Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 4: Công nghệ nào phù hợp?

Vận tải 23/11/2023 06:54

Trước tình trạng xe quá tải vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, lực lượng chức năng phải sử dụng nhiều biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Xây dựng hệ thống trạm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) ứng dụng công nghệ cao được xem là biện pháp căn cơ.

Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 4: Công nghệ cân xe nào phù hợp?- Ảnh 1.

Phần mềm kiểm tra tải trọng xe tại km78 QL5

Duy trì các trạm KSTTX di động

Hiện nay, trên cả nước có 3 loại hình trạm cân, nhưng chỉ đang hoạt động hai loại hình, đó là: Trạm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) cố định được đặt tại Quảng Ninh và Dầu Giây (Đồng Nai) - trạm cân 2 cấp đã dừng hoạt động; trạm KSTTX cố định, tự động (do Jica tài trợ) đặt tại QL5 (cả hai chiều) đoạn qua TP. Hải Phòng và trạm KSTTX lưu động được trang bị cho 62 tỉnh, thành.

Đối với trạm KSTTX 2 cấp hoạt động từ tháng 3/2009 (Dầu Giây - Đồng Nai) và tháng 6/2010 (Quảng Ninh) hoạt động theo nguyên lý khi phát hiện xe có dấu hiệu quá tải, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đưa xe vào cân phân loại (có vi phạm hay không), sau đó cân xác định khối lượng cụ thể (hệ thống cân bàn), nếu vi phạm sẽ lập biên bản và yêu cầu hạ tải. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển ngày càng cao của lĩnh vực đường bộ, nhất là ứng dụng công nghệ trong công tác KSTTX trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc nên mô hình KSTTX cố định với bộ máy quản lý, vận hành và xử lý vi phạm tại trạm lên tới gần 60 người, chi phí duy trì hoạt động và bảo trì trạm hàng năm lớn (hơn 5 tỷ đồng mỗi năm) nên dần không phù hợp với yêu cầu thực tế, vì vậy cơ bản các trạm cân cố định 2 cấp đã dừng hoạt động.

Đối với 63 trạm KSTTX lưu động được trang bị cho 62 tỉnh, thành phố (riêng Hải Dương 2 trạm) hoạt động cơ động hơn, chỉ cần một phần hành lang đủ rộng là có thể đặt trạm. Khi phát hiện xe có dấu hiệu chở hàng quá tải trọng, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu lái xe đưa xe vào trạm, lái xe sẽ điều khiển các lốp xe qua cảm biến cân, các cảm biến sẽ cộng các trục xe (tùy từng loại xe), sau đó thiết bị kết nối sẽ truyền dữ liệu về hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), in phiếu cân, nếu xe vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản ngay tại chỗ.

Theo đánh giá, các trạm KSTTX lưu động hoạt động khá hiệu quả. Thống kê của Cục ĐBVN cho thấy, từ tháng 4/2014 đến tháng 8/2016, các trạm KSTTX lưu động đã dừng, kiểm tra 1.431.210 lượt ô tô, phát hiện và lập biên bản 165.595 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính nộp Kho bạc Nhà nước 959 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 69.600 trường hợp, qua đó số lượng xe quá tải đã giảm còn khoảng gần 10%.

Theo Cục ĐBVN, trong số 63 trạm cân lưu động kể trên đến thời điểm này chỉ còn hoạt động 46 trạm. Số trạm dừng hẳn hoặc tạm dừng do đang sửa chữa, chờ phụ tùng thay thế hoặc không có nhân lực vận hành là 18 trạm (Hưng Yên, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang). Trong số 46 trạm đang hoạt động thì hàng ngày có rất nhiều trạm mất kết nối tín hiệu, dữ liệu hoạt động về phần mềm KSTTX của Cục ĐBVN.

Ông Ngô Văn Điềm, Trạm trưởng Trạm KSTTX tỉnh Hòa Bình chia sẻ, để duy trì một trạm, chi phí hoạt động và nhân sự cũng khá cao (khoảng 12 - 18 người/trạm/3 ca). Tuy nhiên, một thực tế xảy ra là không kiểm soát được toàn bộ số xe quá tải qua trạm mà chỉ những xe lực lượng chức năng nghi ngờ có dấu hiệu vượt quá tải trọng mới được yêu cầu đưa vào cân kiểm tra tải trọng. Những trạm không hoạt động thường xuyên sẽ bị hạn chế bởi thời tiết như mưa bão. Bên cạnh đó, thiết bị thay thế rất khan hiếm, nhà cung cấp thiết bị cân ở quá xa, khi hỏng hóc, chờ thay thế thì toàn bộ trạm phải nghỉ hoạt động. Thực tế, những xe quá tải vượt trạm thường diễn ra vào thời điểm lực lượng chức năng nghỉ, thay ca hoặc lái xe cố tình cho xe vượt trạm...

Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 4: Công nghệ cân xe nào phù hợp?- Ảnh 2.

Trạm cân tự động trên QL5

Ưu tiên công nghệ cân xe tự động

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN, hiện nay cùng với xây dựng tiêu chuẩn trạm cân mới, Cục ĐBVN và các đơn vị đã và đang tổ chức triển khai thí điểm các trạm cân tự động tại Hải Phòng (QL5 đã đưa vào hoạt động xử lý vi phạm), trạm cân trên TL741 tại Bình Dương (đang làm thủ tục thí điểm xử phạt) và dự án hệ thống các trạm KSTTX tự động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ưu điểm các trạm KSTTX tự động cho thấy kiểm soát tự động 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết; giám sát 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân. Trạm KSTTX tự động bảo đảm khách quan, không cần lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường; chi phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt rất thấp. Đồng thời, với việc tuyên truyền đến lái xe, chủ xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, chấm dứt, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội nói chung và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng.

Về công nghệ các trạm cân tự động, ông Cường cho biết, có hai loại là cảm biến Loadcell và thạch anh. Cân thạch anh dùng cảm biến điện tử, gắn trong khối bê tông thạch anh được gài trên mặt đường (10 - 15 cm). Nhược điểm của loại cân này là không cân tĩnh được, chỉ cân ở tốc độ 10 - 20 km/h, nếu bị hỏng thì bỏ toàn bộ khối thạch anh lắp trên mặt đường. Còn cân cảm biến Loadcell thì các cảm biến được gắn trên mặt cân (mỗi cân có khoảng 6 - 8 quả cảm biến) có thể cân từ dải cân từ 0 - 80 km/h với kết quả chính xác. Ưu điểm của cân cảm biến Loadcell là công tác bảo dưỡng rất đơn giản, nếu hỏng hóc chỉ hỏng cảm biến (có thể thay thế dễ dàng). Trong quá trình chạy thử nghiệm (từ năm 2013 đến 30/5/2023), nhà cung cấp mới phải thay 2 quả cảm biến.