Lắp đặt giám sát hành trình nhiều nhưng hiệu quả xử phạt vẫn không cao

Ý kiến phản biện 27/07/2015 15:25

Trong khi việc truyền dẫn dữ liệu hộp đen và xử phạt với 40.000 xe vận tải hành khách vẫn còn nhiều bất cập, liệu việc triển khai lắp đặt, truyền dữ liệu và xử phạt đối với gần 80.000 xe taxi và xe đầu kéo có suôn sẻ?

tapchigtvt-giam-sat-GPS
Từ đầu tháng 7, các phương tiện kinh doanh vận tải phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

“Loạn” GPS

Theo thống kê, từ năm 2014 có trên 40.000 xe chở khách tuyến cố định được yêu cầu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GPS, truyền dẫn dữ liệu về Trung tâm Dữ liệu thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN). Qua số liệu thống kê, mỗi tháng một lần, TCĐBVN sẽ gửi kết quả vi phạm của các lái xe (chủ yếu là tốc độ lái xe) và DN có nhiều xe vi phạm về các sở GTVT địa phương để kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt lái xe, DN. Tuy vậy, đến nay vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.

Đại diện Chi hội Doanh nghiệp (DN) giám sát hành trình (Hiệp hội Vận tải ôtô VN) Tạ Công Thuận cho hay, do trước đây, Bộ GTVT cấp quá nhiều giấy phép cho các DN cung cấp thiết bị GPS nên dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, gây khó khăn cho DN khi thiết bị không đạt, không truyền dữ liệu, hoặc DN… đóng cửa. Theo đó, dữ liệu của khoảng 40.000 xe chở khách tuyến cố định truyền về TCĐBVN xuất hiện tình trạng số liệu thống kê vi phạm tại trung tâm và của nhà cung cấp thiết bị GPS lại không khớp nhau. Các sở GTVT căn cứ vào kết quả dữ liệu từ TCĐBVN để xử lý các DN theo đó bị phản đối.

Điều đáng nói, tình trạng dữ liệu vi phạm không khớp nhau diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết, dẫn đến khó khăn, giảm hiệu quả trong quản lý. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải TCĐBVN Đỗ Công Thủy, đa số các xe khách trong diện lắp đặt hộp đen theo Nghị định 91/2014 đều lắp theo quy chuẩn 31/2011. Trong khi đó, phương pháp tính toán của các thiết bị GPS theo quy chuẩn này và phương pháp tính toán trên máy chủ tại Trung tâm Dữ liệu của TCĐBVN lại khác nhau. Do vậy dẫn đến kết quả vi phạm khác nhau. 

Để khắc phục, TCĐBVN đã ban thành Thông tư 09 để thống nhất một phương pháp tính toán. Bên cạnh đó, đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, thời gian qua Bộ GTVT đã siết chặt đối với hoạt động này, hiện cả nước chỉ còn khoảng 30 DN cung cấp thiết bị. Bộ GTVT sẽ tiếp tục xem xét lại việc cấp giấy phép kinh doanh đối với lĩnh vực này, nếu DN không đáp ứng yêu cầu, không đủ năng lực sẽ thu hồi.

Hiệu quả xử phạt thấp

Theo quy định tại Nghị định 86, từ ngày 1.7.2015, các phương tiện kinh doanh vận tải như taxi, đầu kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc phải lắp GPS và từ 15.7.2015 phải truyền dữ liệu về TCĐBVN, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định. Trước tình hình này, nhiều DN kiến nghị lên Bộ GTVT xin hoãn thời gian xử phạt đến hết năm 2015. 

Đại diện TCĐBVN cũng cho biết, tính đến hết ngày 23.7.2015, cả nước đã có trên 61.000 phương tiện, trên tổng số khoảng 80.000 taxi, xe đầu kéo truyền dữ liệu về TCĐBVN. Theo ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội), đến thời điểm hiện tại, khoảng 99% taxi Hà Nội đã được lắp đặt GPS. Những xe chưa lắp thiết bị chủ yếu rơi vào trường hợp xe trong diện chuẩn bị thay thế. Còn Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM Tạ Long Hỷ cho biết, trên địa bàn hiện có trên 90% taxi đang hoạt động gắn GPS.

Mặc dù Hiệp hội Taxi TPHCM đề nghị được lùi thời hạn lắp đặt cho taxi đến đầu tháng 3.2016 và Bộ GTVT trình Chính phủ xin hoãn xử phạt đến hết năm 2015, tuy nhiên đại diện TCĐBVN cho rằng trong khi chờ quyết định của Chính phủ, việc xử phạt vẫn tiến hành theo đúng quy định của Nghị định 171. 

Theo TCĐBVN, việc các DN có nhiều xe vi phạm qua theo dõi thiết bị GPS nhưng hiệu quả xử phạt lái xe chưa như mong muốn, mặc dù 6 tháng đầu năm cũng đã xử lý 2.084 phương tiện, xử phạt hành chính 144 triệu đồng, trong đó 28/63 địa phương báo cáo xử lý thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến.

Ý kiến của bạn

Bình luận