Bộ GTVT đẩy nhanh chuyển đổi số - Bài 3: Ứng dụng công nghệ số nâng chất lượng quản lý đường thủy

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Ứng dụng 25/08/2023 07:28

Sau những thử nghiệm ứng dụng công nghệ số vào quản lý, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đang tập trung tái cấu trúc tổng thể từ hạ tầng đến mô hình kiến trúc thông tin, vận hành công nghệ số.

Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ,ứng dụng chuyển đổi số quản lý đường thủy - Ảnh 1.

Cục ĐTNĐ Việt Nam đang áp dụng quản lý, giám sát trực tuyến hệ thống phao, đèn tín hiệu trên luồng đường thủy quốc gia

Hoàn thiện, phát huy ứng dụng công nghệ hiện có

Có mặt tại Trung tâm Giám sát, tổ chức giao thông đường thủy từ xa, nhìn trên màn hình điện tử lớn, PV Tạp chí GTVT được nhóm vận hành giới thiệu sơ đồ số của từng tuyến vận tải thủy quốc gia, với vị trí, trạng thái tín hiệu đèn gắn trên các phao luồng, vị trí thiết bị đo và mực nước theo thời gian thực.

Trên sơ đồ số, mỗi tuyến luồng đường thủy được xác định, giới hạn bởi dãy phao (xanh, đỏ) hai bên mép luồng, mỗi phao được định vị tại một tọa độ vệ tinh. Khi phao rời khỏi vị trí (hoặc tín hiệu đèn bị mất, cường độ sáng không đủ) sẽ phát cảnh báo tự động trên hệ thống quản lý, đồng thời lưu trữ lại lịch sử di dời. Việc ngay lập tức phát hiện sự thay đổi của phao dẫn luồng giúp các đơn vị bảo trì điều chỉnh, khắc phục sớm nhất các sự cố phao, đèn để bảo đảm luồng tuyến thông suốt. Bên cạnh đó, hệ thống giúp giám sát việc khắc phục của đơn vị bảo trì cũng như xử lý kịp thời các trường hợp phao bị mất trộm hay tàu thuyền, thiên tai gây trôi dạt. "Công nghệ này giúp thay phương thức thủ công trước đây là định kỳ dùng phương tiện thủy đi dọc tuyến để kiểm tra phao, đèn hay nhân công cầm thước đo mực nước, với lượng nhân công và chi phí lớn nhưng hiệu quả thấp hơn", nhân viên vận hành chia sẻ.

Theo đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam, đây chỉ là một trong số hai ứng dụng công nghệ đã được áp dụng từ vài năm qua (với hơn 2.500 phao, 63 trạm đọc mực nước tự động), giúp phát huy kết quả thiết thực và đang tiếp tục được hoàn thiện để tiến tới chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực đường thủy.

Bà Khúc Thị Nguyệt Hảo, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế và Môi trường (KHCN, HTQT&MT), Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, Cục đã đạt được một số nền tảng ứng dụng công nghệ và đang tập trung hoàn thiện, phát huy ứng dụng công nghệ trong tổ chức, điều hành bộ máy, quản lý chuyên ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, Cục đã hoàn thành liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục văn bản của Bộ GTVT (báo cáo trực tuyến, cập nhật chỉ đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ…) kết nối với các sở GTVT. Từ tháng 8/2021, Cục ĐTNĐ Việt Nam ứng dụng chữ ký số cá nhân trong phê duyệt hồ sơ công việc cấp Cục và các đơn vị (dự kiến tháng 12/2023 hoàn thành kết nối, số hóa nghiệp vụ xử lý văn bản đối với các đơn vị trực thuộc Cục); đầu tư và vận hành ổn định hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đạt chuẩn.

Trong ứng dụng công nghệ giải quyết thủ tục hành chính, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã hoàn thành quy trình nội bộ, quy trình điện tử và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thực hiện trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến một cửa đối với 35 thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy thuộc thẩm quyền của Cục. Tính từ năm 2022 đến nay, Cục đã giải quyết gần 5.000 hồ sơ, thủ tục trực tuyến (như hồ sơ lĩnh vực cấp phép vận tải thủy qua biên giới; lĩnh vực kết cấu hạ tầng, cấp và cấp lại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; lĩnh vực cảng, bến thủy nội địa...), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ,ứng dụng chuyển đổi số quản lý đường thủy - Ảnh 2.

Mô hình kiến trúc thông tin Cục ĐTNĐ Việt Nam phục vụ chuyển đổi số

Hiện đại hóa hạ tầng, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lớn

Đề cập tình hình chuyển đổi số lĩnh vực đường thủy, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, khó khăn hiện nay là cơ sở hạ tầng công nghệ của Cục mới đáp ứng ở mức cơ bản cho các hệ thống đã triển khai, phục vụ xây dựng mô hình Văn phòng điện tử, phục vụ nghiệp vụ tại Cục. Vì vậy, Cục đã rà soát, đưa vào kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đầu tư các công nghệ hiện đại (phòng máy chủ, đường truyền, hệ thống chống cháy nổ, thiết bị lưu điện, bảo đảm an ninh an toàn...) dự án trung hạn về công nghệ thông tin giai đoạn 2021 - 2025. Cùng đó, xây dựng mô hình kiến trúc tổng thể, nội dung cần chuyển đổi số của lĩnh vực đường thủy để bảo đảm chuyển đổi số bền vững, hiệu quả.

Trưởng phòng KHCN, HTQT&MT Khúc Thị Nguyệt Hảo cho biết, với sự tài trợ của Dự án "Hệ thống thông tin quản lý tích hợp hỗ trợ cải thiện giao thông ĐTNĐ thuộc Hợp phần B Chương trình Aus4Transport" của Chính phủ Úc, tháng 7/2022, Cục đã xây dựng hoàn thành Khung kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin tích hợp cho lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, xây dựng xong các phần mềm, công cụ nhập dữ liệu và sẽ nhập xong dữ liệu của 55 tuyến đường thủy quốc gia vào tháng 12/2024.

"Từ các kết quả đạt được trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và dự án trên, Cục tiếp tục triển khai Dự án "Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục ĐTNĐ Việt Nam" bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Dự án này được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 11/2022 và đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đến năm 2025, khi dự án hoàn thành, hệ thống thông tin tích hợp là một bộ cơ sở dữ liệu lớn được số hóa, gồm toàn bộ các dữ liệu cơ sở về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy, phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; dữ liệu quy chuẩn, tiêu chuẩn, vận tải thủy... để phục vụ quản lý, điều hành GTVT thủy theo mô hình công nghệ số", bà Hảo thông tin.

Cùng với các nội dung trên, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trong lộ trình chuyển đổi số lĩnh vực đường thủy cũng sẽ xây dựng bản đồ số hệ thống giao thông đường thủy, đầu tư hệ thống quản lý phương tiện bằng thiết bị giám sát tự động AIS để đồng bộ, phục vụ tổ chức hệ thống GTVT đường thủy hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn.