Tiền đâu mua trạm thu phí BOT?

Bạn đọc 20/09/2016 09:30

Nhiều địa phương ủng hộ việc chính quyền tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí BOT nhưng cho rằng cần cân nhắc một số vấn đề

Tiền đâu mua trạm thu phí BOT
Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 19 đi qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Thanh

Trao đổi với phóng viên nhân việc tỉnh Bình Dương mua lại một trạm thu phí giao thông của dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) để giải tỏa ách tắc trong lưu thông, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh này vẫn chưa có quyết sách hay ý định gì về việc mua lại trạm thu phí BOT rồi xóa sổ.

Không có kinh phí

“Bình Dương là tỉnh có nhiều trạm thu phí và nguồn tài chính lớn nên việc họ bỏ tiền mua lại trạm thu phí rồi xóa sổ là hoàn toàn có thể. Quảng Bình là địa phương nghèo nên vấn đề đó vượt ngoài khả năng” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, tháng 5-2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị với Bộ Tài chính và Bộ GTVT, đồng thời gửi ý kiến tới các nhà đầu tư xin kéo dài thời gian thu và giảm 40%-50% mức phí BOT (mức thu mới) nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, phía nhà đầu tư chưa đồng ý vì cho rằng làm như vậy doanh nghiệp (DN) không có khả năng hoàn vốn và cũng chưa xét đến tính khả thi của việc điều chỉnh mức phí 3 năm/lần.

Trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 2 trạm thu phí theo hình thức BOT nằm trên Quốc lộ (QL) 1. Trong đó, trạm thu phí tại Km 604+700 ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) do Công ty CP Tasco (Hà Nội) đưa vào sử dụng từ tháng 7-2015 và trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) do Tập đoàn Trường Thịnh khai thác.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho biết tỉnh chưa tính đến phương án mua lại trạm thu phí BOT trên QL 1. Theo ông Căng, hiện trên QL 1 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi có một trạm thu phí BOT mới đưa vào thu phí đầu tháng 8. “Chúng tôi chưa tính đến phương án mua lại trạm thu phí BOT vì không có kinh phí, còn việc giảm mức phí hay không thì do Bộ Tài chính quyết định” - ông Căng nói.

Phải theo quy trình

Tại tỉnh Gia Lai có 2 trạm thu phí của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai trên QL 14 và một trạm thu phí của Công ty TNHH 36.71 trên QL 19.

Đánh giá về việc chính quyền tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí BOT, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, bày tỏ ủng hộ chuyện này vì sẽ bảo đảm quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, theo ông Quế, mua lại trạm thu phí BOT như thế nào để có thể bảo đảm chính xác giá trị là một việc cần phải tính toán bởi các tuyến đường đầu tư từ nguồn vốn BOT, trái phiếu Chính phủ hay các nguồn khác đều phải theo quy trình. Việc tính toán giá trị công trình lại khác nhau, không thể tính một cách cụ thể được do công trình đã làm xong. Đối với công trình bằng nguồn vốn BOT thường có giá trị cao hơn. Vì vậy, khi mua phải tính toán giá trị cao hơn này. “Một tuyến đường theo thiết kế có tổng trị giá khoảng 10 tỉ đồng, bảo đảm lưu thông trong khoảng 20 năm. Nhưng hiện nay, trong việc thiết kế BOT, người ta thiết kế cao hơn khoảng 12-13 tỉ đồng thì có 2-3 tỉ đồng dôi dư, nếu mua ép xuống 10 tỉ đồng là không được mà mua đúng 12 tỉ đồng là sự lãng phí” - ông Quế ví dụ.

Ông Quế cho rằng người dân ủng hộ nhưng nhà nước phải mua như thế nào để bảo đảm hiệu quả kinh tế. “Tiền mua cũng là tiền của người dân đóng thuế, mua như thế nào cho hợp lý, đấy là bài toán khó mà chính quyền phải tính” - ông Quế nói.

Cùng chung tay

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có tổng cộng 5 trạm thu phí với mức giá rất cao nên thời gian qua, các DN vận tải không đồng tình.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc, sắp xếp bố trí nguồn vốn mua lại một số dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh để giảm bớt gánh nặng cho các DN vận tải, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng nhưng chưa được chấp thuận.

