Bộ GTVT đẩy nhanh chuyển đổi số - Bài 1: Điểm sáng về phát triển kinh tế số

Tác giả: Xuân Lộc

saosaosaosaosao
Ứng dụng 23/08/2023 06:46

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ GTVT là “điểm sáng” về phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, mang lại lợi ích chung cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ GTVT đứng đầu chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia - Ảnh 1.

Trung tâm điều hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - nơi giám sát hoạt động các phương tiện trên tuyến

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của mỗi quốc gia

Trong những năm gần đây, lĩnh vực chuyển đổi số đã và đang giúp các quốc gia đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo nghiên cứu của McKensey (Mỹ), vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu khoảng 36%. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở khu vực ASEAN, "nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP của ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD".

Từ kinh nghiệm chuyển đổi số quốc gia của các nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nội dung của chuyển đổi số quốc gia trong những năm tới là: "Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội".

Đứng trước yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số đang đặt ra, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã ban hành Kết luận số 56-KL/BCSĐ ngày 8/12/2022, trong đó nêu rõ: Thực hiện Đề án 06/CP, Bộ GTVT đã chủ động và sớm triển khai các nhiệm vụ, thành lập Tổ công tác và ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao; lãnh đạo Bộ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện; các cơ quan, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thành: Kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành (cơ sở dữ liệu GPLX, cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện) và hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ GTVT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng an toàn, an ninh thông tin mạng, đảm bảo yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP, thúc đẩy chuyển đổi số ngành GTVT, Ban Cán sự đảng yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành đúng và vượt tiến độ các nhiệm vụ Bộ GTVT được giao vì lợi ích chung cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT yêu cầu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quản lý, khai thác dữ liệu chuyên ngành GTVT; rà soát, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử Bộ GTVT phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Bộ GTVT đứng đầu chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia - Ảnh 2.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Bộ GTVT dẫn đầu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phát triển kinh tế số

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06/CP, Bộ GTVT là "điểm sáng" về phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Bộ GTVT là một trong hai Bộ xếp loại A về chất lượng Cổng Dịch vụ công trực tuyến. Đây là mức cao nhất trong 5 mức độ đánh giá về chất lượng của cổng dịch vụ công trực tuyến và cần phải đạt từ 90 đến 100 điểm.

Để được xếp loại A, cổng dịch vụ công phải có đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, hỗ trợ người dân truy cập thuận tiện và đặc biệt có tốc độ tải trang và đáp ứng thao tác của người dùng tốt, tốc độ tải trang dưới 2,5 giây, thời gian phản hồi dưới 0,2 giây.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, lãnh đạo Bộ GTVT đã chủ trì 8 cuộc họp chuyên đề về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Bộ đã ban hành Kế hoạch phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng GTVT; ban hành 25 văn bản triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06... Kết quả, bước đầu hình thành dữ liệu số ngành GTVT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kết nối, chia sẻ với bộ, ngành, địa phương.

Hiện tại, Bộ GTVT đang duy trì cung cấp hơn 290 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số hơn 400 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 72%. Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tiếp nhận và xử lý hơn 114.000 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 80%; so với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này tăng 8,6%) với hơn 103 nghìn tài khoản sử dụng. Trong đó, cung cấp 145 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT.

Tính đến ngày 10/7/2023, Bộ GTVT đã kết nối, khai thác dữ liệu của 4 bộ, ngành và chia sẻ dữ liệu của Bộ GTVT với 6 bộ và 25 địa phương. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT xếp thứ 2 trong các bộ, ngành về tổng số giao dịch khai thác dữ liệu, trung bình hàng tháng chia sẻ khoảng 5,7 triệu dữ liệu của ngành GTVT.

"Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo xây dựng 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung gồm: Cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông; cơ sở dữ liệu phương tiện; cơ sở dữ liệu người điều khiển phương tiện; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT làm nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về GTVT, đặt nền móng cho phát triển kinh tế số - xã hội số. Đồng thời, tái cấu trúc quy trình các dịch vụ công hiện có để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, mẫu đơn, tờ khai điện tử", ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm.

Tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu".