, xã, phường, thị trấn sẽ có thêm nội dung bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục con em, quản lý các thành viên trong gia đình khi tham gia giao thông,...”, ông Huy cho hay.

Theo đề án đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT tiếp tục được chú trọng, tăng cường. Cụ thể, sẽ thành lập các tổ tham mưu tuyên truyền ATGT tại tỉnh và các huyện, thành phố; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ATGT tại các cơ sở, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức ít nhất 2 buổi/năm truyền thông ATGT cho cán bộ, công nhân, người lao động. Các địa phương hàng ngày sử dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền ATGT vào các buổi sáng và chiều tối, công khai các trường hợp vi phạm giao thông nơi người vi phạm sinh sống. Ngành Giáo dục và Đào tạo đưa ATGT là nội dung bắt buộc trong môn Giáo dục công dân, từng bước xây dựng trung tâm thực hành Luật Giao thông cho học sinh tại các huyện...

Tại TP. Hồ Chí Minh, Ban ATGT Thành phố đã thành lập tổ tuyên truyền ATGT cấp Thành phố với sự có mặt của các sở, ngành, đoàn thể như: GTVT, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thểthao vàDu lịch, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc... để tham mưu về kế hoạch nội dung các hoạt động tuyên truyền cho Ban ATGT Thành phố.

Ban ATGT Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan lắp đặt các biển báo điện tử với nội dung đa dạng phục vụ mục tiêu tuyên truyền ATGT trên các cửa ngõ chính ra vào Thành phố. Giải pháp này đã góp phần tuyên truyền rất hiệu quả các kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân sống ở các tỉnh lân cận nhưng làm việc tại TP. Hồ Chí Minh (chiếm tỷ lệ rất lớn trong dân số Thành phố).

Ban ATGT Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, như Đài Tiếng nói Thành phố và Đài Truyền hình Thành phố để thực hiện các chương trình “đi an toàn, về nhà hạnh phúc” theo hình thức trực tuyến, với tần suất cao và liên tục trong năm. Kết quả đánh giá cho thấy, chương trình đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc kéo giảm TNGT tại TP. Hồ Chí Minh.

NỘI LỰC CÒN THIẾU THỐN

Có thể khẳng định, công tác đảm bảo TTATGT tại từng địa phương có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kéo giảm TNGT trên cả nước. Mức độ thành công của các chương trình bảo đảm TTATGT phụ thuộc rất nhiều vào công tác triển khai tại 63 địa phương. Tuy nhiên thực tế hiện nay, các văn phòng ban ATGT địa phương lại đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Theo ông Khuất Việt Hùng, dù công tác đảm bảo TTATGT liên tục đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là giải pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức, văn hóa cho người dân khi tham gia giao thông đang phát huy hiệu quả rất tốt nhưng vẫn có những nơi công tác vận động tuyên truyền chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có quy định cụ thể, đầy đủ tính pháp lý về mô hình, cơ cấu tổ chức, định biên nên các văn phòng ban ATGT gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức bộ máy, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác. Đồng thời, nhiều địa phương chưa bố trí đủ biên chế và hợp đồng cho văn phòng ban, thậm chí một số địa phương không có biên chế. Ở cấp huyện hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm, trừ một số rất ít địa phương bố trí cán bộ chuyên trách.

_105
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT

“Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, trong khi nội dung tuyên truyền thì chưa sát với thực tế. Tôi cho rằng, để tăng cường năng lực cho công tác đảm bảo TTAGT thì chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nguồn lực của các cơ quan chức năng tại địa phương cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới”, ông Hùng nhìn nhận.

Trên cơ sở đó, mục tiêu được xác định để phát huy vai trò của ban ATGT các cấp trong công tác vận động tuyên truyền tại địa phương gồm: Huy động sức mạnh chính trị tổng hợp trong công tác tuyên truyền; đảm bảo nguồn lực về mặt con người cũng như vật chất cho hoạt động bảo đảm TTATGT; xây dựng hệ thống tài liệu, số liệu phù hợp cho công tác vận động tuyên truyền ATGT; có cơ chế chính sách quan tâm đãi ngộ phù hợp, quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng tuyên truyền, lực lượng thực thi công vụ.

Ý kiến của bạn

Bình luận