Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 3: Cần hoàn thiện ngay quy chuẩn trạm KSTTX

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
Vận tải 22/11/2023 06:55

Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) mới đây trình Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy chuẩn về trạm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, giảm tiếp xúc của con người và tăng phạt “nguội” vi phạm.

Nhanh chóng ứng dụng công nghệ kiểm soát tải trọng xe - Bài 3: Cần hoàn thiện ngay quy chuẩn trạm KSTTX- Ảnh 1.

Các trạm cân tự động đã phát huy hiệu quả trong công tác KSTTX

Nhiều trạm KSTTX không còn hoạt động

Theo Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 về "Quy hoạch tổng thể trạm KSTTX trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", cả nước có 50 trạm KSTTX cố định, trong đó có 26 trạm kết hợp cùng các trạm thu phí, 24 trạm xây dựng độc lập. Cụ thể: 13 trạm đặt trên QL1, 6 trạm đặt trên đường Hồ Chí Minh, 2 trạm đặt trên QL3, 2 trạm đặt trên QL6, 2 trạm đặt trên QL18, 2 trạm đặt trên QL32, 23 trạm còn lại nằm trên các đoạn tuyến QL2, QL4B, QL5, QL7, QL8, QL9, QL10, QL12, QL12A, QL13, QL14B, QL15, QL19, QL20, QL21, QL22, QL24, QL26, QL38, QL51, QL54, QL70, QL91.

Tuy nhiên, thực tế triển khai mới thiết lập được 2 trạm KSTTX cố định tại Quảng Ninh, Đồng Nai và trang bị 63 trạm KSTTX lưu động cho Thanh tra sở GTVT. Ngay sau khi Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Chính phủ đã có Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 26/8/2019 Ban hành danh mục các quy hoạch hết hiệu lực, trong đó có Quy hoạch tổng thể trạm KSTTX trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trần Đức Trung, Phó Trưởng phòng Pháp chế Thanh tra (Cục ĐBVN) cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên cả nước có 63 trạm KSTTX lưu động (thực tế chỉ còn 46 trạm đang hoạt động) kết hợp các bộ cân xách tay hoạt động theo mô hình tổ chức quy định tại Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT và 4 bộ cân KSTTX cố định một cấp cân hoạt động theo cơ chế tự động. Đồng thời, với việc triển khai hệ thống thu phí không dừng và KSTTX theo hình thức tự động không dừng, các doanh nghiệp đã đầu tư, lắp đặt nhiều bộ cân KSTTX ghép với trạm thu phí với 66 bộ cân (hiện đang còn hoạt động 21 bộ). Bên cạnh đó, UBND các tỉnh đã trang cấp cho Thanh tra giao thông địa phương hàng trăm bộ cân xách tay để thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe tại các tuyến quốc lộ ủy quyền quản lý và các tuyến đường địa phương đang tham gia vào công tác KSTTX.

Cũng theo ông Trung, hầu hết các trạm cân này hoạt động theo cơ chế phạt trực tiếp bởi các trạm KSTTX di chuyển theo biến động của hoạt động xe quá tải trên địa bàn. Cụ thể, tại các trạm KSTTX lưu động sử dụng các bộ cân xách tay, khi phát hiện phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng căn cứ vào số liệu cụ thể khi cân (phiếu cân) sẽ ra quyết định xử phạt theo quy định. Các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt theo quy định.

Đối với các kết quả cân đặt tại các trạm thu phí, khi phát hiện phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu lái xe hạ tải hoặc liên hệ với lực lượng có thẩm quyền tiến hành lập biên bản theo quy định, cũng có thể dùng quyền từ chối phục vụ. Tuy nhiên, phương án này trên thực tế ít xảy ra vì mất nhiều thời gian và thủ tục rườm rà nên các trạm thu phí sử dụng phương án từ chối phục vụ, song lại đẩy nguy cơ hỏng đường cho các tuyến giao thông khác.

Tăng cường các trạm KSTTX tự động

Theo thống kê của Cục ĐBVN, duy nhất có 4 bộ cân đặt tại km78+830 QL5 có kết quả cân tự động (hoạt động từ ngày 1/6/2023) và tiến hành "xử phạt nguội", có nghĩa là khi phương tiện vi phạm chạy qua bộ cân này, kết quả cân sẽ được tự động cập nhật và truyền về trung tâm. Tại đây (Khu Quản lý đường bộ I, Cục ĐBVN), hệ thống sẽ tự động lọc các phương tiện vi phạm, thông qua hệ thống phần mềm sẽ in ra phiếu cân với hình ảnh xe, biển số, thời gian vi phạm, số liệu vi phạm cụ thể... Phiếu cân xe, thông báo vi phạm sẽ được gửi về cho Thanh tra giao thông các địa phương (phương tiện vi phạm) thông báo và ra quyết định xử phạt theo quy định.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, để hoàn thiện cơ chế giám sát theo hướng "xử phạt nguội" với mục tiêu công khai, minh bạch, không cần lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường, tiết kiệm chi phí..., Cục ĐBVN đang trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 66:2013/BGTVT về trạm kiểm tra tải trọng xe, trong đó sẽ bổ sung trạm KSTTX tự động bên cạnh các trạm KSTTX lưu động và cố định. Ngoài ra, việc bổ sung thêm mô hình cân loại này khi hoạt động sẽ không phải bố trí công chức thanh tra kiểm tra KSTTX, bảo đảm tính khách quan và cũng là một trong các biện pháp phòng chống tiêu cực hiệu quả do không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng có hành vi vi phạm về tải trọng xe.

Ngoài ra, Quy chuẩn sửa đổi sẽ quy định cụ thể vị trí lựa chọn trạm KSTTX. Đối với trạm cố định được bố trí tại các tuyến đường bộ trọng điểm, các hành lang vận tải đường bộ lớn, nơi xuất phát tại nguồn hàng lớn; kiểm soát tối đa phương tiện từ các khu vực lân cận, các nguồn hàng, cửa khẩu bến cảng...; hạn chế tối đa hiện tượng xe quá tải đi vòng đường khác để trốn, tránh kiểm tra và hạn chế đặt tại khu vực nội thành, đô thị để giảm ùn tắc giao thông.

Trạm lưu động sẽ được bố trí trên những đoạn, tuyến đường bộ xuất hiện xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông nhưng chưa có trạm KSTTX cố định hoặc tự động hoạt động trên tuyến. Vị trí dừng xe kiểm tra phải đảm bảo an toàn, có đủ diện tích để đặt trạm và hạ tải, không bố trí trạm trên mặt đường đối với những đường hẹp chỉ đủ 2 làn xe chạy, đường cao tốc, đường có mật độ giao thông cao.

Còn trạm KSTTX tự động bố trí tại các tuyến đường bộ trọng điểm, đường cao tốc, các hành lang vận tải đường bộ lớn, cửa ngõ giao thông, nơi xuất phát các nguồn hàng.

Theo ông Trần Đức Trung, về quy trình KSTTX, Cục ĐBVN sẽ rà soát và xây dựng để phù hợp với từng loại trạm cân. Đối với cân xách tay, lực lượng chức năng sẽ in phiếu cân, ra quyết định xử phạt hành chính tại chỗ đối với lái xe, chủ xe (doanh nghiệp). Đồng thời, Cục ĐBVN sẽ xây dựng quy chuẩn theo hướng xử phạt "nguội", theo đó sẽ sử dụng công nghệ cân động ở tốc độ cao (giải cân từ 0 - 100 km/h), với độ sai số cho phép (<10%). Khi phương tiện đi qua, hệ thống dữ liệu sẽ truyền về trung tâm, qua phân tích sẽ lọc phương tiện vi phạm với đầy đủ hình ảnh phương tiện, biển số, thời gian lưu thông, trọng lượng cho phép và trọng lượng thực tế... Phiếu cân sẽ được gửi về địa phương nơi đăng ký của chủ phương tiện và tiến hành xử phạt "nguội".

"Đối với các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 31 dự án thành phần, trong đó có 16 dự án đã đưa vào khai thác dài 1058,94 km, 15 dự án đang và chuẩn bị triển khai thi công, Cục ĐBVN đề xuất đầu tư xây dựng các trạm KSTTX theo hình thức cân tự động ưu tiên hình thức từ chối phục vụ đối với xe chở quá tải để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn trên các tuyến cao tốc đưa vào khai thác", ông Trung cho hay.