Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 1: Vẫn nhức nhối xe chở quá tải

Vận tải 20/11/2023 08:05

Dù đã tăng cường phòng chống, kể cả huy động tổng lực tuần tra kiểm soát, phạt nghiêm nhưng tình trạng xe chở quá tải vẫn đang diễn ra, hoành hành trên các tuyến đường ngắn.


Tại một số tuyến quốc lộ, lượng xe vi phạm về tải trọng có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân được xác định chủ yếu là do chủ phương tiện cố tình vi phạm, tuy nhiên việc các trạm kiểm soát tải trọng xe ngừng hoạt động khiến cho vấn nạn này chưa thể giải quyết triệt để.

Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 1:  Vẫn nhức nhối xe chở quá tải- Ảnh 1.

Xe tải "hổ vồ" chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải lưu thông trên Đường tỉnh 429 qua địa bàn các huyện Mỹ Đức - Ứng Hòa - Thanh Oai (TP. Hà Nội)

Nguy cơ bùng phát xe quá tải ở tuyến ngắn, đường tỉnh

Những ngày qua, nhóm PV Tạp chí GTVT đã có mặt tại một số tuyến ngắn, các tuyến tỉnh lộ có lượng xe tải chạy nhiều và nhận thấy không ít xe tải Howo (hay "hổ vồ"), xe đầu kéo chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu chở nặng, lưu thông.

Ghi nhận của PV vào ngày 5/11 trên tuyến đường Cienco 5, trục phía Nam qua địa bàn huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội, xe tải "hổ vồ" mang BKS 29H-870.XX chở cát chất cao ngần ngật có dấu hiệu quá tải, lưu thông hướng huyện Thanh Oai ra tuyến QL21B. Cũng trên tuyến đường này, một xe tải "hổ vồ" khác mang BKS 29H-745.XX chở đá chất cao, lưu thông từ hướng huyện Thanh Oai đi Hà Nội. Theo ghi nhận, trên các tuyến đường có các bãi cát ven sông, hồ qua địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên..., các xe tải "hổ vồ" chở cát "có ngọn" chạy tắt vào tuyến đường liên xã, đường tỉnh để "né" các chốt kiểm tra xử lý của CSGT, Thanh tra giao thông.

Tương tự, tại tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, các xe tải "hổ vồ" chở đầy đất đá như xe mang BKS 29H-758.XX, 29LD-326.XX có dấu hiệu quá tải lưu thông hướng từ đường Hồ Chí Minh (tỉnh Hòa Bình) rẽ về Đường tỉnh 429 qua cầu Ba Thá đi huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai... để về một số bãi tập kết, dự án, công trình đang thi công. Trái ngược với cảnh nhộn nhịp của đội xe tải nặng thì lại vắng bóng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cũng trong tình trạng này, tại đường ra vào các mỏ đá địa bàn xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, các xe tải "hổ vồ", xe tải ben, xe đầu kéo vào chở đá đã làm tuyến đường xuống cấp, sống trâu, trời nắng bụi bay mù mịt, trời mưa đường sình lầy. Không những thế, có những xe tải vào khu vực chở đá mạt nhưng tài xế không che phủ bạt để "lộ thiên" gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cho học sinh vào giờ tan học.

Trên tuyến Đường tỉnh 477C thuộc địa bàn xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe "hổ vồ" 3 chân, 4 chân, xe đầu kéo chở đất, đá san nền cho dự án đường Gia Minh - Kênh Gà chạy qua.

Anh Phạm Quang Vinh (ngụ tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn) cho biết mọi người trong gia đình không dám mở cửa vì bụi, thường xuyên phải sống trong lo lắng vì nguy cơ mất an toàn. Các xe chở nặng, lại đi với tốc độ cao, chỉ cần sơ sẩy là xảy ra TNGT ngay. Điều lạ là không thấy lực lượng chức năng có mặt để kiểm tra, xử lý và khi lực lượng chức năng có mặt thì lại không hề có chiếc xe tải nặng nào chạy qua.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Đinh Huy Lựa, Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết, tình trạng xe tải trọng lớn chạy qua địa bàn xã là có. Tuy nhiên, để phân biệt được xe quá tải hay không thì chúng tôi không có chuyên môn. Ban ATGT xã đã kiến nghị lên Ban ATGT huyện để kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội CSGT số 12, Công an TP. Hà Nội chia sẻ, đơn vị phụ trách tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến QL6 giáp ranh với tỉnh Hòa Bình - địa bàn có lưu lượng xe tải hoạt động.

"Đầu năm, đơn vị đã tổ chức khảo sát tuyến trên địa bàn phụ trách, từ đó bố trí lực lượng sử dụng cân xách tay khép kín khu vực, tuần tra lưu động, khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy trình, quy định. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền, ký cam kết chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe vi phạm...; phối hợp các tổ liên ngành, công an huyện tập trung xử lý đối với các phương tiện xe tải chở quá tải lưu thông trên địa bàn", Trung tá Hoài cho biết.

Nhiều trạm cân không còn sử dụng

Tại trạm thu phí tuyến tránh TP. Phủ Lý, nơi có đặt trạm cân tự động thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC đang thu phí dự án tuyến tránh TP. Phủ Lý và tăng cường QL1 đoạn km215+775 - km235+885, tình trạng xe chở quá tải trọng có xuất hiện song không thể ngăn chặn hoặc từ chối phục vụ vì lý do cân hỏng.

Ông Phạm Văn Hùng, Trạm trưởng trạm thu phí cho biết, Công ty đã lắp cân 4/6 làn (2 làn thô sơ không lắp), tuy nhiên tại thời điểm này hệ thống cân không hoạt động vì máy chủ cân thường xuyên bị treo do lỗi ổ cứng, biển hiển thị giá trị cân hướng Phủ Lý - Hà Nội bị hỏng do phương tiện đâm vào và bỏ chạy. Ngoài ra, cảm biến cân làn số 2 hướng Hà Nội - Phủ Lý bị chập chờn, dữ liệu hay bị treo và có thời điểm mất dữ liệu... Hậu quả là một số trường hợp nhận dạng không xác định chính xác về số trục xe, loại xe; một số trường hợp sai số cân do xe đi lệch thanh cân và ghép nhầm biển số...

Trái ngược với trạm kiểm soát tải trọng xe thuộc Trạm thu phí tuyến tránh TP. Phủ Lý, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) quản lý và khai thác, với đặc thù thu phí kín nên việc kiểm soát tải trọng xe ở đây rất tốt. Tại các trạm thu phí kết nối vào cao tốc đều được lắp đặt cân tự động nên xe quá tải vào cao tốc đã bị từ chối phục vụ.

Theo thống kê của VIDIFI, từ ngày 1/1 - 30/9, các trạm cân đã cân 5.913.397 phương tiện từ 2 đến trên 6 trục, qua đó phát hiện và từ chối phục vụ 6.778 xe, tỉ lệ vi phạm chiếm 0,11%.

Ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, kể từ khi lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng xe trên tuyến đã thực hiện hơn 34 triệu lượt kiểm tra tải trọng và từ chối hơn 71 nghìn trường hợp xe quá tải. Hệ thống đã phát huy được hiệu quả rất tốt trong công tác quản lý, vận hành và khai thác tuyến đường, đặc biệt là trong công tác kiểm soát phương tiện quá tải tham gia giao thông, góp phần đảm bảo ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, tại trạm Đình Vũ, hệ thống cân đang gặp vấn đề về kỹ thuật, cân có tỉ lệ sai số cao hơn cho phép, vì vậy VIDIFI đang đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cho phép kiểm định lại cân sớm hơn so với quy định.

Được biết, đây là một trong 21 trạm kiểm soát tải trọng xe còn đang hoạt động trên toàn quốc trong tổng số 66 bộ cân được các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đầu tư lắp đặt ghép với các trạm thu phí. Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, trong tổng số 66 bộ cân hiện có thì 47 bộ đã hết hạn kiểm định, 45 bộ cân dừng hoạt động hoặc bị hư hỏng.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Đặng Văn Chung, chuyên gia giao thông trong lĩnh vực kiểm soát tải trọng xe cho biết, mỗi loại cân có ưu, nhược điểm khác nhau. Cụ thể, cân xách tay chỉ phù hợp với các tổ đội kiểm tra đột xuất tại mỏ vật liệu; trạm kiểm soát tải trọng xe di động chỉ phù hợp với một tuyến giao thông nơi có phương tiện quá tải hoạt động. Đối với cân xách tay thì tính cơ động cao nhưng chỉ xử lý được số lượng hạn chế và phụ thuộc vào cảm quan của người thực thi công vụ, còn đối với các trạm cân tự động thì phù hợp với các tuyến cao tốc, quốc lộ... Do đó, lực lượng chức năng phải có phương án cụ thể đối với từng tuyến đường mới xử lý triệt để tình trạng xe quá tải.