Bộ trưởng Đinh La Thăng thực hiện lời hứa với Quốc hội và nhân dân

Giao thông 24h 12/06/2015 06:41

Đến kỳ họp thứ 9, trong báo cáo thực hiện lời hứa trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chứng minh mình không hề hứa suông.

847-BAI 6-2
Đường ô tô về xã Khánh Thuận huyện U Minh (Cà Mau).

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII, Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời 39 chất vấn của các đại biểu về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành một cách thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng phải thực hiện cho được những cam kết trước Quốc hội, kể cả những lời cụ thể.

Đến kỳ họp thứ 9, trong báo cáo thực hiện lời hứa trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chứng minh mình không hề hứa suông, khi đề cập khá cụ thể những vấn đề đại biểu đã nêu, bao gồm: Việc đầu tư cải tạo các tuyến quốc lộ tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh, đường đến trung tâm huyện, xã, giải pháp hạn chế  TNGT…

Về lộ trình hoàn thành đường ô tô đến trung tâm huyện, xã 

Trả lời đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về lộ trình hoàn thành đường ô tô đến trung tâm huyện, xã, theo Bộ GTVT, trên toàn quốc có 65 xã vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm, chủ yếu  là ở các xã mới chia tách.

Bên cạnh đó, còn 8 huyện trên đất liền có đường ô tô đến trung tâm huyện nhưng phải qua phà và 11 huyện đảo phải đi tàu biển hoặc máy bay mới đến được trung tâm.

Nói về mục tiêu hoàn thành kết nối đường bộ đến trung tâm huyện, Bộ GTVT cho biết, ở huyện Cần Giờ (TPHCM), sau khi tuyến đường cao tốc Bến Lức-Long Thành hoàn thành vào năm 2018 sẽ kết nối đường bộ với trung tâm huyện này.

Với huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng),  Bộ GTVT đang nghiên cứu  chuẩn bị dự án  xây dựng cầu Đại Ngãi và tìm kiếm nguồn vốn BOT, dự kiến  khởi công  năm 2015 và hoàn thành năm 2017 nếu được Thủ tướng  chấp nhận.

Tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau),  Bộ GTVT đã phê duyệt  dự án đầu tư  xây dựng cầu Hoà Trung, dự kiến khởi công  tháng 6/2015, hoàn thành vào cuối năm 2015.

Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) sẽ được kết nối sau khi hoàn thành  dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi  vào cuối năm 2015.

Tại huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), trong điều kiện nguồn lực hạn chế  chưa đầu tư được cầu, trong khi sông Cử Tiểu khá rộng nên trước mắt, việc kết nối  đến huyện vẫn phải duy trì qua sông bằng phà.

Ở huyện Tân Châu (An Giang),  Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục để kêu gọi đầu tư cầu Châu Đốc  theo hình thức BOT.

Còn với huyện Phú Tân (An Giang), do huyện bị sông chia cắt 4 phía và trong điều kiện nguồn lực hạn chế chưa đầu tư được cầu nên trước mắt việc kết nối vẫn phải bằng phà.

Như vậy ở 8 huyện nói trên, có 6 huyện có dự án xây dựng đường bộ kết nối với trung tâm huyện. Thời gian tới,  Bộ GTVT sẽ phối hợp các địa phương trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng các cầu cứng vượt sông thay thế phà khi điều kiện nguồn lực cho phép.

Kiểm soát chặt từ khâu lập dự án đầu tư

Liên quan đến các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát tiến độ, chất lượng công trình giao thông mà các đại biểu  Lê Thành Nhơn (Bình Định), Trương Thị Ánh (TPHCM) đề cập, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, các dự án xây dựng công trình giao thông nói chung đã đảm bảo  yêu cầu kỹ thuật, chất lượng.

Tuy nhiên tại một số dự án, công trình khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số khiếm khuyết về chất lượng ở một số hạng mục. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư kiểm tra đánh giá, chỉ đạo khắc phục và xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia. Theo các kết luận thanh tra, kiểm toán tại các dự án đã chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục nhưng chưa phát hiện có tiêu cực

Bộ GTVT đang tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo điều hành  nhằm  đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện từ khâu lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế đến thi công xây lắp. Đồng thời rà soát, hoàn chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới.

Liên quan đến tiến độ, chất lượng  xây dựng cầu trao dân sinh  được đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) đề cập, Bộ GTVT đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ  Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông cho vùng dân tộc thiểu số  với mục tiêu xây dựng  4.145 cầu tại 50 tỉnh, thành phố với kinh phí dự kiến  8.338 tỷ đồng.

img_0981-0902-1317
Buổi khánh thành cầu treo dân sinh ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Quý II/2016, hoàn thành 482 cây cầu

Trước yêu cầu cấp bách, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt trước và triển khai thi công 187 cầu treo dân sinh trên phạm vi  28 tỉnh miền núi  phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, đến nay đã hoàn thành 102 cầu, tiếp tục triển khai 295 cầu, đến quý II/2016 phấn đấu hoàn thành  482 cầu. Riêng năm 2015  dự kiến  sẽ có 285 cầu treo cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trả lời về bất cập của các biển báo tín hiệu giao thông hạn chế tốc độ xe cơ giới mà đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan  rà soát điều chỉnh các biển báo tốc độ, tránh lạm dụng  việc lắp đặt biển báo  hạn chế tốc độ gây bức xúc cho người tham gia giao thông.

Năm 2014 và quý I/2015, đã điều chỉnh bỏ hoặc nâng  tốc độ 4.373 các cụm khu vực có cắm biển  báo hạn chế tốc độ và biển báo khu đông dân cư. Các biển báo tốc độ dưới 40 km/giờ trên hệ thống quốc lộ và 614 biển thông tin tốc độ không phù hợp trên quốc lộ được dỡ bỏ.

Về giảm thiểu TNGT, Bộ GTVT đang phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia  nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị camera giám sát  để phát hiện và xử lý vi phạm tốc độ phương tiện nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và minh bạch.

Cùng giải pháp này, Bộ GTVT đang sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ và Thông tư  số 13/2009/TT-BGT quy định tốc độ tối đa cho phép  xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ theo hướng hội nhập và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận