Nâng cao chất lượng nhân lực ngành GTVT từ xã hội hóa hoạt động giáo dục – đào tạo

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
11/11/2014 15:03

Xã hội hoá giáo dục – đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo.

Việt Nam tiến hành xã hội hóa giáo dục đào tạo là nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của tất cả các tầng lớp nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngày 19/7/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1576/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011 – 2020, trong đó Chương trình đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động đào tạo là một trong những giải pháp phát triển nhân lực ngành GTVT đến năm 2020.

Tình hình thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục – đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ GTVT

Hiện nay, hệ thống các cơ sở đào tạo của Bộ GTVT đào tạo khá lớn với tổng số 24 trường, trong đó: 4 trường đại học, học viện; 4 trường cao đẳng; 3 trường trung cấp; 7 trường cao đẳng nghề; 5 trường trung cấp nghề và 01 trường Cán bộ quản lý GTVT. Năng lực đào tạo của hệ thống các trường thuộc Bộ GTVT hàng năm khoảng 45.000 người, về cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo trong ngành GTVT và xã hội.

Phân bổ cơ sở đào tạo ngành GTVT trong phạm vi cả nước cho thấy, các trường đào tạo thuộc Bộ GTVT phân bố chưa hợp lý, các trường tập trung nhiều ở đồng bằng sông Hồng; tuy nhiên, vùng Tây Nguyên chưa có các trường thuộc Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có một trường trung cấp, vùng Bắc Trung bộ có một trường cao đẳng.
Căn cứ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CNKT đòi hỏi ngành GTVT phải nghiên cứu tổ chức các cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 – 2020 phù hợp với các quy hoạch phát triển mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 của cả nước.
Mục tiêu, định hướng đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa các cơ sở đào tạo

Mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo theo quy hoạch, định hướng Chính phủ về phát triển giáo dục theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, phấn đấu góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu phát triển đã định. Cụ thể, xã hội hóa các cơ sở đào tạo nhằm mục tiêu:

Thực hiện đổi mới toàn diện, triệt để và đồng bộ các yếu tố để các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; số người làm việc; tài chính, tài sản theo quy định hiện hành và định hướng đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng và Nhà nước.

Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa trong các cơ sở đào tạo, trong đó khuyến khích thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo, đầu tư phát triển với các tổ chức trong và ngoài nước. Bộ GTVT đồng ý chủ trương xã hội hóa trên 51% giá trị tài sản khi các cơ sở đào tạo muốn liên doanh, liên kết đầu tư với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài có uy tín, thương hiệu; từng bước giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước, chuyển dần theo lộ trình một số trường, học viện hoặc một số bộ phận thuộc trường, học viện đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ đào tạo, có đẩy đủ quyền tự chủ cung ứng dịch vụ đào tạo, có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi…; thường xuyên nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, sản phẩm; bảo đảm quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng, tiến tới thực hiện cơ chế giao vốn, bảo đảm phát triển vốn và hạch toán chi phí, quản trị như doanh nghiệp theo quy định và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từng bước triển khai các mô hình xã hội hóa giáo dục – đào tạo đến tất cả các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, trong đó, chú ý phát huy thế mạnh của từng trường theo từng vùng, miền. Xã hội hóa công tác đầu tư cơ sở vật chất hỗ trợ đào tạo trong các trường như ký túc xá, các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thực hành sản xuất; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ phục vụ đào tạo.

Thực hiện xã hội hóa giáo dục trong các cơ sở giáo dục – đào tạo công lập thuộc Bộ GTVT phải phù hợp quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ướng Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 40/NQ-CP nhằm phát triển tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.
Hoạt động xã hội hóa giáo dục nhằm đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người trong xã hội có cơ hội học tập và học tập suốt đời. Từ đó, nâng cao dân trí, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tri thức xã hội. Bên cạnh đó, phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và trình độ đào tạo; các giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp với thực tế của từng cơ sở đào tạo, trong đó xác định rõ mức độ tự chủ, mức độ xã hội hóa, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, của các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân trong việc tham gia vào quá trình đào tạo.

Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục phải có tính kế thừa, phát huy những thành tự đã đạt được, phát triển những yếu tố mới; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo tiên tiến trong nước và trên thế giới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc trong quá trình thực hiện; tiếp tục hoàn thiện chính sách đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tăng nguồn lực đầu tư, đồng thời đổi mới mục tiêu, phương thức, cơ cấu và nguồn vốn đầu tư; tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia phát triển giáo dục: ưu đãi các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo trên cơ sở đổi mới chế độ miễn, giảm học phí theo hướng công khai, hợp lý và cấp trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng.

Phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc giám sát các hoạt động xã hội hóa giáo dục; tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật để thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng, xây dựng các cơ sở giáo dục đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao sẽ giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo xây dựng, thực hiện Đề án đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo và các đề án, trong đó tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu, tiến tới đảm bảo bù đắp kinh phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội khác. Xã hội hóa giáo dục phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả; đảm bảo sự thống nhất quản lý của Nhà nước, giữ vững vai trò nòng cốt của các trường công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân; gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các vùng, các địa phương.

Nhiệm vụ, giải pháp

Nâng cao nhận thức về đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục – đào tạo

Tăng cường công tác tuyên truyền về xã hội hóa giáo dục – đào tạo đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, giảng viên, giáo viên các cơ sở đào tạo về các nội dung đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa các cơ sở đào tạo. Xác định mục tiêu đổi mới cũng chính là để xây dựng thương hiệu nhà trường và gắn liền với uy tín lãnh đạo của người đứng đầu cơ sở đào tạo.

Các cơ quan chức năng ở các cấp tham mưu cho thấy, các cấp ủy Đảng cùng cấp trong việc ban hành và triển khai các nghị quyết, chỉ thị về chủ trương, kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến về tư tưởng, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, giảng viên, giáo viên về sự cần thiết, tính cấp bách của việc đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa.

Thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách quản lý đảm bảo đồng bộ để thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa các cơ sở đào tạo

Về cơ chế hoạt động, hoàn thiện việc phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo; thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo cùng phát triển ổn định, bền vững; bảo đảm lợi ích của từng cá nhân, tập thể và Nhà nước; gắn quyền hạn với trách nhiệm của từng cấp, của tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị; gắn phân cấp nhiệm vụ với phân cấp quản lý về tổ chức, nhân sự, tài chính và bảo đảm các điều kiện vật chất khác. Một mặt trao cho các cơ sở đào tạo đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm; mặt khác bảo đảm quyền sở hữu và vai trò của đại điện chủ sở hữu trong các đơn vị.

Tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, đồng thời phát huy dân chủ cơ sở để giám sát công việc quản lý của các cấp; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc giám sát các hoạt động đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Về cơ chế, chính sách, phương thức đầu tư của ngân sách nhà nước, đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước; tiếp tục đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất đối với các ngành nghề, các trường trọng điểm, trường chất lượng cao để đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo theo quy định; tập trung đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên, cấp thiết. Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, gắn việc giao dự toán ngân sách hàng năm cho các cơ sở đào tạo với việc thực hiện nhiệm vụ, tiến tới thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật để thúc đẩy các cơ sở đào tạo phát triển.

Đối với các cơ sở đào tạo, căn cứ cơ chế, chính sách hiện hành và định hướng đổi mới cơ chế hoạt động và đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và Bộ GTVT; các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, trong đó đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể cũng như lộ trình, giải pháp tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc vè cơ chế, chính sách thì báo cáo Bộ GTVT xin thực hiện thí điểm; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án, dự án, chiến lược phát tiển giáo dục và đào tạo, bao gồm: Chiến lược phát triển các trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án xã hội hóa công tác đào tạo của Bộ GTVT giai đoạn 2013 – 2020.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các đề án, dự án, chiến lược đã được phê duyệt, các cơ sở đào tạo xây dựng và thực hiện Đề án đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo và các đề án: Đề án tự chủ trong tuyển sinh đối với các trường đại học, cao đẳng; Đề án học phí; Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ, ưu tiên tuyển chọn sử dụng học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ; tiếp tục tăng cường hỗ trợ các cơ sở đào tạo vè thực tập, thực hành, đóng góp xây dựng các quỹ phát triển nhà trường, học bổng hỗ trợ; liên kết đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tham gia góp ý để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo; đặt hàng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp mình tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ.
“Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục – đào tạo trong các trường thuộc Bộ GTVT” là yêu cầu khách quan, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực cho phát triển ngành GTVT và xã hội, phát huy tính tự chủ của các trường, từng bước giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận