Nghịch lý xe buýt to - đường hẹp: Cần một cuộc “đại phẫu” thực chất

Tác giả: Hà Thanh

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 03/04/2019 06:39

Để hạn chế tình trạng UTGT, Chính quyền TP. Hà Nội khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thêm hàng trăm xe buýt mới mỗi năm. Thế nhưng, đang có một nghịch lý: Xe buýt to lưu thông trong những con đường hẹp và đó chính là một trong những “thủ phạm” gây UTGT vào giờ cao điểm.

 

DSC_8346_1
Những chiếc xe buýt to lưu thông trên nhiều tuyến phố có mặt đường hẹp khiến tình trạng UTGT càng thêm trầm trọng

 Đường hẹp “cõng” xe to

Chủ trương khuyến khích người dân sử dụng xe buýt để đi lại thay cho phương tiện giao thông cá nhân để giảm UTGT đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Ngân sách TP. Hà Nội chi trợ giá vé, hỗ trợ tiền mua sắm xe buýt ngày một tăng, từ hàng trăm tỷ đồng lên trên ngàn tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, cách đầu tư, tổ chức hoạt động và phân tuyến chưa hợp lý nên số lượng xe buýt chạy trên đường tăng nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều người dân. Chỉ những tuyến xe buýt chạy qua các khu công nghiệp, trường đại học, cơ sở y tế, điểm tham quan du lịch... thì mới đông hành khách, còn các tuyến xe buýt nội thành thường có cảnh xe to nhưng thưa khách.

TS. Phạm Hoài Chung - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) phân tích, khu vực nội thành Hà Nội từ phạm vi đường Vành đai 1 trở vào có đặc điểm đường phố hẹp, hơn 70% số đường có mặt cắt dưới 7m, tỷ lệ đường có khả năng lưu thông xe buýt khoảng gần 2.000km trên tổng số gần 4.000km toàn thành phố. Hiện có 1.546 xe buýt các loại đang vận hành khai thác, trong đó xe buýt loại vừa và lớn là 1.485 xe (chiếm 96%), loại nhỏ (24 chỗ) là 61 xe (chiếm 4%). Với hạ tầng như vậy, việc sử dụng xe buýt cỡ lớn trong các tuyến phố nhỏ, chật hẹp là không phù hợp, thường gây UTGT.

Theo quan sát của PV Tạp chí GTVT, cứ vào khoảng 7 giờ sáng, dòng người và xe trên phố Định Công (quận Hoàng Mai), đoạn từ cầu Định Công đổ dồn về đường Giải Phóng mỗi lúc một đông thêm. Người nào cũng cố để vượt xe qua nút giao đường sắt tại ngã tư Định Công - Giải Phóng, nhưng cứ chạy vài chục mét lại phải dồn ứ khi có xe buýt cắt ngang làn xe máy tấp vào trạm đón khách.

Trung tá Lê Anh Trung - Trưởng Công an phường Định Công cho biết: “Sáng nào trên phố này cũng bị tắc đường nghiêm trọng. Chúng tôi đã cử người thường xuyên túc trực ở đó vào những giờ cao điểm để phân luồng nhưng vẫn không tránh được ách tắc”.

Nguyên nhân chính gây UTGT trên phố này là do xe buýt. Bề mặt con phố quá hẹp trong khi các loại xe tải, xe ô tô cỡ lớn, xe buýt vẫn được phép lưu thông. Chỉ một chiếc xe buýt đã đủ choán gần hết lòng đường, chỉ cần thêm một chiếc ô tô dù là loại xe nhỏ nhất len vào là con đường bị “bịt kín”.

Tương tự, tại trục giao thông Trường Chinh - Tôn Thất Tùng đi phố Chùa Bộc cũng thường xuyên ùn tắc vào buổi trưa và giờ tan tầm chiều do trên đoạn đường này có quá nhiều trạm xe buýt. Mặt đường đã được chia làm 3 làn, trong đó 02 làn dành cho cho xe máy, ô tô, 01 làn dành cho xe đạp và phương tiện thô sơ, vậy mà vào giờ cao điểm lượng xe lưu thông quá nhiều nên cả 3 làn xe cứ ken chặt dần. Mỗi khi xe  buýt chuyển sang làn đường giáp vỉa hè để đón khách thì tức khắc dòng xe máy bị ùn ứ. Trong khi đó, xe buýt bị xe máy “vây chặt” nên khó trở về làn xe cơ giới, nhiều lúc có 4 - 5 chiếc xe buýt cùng chạy trên làn xe máy.

Tình trạng xe buýt chắn làn đường xe máy gây kẹt xe, tắc đường không chỉ ở các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố mà còn diễn ra ở nhiều con đường nội thành, trung tâm thành phố. Hầu hết các tuyến đường như: Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám, Minh Khai, Tam Trinh, Mai Động... đều có thể tắc đường bất cứ lúc nào khi có xe buýt xuất hiện.

Nguyên nhân được chỉ ra là, các tuyến phố này chủ yếu sử dụng loại xe to, dài gần 12m, rộng 2,5m phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, trong khi mặt đường hẹp khiến nạn tắc đường càng trở nên trầm trọng hơn. Chỉ cần 02 xe buýt vào trạm đón, trả khách hay chạy song đôi là chiếm hầu hết mặt đường. Lượng xe máy lưu thông nhiều, lại thường xuyên bị xe buýt cắt ngang, chạy chung làn nên làm cho tình trạng ùn tắc càng nặng hơn.

Cần các giải pháp đồng bộ

Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho rằng, Thành phố nên phát triển mi-ni buýt (xe buýt nhỏ có sức chứa từ 16 chỗ trở xuống) nhằm kết nối với những phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT hay các tuyến đường sắt đô thị trong tổng thể mạng lưới giao thông công cộng tại Hà Nội.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng cho rằng, xe buýt nhỏ không chiếm diện tích đường lớn, đỡ cản trở các phương tiện khác trong không gian tuyến phố nhỏ hẹp, tần suất hoạt động lớn sẽ rất phù hợp để chuyên chở người tại các khu đô thị, khu tập thể hoặc các tuyến đường nhỏ. Tại Hà Nội hiện có gần 100 khu đô thị có thể sử dụng loại hình buýt này như: Times City, An Khánh, Ciputra, Việt Hưng, Văn Quán, Sài Ðồng, Ðặng Xá, Mỹ Ðình, Pháp Vân - Tứ Hiệp... Nhiều tuyến phố nội đô có lộ trình ngắn, đường hẹp cũng rất phù hợp để xe buýt nhỏ hoạt động như các khu phố cũ, phố cổ; các tuyến đường nhỏ như Nguyễn Huy Tưởng, Hạ Ðình, Lương Thế Vinh, Chiến Thắng, Khương Trung, Phúc Diễn, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Nguyên Hồng, Thành Công, Trích Sài, các tuyến đường mới mở ven sông Lừ, Quảng An... Ðây chính là điều kiện để buýt nhỏ có thể hoạt động hiệu quả.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, hiện đơn vị này đang khai thác 11 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ loại 30 chỗ với 105 xe, số xe này chiếm 6,5% lượng xe buýt đang khai thác nhưng chỉ phục vụ được 3% lượng hành khách. Mặc dù thừa nhận vai trò của mi-ni buýt trong kết nối vận tải công cộng là cần thiết, nhưng với hệ số hoạt động thấp và phạm vi hoạt động không nhiều, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội kiến nghị cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho mi-ni buýt, có chính sách hỗ trợ đầu tư phương tiện, lãi vay để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ðồng tình quan điểm này, lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng, phát triển mi-ni buýt phải phù hợp với nhu cầu người dân bởi đây là các tuyến buýt gom. Ðể mi-ni buýt “sống” được cần đáp ứng các tiêu chí từ quy hoạch lại mạng tuyến, hệ thống giá vé phải linh hoạt. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đầu tư, nhất là phải tuyên truyền thay đổi tư duy người dân vốn quen sử dụng xe máy khi di chuyển.

Dự kiến giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội triển khai khoảng 30 tuyến mi-ni buýt, trong đó sẽ tổ chức khoảng 10 tuyến ở khu vực phố cổ, phố cũ; bố trí khoảng 5 tuyến ở các trục đường có mặt cắt ngang nhỏ thuộc quận Thanh Xuân, quận Hà Ðông và khoảng 15 tuyến ở các khu đô thị.

Ý kiến của bạn

Bình luận