“Không do dự, không chần chừ” trong thực hiện kéo giảm tai nạn giao thông

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 26/09/2016 14:40

8 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng lại tăng đột biến trong tháng 8. Để kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ chức năng, nhiệm vụ của mình.

IMG_8471
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe. Ảnh: Hà Lê

TNGT gia tăng trong tháng 8

Đánh giá tình hình TNGT 8 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ đầu năm đến nay, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, tiếp tục được kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình TTATGT lại có chiều hướng diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, còn xảy ra nhiều sự cố uy hiếp an toàn, an ninh hàng không đặc biệt. Tháng 8, TNGT tăng cả 3 tiêu chí, trong đó có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 8 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 13.612 vụ, làm chết 5.728 người, bị thương 11.781 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.010 vụ (-6,91%), giảm 93 người chết (-1,6%), giảm 1.456 người bị thương (-11%).

Trong đó, chỉ tính riêng tháng 8 (tính từ ngày 16/7 đến 15/8), toàn quốc xảy ra 1.760 vụ, làm chết 705 người, bị thương 1.495 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 48 vụ (2,8%), tăng 51 người chết (7,8%), giảm 96 người bị thương (-6,03%).

Cụ thể, TNGT đường bộ đã xảy ra 1.728 vụ, làm chết 683 người, bị thương 1.485 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 46 vụ (2,73%), tăng 50 người chết (7,90%), giảm 94 người bị thương (-5,95%). Đường sắt xảy ra 18 vụ, làm chết 12 người, bị thương 10 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 4 vụ (-18,18%), giảm 6 người chết (-33,33), giảm 02 người bị thương (-16,67%).

Đặc biệt, TNGT đường thủy đã tăng mạnh. Toàn quốc xảy ra 11 vụ, làm chết 8 người, không có người bị thương; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 8 vụ (266,67%), tăng 5 người chết (166,67%). Hàng hải xảy ra 3 vụ, làm 2 người chết và không có người bị thương; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 2 vụ (-40%), tăng 2 người chết.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng có 4 nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng TNGT. Thứ nhất, hiện nay vẫn còn tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về ATGT đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện trên đường bộ và đường thủy nội địa. “Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT tại một số địa phương cũng như ở cấp cơ sở, cập quận, huyện, phường, xã chưa cao, chưa quyết liệt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hai là, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm; hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông còn bất cập trên một số tuyến đường bộ, đường thủy nội địa và các đường ngang qua đường sắt, đặc biệt là thiếu cảnh báo ATGT từ đường phụ ra đường chính; có nơi còn lúng túng, chậm trễ trong công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có TNGT và sự cố phương tiện. Tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường nội thị, đường nông thôn tại một số địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; còn hiện tượng xuê xoa, dung túng và có dư luận về tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi công vụ.

Cuối cùng, theo ông Khuất Việt Hùng, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là hạn chế về ý thức đạo đức, nghề nghiệp của một số lái xe, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đặc biệt, tình trạng người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân chính gây ra TNGT nghiêm trọng.

Theo thống kê, tuy số vụ TNGT do lái xe sử dụng rượu bia chỉ chiếm 17 vụ (bằng 2,13%), nhưng thực tế nhiều vụ TNGT do các nguyên nhân chạy quá tốc độ, đi sai làn, thao tác lái xe sai... đều xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện uống rượu bia, nhưng lực lượng chức năng chưa tiến hành kiểm tra nồng độ cồn theo đúng Thông tư 26/2014/TTLT-BYT-BCA về quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để xác định được số liệu chính xác.

“Tháng 8 là tháng cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên nhiều cuộc liên hoan có sử dụng rượu bia được tổ chức trước khi tham giao thông, trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ kém cũng là nguyên nhân gây ra TNGT và làm cho TNGT tăng cao”, ông Hùng cho biết thêm.

Kiên quyết kéo giảm TNGT từ 5 - 10%

Trước diễn biến phức tạp của tình hình TTATGT tháng 8 nói riêng và 8 tháng đầu năm nói chung, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, để kéo giảm TNGT, ngay trong tháng 9 này, các cơ quan phải chủ động theo dõi, phòng ngừa TNGT và phải đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực.

“Theo tôi, để kiềm chế TNGT trong tháng 9 và các tháng cuối năm, cần phải thành lập ngay các đoàn kiểm tra thành phần là cán bộ của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và Bộ Công an đi một số tỉnh có tỷ lệ TNGT gia tăng để làm việc với lãnh đạo tỉnh. Trước khi đến địa phương, đoàn công tác phải có nghiên cứu cụ thể để chỉ ra được với lãnh đạo tỉnh và có giải pháp phù hợp tại địa phương đó”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác KSTTX; xử lý điểm đen TNGT; triển khai thực hiện tốt Nghị định 46 của Chính phủ; có các giải pháp bảo đảm ATGT tại các khu công nghiệp, nông thôn, miền núi; đề nghị TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo vận tải hành khách, bảo đảm ATGT, tránh UTGT.

Đồng thời, để ngăn chặn và kéo giảm ngay TNGT, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành là thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm 2016, cũng như theo các nội dung chỉ đạo trong các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia nhằm đạt mục tiêu kéo giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương.

“Chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 186 của Phó Thủ tướng - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATGT trong 6 tháng đầu năm 2016, đồng thời khẳng định lại là chúng ta phải kiên quyết, triệt để thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 01/8; không do dự, không chần chừ, không dao động và không đặt lại vấn đề”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo Phó Thủ tướng, trên thế giới đã triển khai, thực hiện quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt từ rất sớm, Việt Nam đang làm là chậm hơn thế giới, nên phải kiên quyết làm, có làm triệt để như thế thì mới tạo được sự chuyển biến. Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình triển khai thực hiện phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, vận động và phải xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật; tiếp tục cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện; tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước, gắn cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, từ công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và xử phạt vi phạm TTATGT nghiên cứu, xây dựng nội dung, kế hoạch phát động phong trào toàn dân chấp hành quy định ATGT, xây dựng văn hóa giao thông nhằm bảo đảm TTATGT, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư.

Xây dựng lộ trình xử lý điểm đen, tiếp tục quy hoạch vận tải hành khách

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, hiện nay hạ tầng đường bộ còn tồn tại 876 điểm đen, trong đó có 20 điểm nằm trong dự án BOT, kinh phí xử lý 290 tỷ và giao các nhà đầu tư bổ sung vào dự án để thực hiện; có 13 điểm nằm trong dự án xây dựng cơ bản với số vốn xử lý 97 tỷ và có 843 điểm nằm trong đoạn đuờng đang bảo trì, kinh phí xử lý 1.724 tỷ.

Theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, trong năm 2016 và 2017 sẽ xử lý được khoảng 550 điểm tập trung vào các điểm nguy hiểm, cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ lẻ với ở mức khoảng 500 tỷ, được thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ.

“Các điểm khác trước mắt sẽ xử lý tạm thời bằng biển báo, gờ giảm tốc, phát quang, gương cầu. 293 điểm còn lại (sau khi đã xử lý tạm với kinh phí 1.224 tỷ) sẽ xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc bằng các dự án xây dựng cơ bản,” ông Huyện cho hay.

Theo ông Huyện, việc xử lý, thay thế 3.271 biển báo dưới 50km giúp kéo giảm TNGT và đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, theo Quy chuẩn 41 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11/2016 thì các tỉnh, thành tiếp tục rà soát, bổ sung các biển báo chữ nhỏ không phù hợp, sẽ thay thế sửa chữa. Nếu làm ngay chúng ta phải cần tới 2.200 tỷ, đó là kinh phí rất lớn nên cần làm dần, xây dựng lộ trình cụ thể.

Liên quan đến tuyến vận tải “nóng” Hà Nội - Hải Phòng, Tổng cục ĐBVN cho biết, thực hiện Công điện yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an ninh, TTATGT trên QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục ĐBVN đã làm việc với các địa phương và thống nhất đến ngày 15/9 cắm biển báo cho xe dừng, đỗ, đồng thời xây dựng phần mềm giám sát tất cả các xe khách Hà Nội - Hải Phòng.

Đồng thời, Tổng cục ĐBVN còn đề nghị TP. Hà Nội xây dựng quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách Hà Nội - Hải Phòng, sau 01 tháng thí điểm sẽ làm giám sát chặt chẽ nhằm chống tình trạng xe “dù” tranh giành hành khách.

_MG_3067
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: Minh Đức

CSGT gặp nhiều khó khăn trong việc xử phạt hành chính

Phân tích nguyên nhân TNGT trong tháng 8, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, do trong tháng 8 có nhiều lễ hội lớn, tác động của khu vực miền Trung (đặc biệt ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình), tình hình thiên tai, bão lũ nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến TTATGT.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Hà cho biết, sau 01 tháng thực hiện Nghị định số 46/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cùng với sự tuyên truyền mạnh mẽ của các báo, đài và việc xử lý kiên quyết của các lực lượng chức năng tập trung vào các hành vi có mức tiền phạt tăng như: Nồng độ cồn; chở quá tải; vi phạm tốc độ; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; tránh, vượt, không nhường đường; không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc… thì tình trạng vi phạm TTATGT đã giảm rõ rệt.

“Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo của các đơn vị CSGT, chúng tôi nhận thấy người dân đã phần nào đồng tình với những thay đổi trong quy định xử phạt các hành vi vi phạm ATGT”, Thiếu tướng Hà chia sẻ.

Mặt khác, qua theo dõi, quá trình triển khai, thực hiện Nghị định 46/CP tại các đơn vị, địa phương, Cục CSGT chưa nhận được những bất cập cũng như phản hồi tiêu cực nào từ phía người dân liên quan đến Nghị định. Tuy nhiên, đối với lực lượng CSGT, Nghị định vẫn còn nhiều điểm bất cập khiến lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi pháp luật, nhất là trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện sẽ còn nhiều vấn đề nảy sinh cần được cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá, điều chỉnh lại cho phù hợp hơn.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề nghị Chính phủ phải có quốc sách mạnh, công tác quản lý nhà nước phải quyết liệt hơn nữa, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt khác, Tổng cục ĐBVN tiếp tục tập trung khắc phục các điểm đen TNGT, có các biện pháp đồng bộ, tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, tập trung xử lý về nồng độ cồn.

Ý kiến của bạn

Bình luận