Nếu không thay đổi, đường sắt sẽ sớm bị đường không "giết chết"

Ý kiến phản biện 18/01/2016 15:46

Đường sắt Việt Nam bị khách hàng đánh giá là đắt đỏ, chậm chạp, mất vệ sinh và sách nhiễu.

Tiết kiệm thời gian, phục vụ tốt, an toàn và vệ sinh... là những lý do chính khiến nhiều người từ bỏ thói quen đi tàu hỏa, thay vào đó, họ chọn di chuyển bằng đường hàng không.

Lấy tiền của hành khách thì phải có lương tâm, trách nhiệm

Độc giả Vi Van Man cho rằng đường sắt Việt Nam như đứa con bị bỏ rơi. "Trong khi các ngành khác được Nhà nước đầu tư đổi mới công nghệ như: đường bộ được phát triển đường cao tốc, hàng không thì mua máy bay loại đời mới nhất thế giới, hầu như tỉnh nào cũng có sân bay. Còn đường sắt từ 120 năm nay vẫn chạy trên cung đường mà người Pháp xây dựng...".

"Phải tính đến độ an toàn của cả đường sắt và đường không. Cái này ở Việt Nam đường không ăn đứt bác tàu hoả rồi" hay "Giá vé gần bằng nhưng chạy lâu gấp 20 lần thì sớm muộn cũng chết" là những ý kiến được nhiều đồng tình của độc giả khi chỉ ra ra vấn đề lớn nhất kéo tụt sự phát triển đường sắt, vốn vẫn là một trong những loại hình vận tải được khai thác phổ biến trên thế giới.

Nếu không thay đổi, đường sắt sẽ sớm
Ashit Desai, một nhiếp ảnh gia 54 tuổi từ Ấn Độ, chụp cảnh nhà của người dân ở sát đường tàu khi ông tới Hà Nội để du lịch. Ảnh: Daily Mail.

Chia sẻ kỷ niệm đi tàu hỏa, một độc giả Zing.vn cho biết, cách phục vụ của ngành đường sắt từ cách đây 5 năm đã khiến khách hàng không còn muốn quay lại.

Độc giả này cho biết "Cách đây 5 năm, Tết mua không đươc vé tàu Hà Nội-Sài Gòn đành đi vé tàu đợi (Sài Gòn - Đà Nẵng). Đúng là tàu đợi, ga lớn ga nhỏ cũng ngừng tránh tàu. Đi từ Tam Kỳ vào Sài Gòn mà hơn 24 tiếng. Lên tàu thì nhà tàu, nhân viên bán ghế phụ, ghế sub khiến khách ngồi hết cả lối đi, rồi nằm cả dưới chân. Khách để chân thì sợ đạp trúng người nằm, mà ngồi co chân lại không chịu được suốt 24 tiếng".

Độc giả này cũng phàn nàn cứ chốc lát nhân viên tàu lại đẩy hàng đi bán, người ngồi ở hành lang lại phải xách ghế nép vào nhau. Khi hành khách phàn nàn thì nhân viên nhà tàu bảo Tết nhất thông cảm cho mọi người. "Ai cũng biết vậy, thông cảm thì cũng ở mức vừa phải chứ đã lấy tiền của hành khách rồi thì cũng phải có chút lương tâm, trách nhiệm", độc giả bức xúc chia sẻ.

 Cầu cạnh hành khách quay lại để phát triển 

Trong khi đó, theo đánh giá của độc giả thì nhiều năm qua, ngành hàng không đã bình dân hóa được giá vé nhưng vẫn giữ được tính ưu việt của dịch vụ. Khi mới ra mắt, hàng không cũng có "giá trên trời" nhưng nhờ sự cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm nên giờ đây đã theo xu hướng ngày càng ngon, bổ, rẻ.

Một độc giả ở Nam Định nhận xét: "Quy luật cả, dịch vụ nào tốt giá hợp lý thuật tiện hơn sẽ được người dân lựa chọn". Theo bạn đọc này, tàu hỏa có một thời làm mưa làm gió, ỉ lại cái thói độc quyền, chèn ép người dân; trong khi đó, hàng không phát triển mạnh mẽ mang đến cho người dân sự thuận tiện, kinh tế hơn thì ngành đường sắt tương lai cũng chỉ dành để chở hàng hóa, còn hành khách sẽ chỉ là dĩ vãng với ngành.

Thực tế, chính người đứng đầu ngành đường sắt, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng phải thừa nhận điều này trong hội nghị tổng kết ngành năm 2015.

Trả lời báo chí, ông Thành cho rằng: "Thói hư tật xấu là ở chỗ khách hàng đến phải cầu cạnh, xin xe, cấp xe... Nhiều năm gần đây vì chúng ta quấy nhiễu nhiều quá nên các khách hàng lớn của đường sắt bỏ đi hết. Các nhánh đường sắt vận chuyển hóa chất, Apatit, ximăng... tháo gỡ hết. Vận tải hàng hóa mà chỉ có mỗi trục đường chính thì không khác gì con người thiếu chân tay, đi xe lăn”.

Vị chủ tịch này cũng cho biết, ngành Đường sắt Việt Nam vừa tổ chức hội nghị để xin lỗi khách hàng. “Treo biển tri ân nhưng thực ra là mời người ta đến xin lỗi, cầu cạnh người ta quay lại để phát triển”.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá cao lợi ích mà đường sắt mang lại, trong điều kiện hệ thống sân bay chưa đến được với tất cả các tỉnh thành. "Đường sắt ở Việt Nam lẽ ra rất quan trọng, vì nó nối nhiều khu vực vùng sâu, xa, với hệ thống kéo dài 2.000 km suốt dọc đất nước, tới được tất cả các tỉnh thành. Tuy nhiên, sự trì trệ đã khiến ngành này tụt hậu sâu", TS Đinh Thế Hiển chia sẻ với Zing.vn.

So sánh với các quốc gia khác, bạn đọc đều cho rằng tàu hỏa ở Việt Nam thua kém quá xa các quốc gia phát triển. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, tàu hỏa là phương tiện di chuyển chủ yếu như hệ thống tàu cao tốc nổi tiếng Shinkansen của Nhật. Nhiều độc giả kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm hình thành hệ thống tàu hỏa tương tự, thay vì tiếp tục khai thác trên một trục ray hẹp đã lỗi thời như hiện nay.

Shinkansen: Hệ thống tàu hỏa nổi tiếng tại Nhật Bản

Đường sắt cao tốc Shinkansen do 4 tập đoàn đường sắt của Nhật Bản điều hành. Hai chuyến tàu cao tốc Shinkansen đầu tiên nối Tokyo và Osaka, hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Nhật hoạt động lần đầu tiên vào năm 1964 đánh dấu thời khắc lịch sử làm nên biểu tượng của Nhật Bản hiện đại.

Shinkansen nổi tiếng nhờ tính ưu việt về tốc độ, sự an toàn, cũng như kỷ luật vận hành đáng nể của người Nhật. Theo Japan Times, trong hơn nửa thế kỷ hoạt động, mạng lưới đường sắt dài 2.459 km, có tốc độ trung bình hơn 210 km một giờ này chưa từng xảy ra một tai nạn nào, thời gian trễ chuyến trung bình chỉ là 36 giây, vận chuyển được hơn 10 tỷ lượt hành khách.

Nhờ Shinkansen, kinh tế Nhật Bản nói chung, và các tỉnh thành trước kia từng bị coi là vùng sâu vùng xa đã phát triển một cách thần kỳ. 15 năm sau khi tuyến Shinkansen đi qua, thành phố Saku được hoàn thiện, dân số ở đây tăng thêm 7,2%, lượng khách đến tăng 70%, và mức thu thuế tăng 123 lần. Với Kagoshima, chỉ 2 năm sau khi hòa mạng Shinkansen, tỉnh này đã thu được 460 triệu USD tiền thuế, tăng 20% lượng khách du lịch.

Ý kiến của bạn

Bình luận