Thống kê ùn tắc giao thông: Nhiều hoài nghi về số liệu của Cục CSGT

Ý kiến phản biện 18/04/2016 14:04

Kết quả thống kê ùn tắc giao thông thấp bất thường tại Hà Nội và TPHCM do Cục CSGT cung cấp đã tạo ra nhiều hoài nghi về độ chính xác.

Thống kê ùn tắc giao thông.
Thống kê ùn tắc giao thông.

Phần lớn ý kiến của các chuyên gia đều nhận định kết quả này chưa phản ánh đúng thực tế và Việt Nam chưa có tiêu chí rõ ràng về vấn đề này. Có người còn đặt câu hỏi phải chăng con số thấp bất thường là do “bệnh thành tích”. Để có cái nhìn toàn diện hơn về các con số lạ này, ngày 13.4, PV Báo Lao Động có trao đổi nhanh với một số chuyên gia giao thông và cơ quan quản lý.

Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT: Có nhiều tiêu chí để đánh giá về vấn đề ùn tắc giao thông. Nếu đánh giá theo tiêu chí của nhà quản lý thì đó có thể là số liệu đúng còn nếu theo góc độ của người sử dụng thì thực ra với tâm lý “tôi đi ùn tắc liên tục thì nó là ùn tắc” thì số liệu đó phản ánh hoàn toàn không đúng. Hiện nay Hiệp hội An toàn Thế giới đã đưa ra tiêu chí và áp dụng ở một số nước, nhưng Việt Nam thì chưa có tiêu chí rõ ràng và mỗi địa phương lại đánh giá theo một tiêu chí khác nhau nên rất là khó, việc thống kê này trên thực tế rất phức tạp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, cho rằng: Cần phải định nghĩa thời gian bao nhiêu lâu là tắc, ví dụ ở Hà Nội, trong 3 phút khi đèn đỏ mà hai người đi qua không nhường nhau đâm vào nhau thì cũng có thể gây ra tắc. Do đó, cần định nghĩa rõ thế nào là tắc đường và nguyên nhân tắc là gì. Về số liệu có phần bất thường do Cục CSGT cung cấp, đó chỉ là số báo cáo, còn thực tế chắc chắn phải nhiều hơn và không loại trừ số liệu đó có một phần là do bệnh thành tích. Nên chia thành hai khái niệm “tắc bán phần” và “tắc toàn phần” và cần có quy định cụ thể về vấn đề này để “quy trách nhiệm và xử phạt những người thiếu ý thức gây ra ùn tắc giao thông, bởi việc ùn tắc giao thông gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế và làm trầm trọng vấn đề ô nhiễm môi trường. Nếu theo tiêu chí thế giới thì Việt Nam tắc suốt ngày vì ở một số nước chỉ cần các phương tiện phải di chuyển dưới tốc độ 10km/h đã là tắc đường. Các tiêu chí để thống kê các vụ ùn tắc: Tốc độ vận hành trên đường, thời gian di chuyển trung bình...”.

TS Phạm Ngọc Trung - tác giả sách “Văn hoá giao thông”: Cần định nghĩa thế nào là ùn tắc giao thông, nhưng số liệu thống kê 3 tháng ở Hà Nội chỉ có 9 vụ ùn tắc giao thông có lẽ là phản ánh chưa đúng thực tế, vì khi lưu thông hàng ngày có thể nhận thấy ùn tắc quá nhiều. Có thể người thống kế đã chia ra ùn tắc lớn, ùn ứ trong 5 phút, 10 phút, nửa tiếng hay vài tiếng... chia thành nhiều mức độ khác nhau. Trên thực tế, nhiều tuyến đường ngày nào cũng có hiện tượng ùn ứ nhưng có thể chỉ trong 5 phút, 20 phút nên có khi số liệu thống kê trên là chỉ tính các vụ ùn tắc lớn chứ nếu theo nghĩa thông thường thì không chính xác.

Ông Lương Đức Thắng (Phòng Giao thông Đô thị Sở GTVT Hà Nội): Hiện chưa có tiêu chí nào chính xác để thống kê các vụ ùn tắc giao thông. Sở GTVT hiện thống kê các điểm có nguy cơ thường xuyên gây ùn tắc giao thông và trong năm 2015 Hà Nội có 44 điểm. Các điểm này được đưa vào danh sách sau khi có đánh giá về khả năng thông hành qua nút của các loại phương tiện, tốc độ lưu thông qua các điểm mà thông thường là dưới 20km/h nhưng chủ yếu vẫn là đánh giá cảm quan do Sở GTVT phối hợp cùng Cục CSGT đánh giá. Các điểm này mới chỉ là nguy cơ ùn tắc nên không có tính thường xuyên liên tục.

Ý kiến của bạn

Bình luận