Sửa đổi Luật Giao thông ĐTNĐVN: Phù hợp thực tiễn và xu hướng hội nhập

Bạn đọc 08/06/2012 10:30

Qua 7 năm thực hiện Luật Giao thông Đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), thực tế phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập; việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp xu thế hội nhập hiện nay là điều cấp thiết. Luật GTĐTNĐ được ban hành vào tháng 6/2004, theo đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện đã tạo thành khung pháp lý giúp các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phối hợp cùng với chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, sắp xếp bộ máy, tổ chức quản lý phù hợp. Sau 7 năm thực hiện, hoạt động giao thông ĐTNĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực, chiều dài tuyến đường thủy được đưa vào khai thác, quản lý tăng, hoạt động trên các tuyến cơ bản thông suốt, tình hình trật tự, an toàn trên ĐTNĐ được cải thiện đáng kể.



Các Bộ, Ngành, địa phương hầu hết đều thống nhất đánh giá Luật GTĐTNĐ và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đã giúp hoạt động giao thông ĐTNĐ dần ổn định, phát triển, tình hình TTATGT đường thủy nội địa ngày càng được cải thiện; sản lượng, năng suất vận tải thủy không ngừng tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải thủy từng bước phát triển và ngày càng đổi mới cả về loại hình, chất lượng cũng như hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực thi Luật cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, cũng như xu hướng hội nhập kinh tế của đất nước.
Luật GTĐTNĐ hiện chưa cân đối giữa các nhóm đối tượng điều chỉnh. Một số các quy định chưa phù hợp với thực tiễn quản lý và hoạt động, gây khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc triển khai thi hành như: Luật chưa làm rõ được chức năng, nhiệm vụ của đơn vị quản lý về tuyến luồng; Quy định về đường thủy nội địa hiện nay đang gây ra một số bất cập vì luồng ĐTNĐ là kết cấu mềm, bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, phù sa… Điều này tạo khó khăn trong công tác giữ gìn, đảm bảo ATGT cho luồng và hành lang luồng.
Các quy định về phương tiện, thuyền viên, quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện, cảng vụ ĐTNĐ, Thanh tra giao thông ĐTNĐ, vấn đề vận tải bằng đường ĐTNĐ với nước bạn cũng phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh về ĐTNĐ chỉ điều chỉnh luồng, hành lang bảo vệ luồng và những sông, kênh đã tổ chức, quản lý là chưa đủ.
Bởi lẽ, ngoài phạm vi này, vẫn có hoạt động vận tải thì quản lý như thế nào, nhất là khi có tai nạn xảy ra. Một số điểm trong Luật chưa rõ nghĩa như “Vi phạm báo hiệu (Khoản 10, Điều 8) thì lẽ ra phải ghi là “Phạm vi quy định về báo hiệu”; hoặc gọi Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh là đơn vị quản lý ĐTNĐ là chưa đúng (Khoản 4, Điều 9) vì lực lượng không đồng nghĩa với đơn vị. Bộ GTVT, UBND tỉnh cũng không thể là đơn vị quản lý đường thủy nội địa được…
Với những phát sinh mới trong thực tiễn quản lý hoạt động giao thông ĐTNĐ và những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định của Luật, việc sửa đổi Luật GTĐTNĐ rất cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thông ĐTNĐ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đề ra và đi vào ổn định, phát triển bền vững; tăng cường quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đảm bảo giao thông ĐTNĐ hoạt động có tổ chức, an toàn hiệu quả, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia hoạt động trên ĐTNĐ.
PV

Ý kiến của bạn

Bình luận