Theo ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, trước khi đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều ý kiến xin được giảm tải tối thiểu trạm thu phí trên tuyến đường này nhưng hiện vẫn còn 3 trạm. Qua thời gian đầu thu phí cho thấy lưu lượng xe qua lại lớn hơn tính toán ban đầu nên hiện cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang rà soát lại theo chỉ đạo của Bộ GTVT để giảm bớt giá vé cho phù hợp và giảm gánh nặng cho DN vận tải.

Theo ông Hùm, thường trạm thu phí BOT phải đặt trên tuyến đường xây dựng mới hoàn toàn. Tuy nhiên, do điều kiện nước ta khó khăn nên nhà nước và người dân phải chung tay nâng cấp sửa chữa để có con đường tốt hơn.

Thu nhiều loại thuế khác lợi hơn

Ở góc độ của một tài xế xe tải tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Dương cho rằng sở dĩ tỉnh Bình Dương bỏ tiền mua lại trạm thu phí An Phú vì đây là tuyến đường dẫn vào các KCN và đi các cảng. Việc mua lại trạm thu phí sẽ tăng cường thu hút đầu tư của các DN, từ đó chính quyền sẽ thu được nhiều loại thuế khác có lợi hơn. Trạm thu phí này không nằm trên những tuyến đường huyết mạch nên chủ đầu tư mới chịu bán.

C.Nguyên

Ông Hoàng Thanh Phương, chủ nhà xe Thanh Trâm (tỉnh Đắk Lắk):

Mong nhà nước mua

Trên QL 14 đoạn từ tỉnh Đắk Lắk đến Bến xe Miền Đông (TP HCM) hiện có 5 trạm thu phí gồm: 3 trạm ở Đắk Nông, 2 trạm ở Bình Phước. Trong đó, 3 trạm ở Đắk Nông có mức thu cao nhất là 75.000 đồng/lượt cho loại xe khách trên 31 chỗ ngồi. Do đó, mỗi chuyến đi về, nhà xe phải mất gần cả triệu đồng tiền mua vé nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn nhà nước mua lại một số trạm thu phí BOT để DN vận tải bớt gánh nặng.

H.Thanh ghi

Hạn chế trạm thu phí mới

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết hiện chủ trương của tỉnh này là hạn chế các trạm thu phí mới. Tỉnh Bình Dương dùng nguồn tiền của mình để mua lại trạm thu phí An Phú (trên Tỉnh lộ 743) và xóa sổ luôn.

Tỉnh lộ 743 đoạn qua trạm thu phí An Phú là nơi thường xuyên diễn ra cảnh ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng do nằm trên trục đường khá hẹp nhưng phải đảm đương nhiệm vụ như một trong những trục chính kết nối Bình Dương - TP HCM, kết nối hàng loạt KCN lớn của Bình Dương như VSIP, Sóng Thần, Nam Tân Uyên… Nhằm chấm dứt hiện trạng trên, tỉnh Bình Dương quyết định mở rộng Tỉnh lộ 743 đoạn từ cầu vượt Sóng Thần đến miếu Ông Cù. Tổng Công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) được giao đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường này lên 6 làn xe với vốn đầu tư 1.329 tỉ đồng. Sau khi nâng cấp, Becamex IDC sẽ không đặt trạm thu phí trên đường này.

Ông Trần Thanh Liêm cũng cho biết các tuyến đường lớn đang xây dựng ở Bình Dương như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, tỉnh lộ 746, 747B cũng sẽ không đặt trạm thu phí. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 13 trạm thu phí hoàn vốn cho 7 dự án BOT.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nêu quan điểm trên báo chí rằng hiện nay, ở các địa phương có rất nhiều việc quan trọng khác cần phải ưu tiên vốn đầu tư ngay, như các vấn đề xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông nghiệp - nông thôn, các dự án xử lý bãi rác, bệnh viện, trường học… Nếu chưa làm xong được việc này mà bỏ một lượng tiền lớn ra mua trạm thu phí là không thể được. Việc mua lại các trạm thu phí BOT cần thực hiện theo các quy định chung của toàn quốc. Tỉnh bỏ tiền của mình ra mua trạm thu phí mà không phải lấy nguồn ngân sách của trung ương thì rất hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng phải làm rõ nguồn ngân sách để mua trạm thu phí BOT từ đâu ra.

L.Duy

Ý kiến của bạn

Bình luận