Bộ GTVT dẫn đầu về phát triển kinh tế số

Tác giả: Bích Khuê

saosaosaosaosao
Ứng dụng 14/07/2023 14:16

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT là điểm sáng mới trong 6 tháng đầu năm 2023 về phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Quyết tâm của lãnh đạo Bộ GTVT trong chuyển đổi số

Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT), trong 6 tháng đầu năm 2023, lãnh đạo Bộ GTVT đã chủ trì 8 cuộc họp chuyên đề về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Bộ đã ban hành Kế hoạch phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng GTVT năm 2023, Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng của Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ trong năm 20232; ban hành 25 văn bản triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06; đồng thời kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bước đầu hình thành dữ liệu số ngành GTVT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kết nối, chia sẻ với bộ, ngành, địa phương.

Bộ GTVT dẫn đầu về phát triển kinh tế số  - Ảnh 1.

Ngành GTVT tập trung đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý ngành

Theo kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2023, Bộ GTVT phải hoàn thành 6 chỉ tiêu và 25 nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Đến hết tháng 6, các cơ quan, đơn vị của Bộ đã hoàn thành 5/6 chỉ tiêu, 14/25 nhiệm vụ.

Hiện Bộ GTVT đang duy trì cung cấp hơn 290 dịch vụ công trực tuyến, trong tổng số hơn 400 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 72%. Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tiếp nhận và xử lý hơn 114.000 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 80%, so với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này tăng 8,6%), với hơn 103 nghìn tài khoản sử dụng. Trong đó, cung cấp 145 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT.

Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 cũng như đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho kết cấu hạ tầng, phương tiện và người điều khiển phương tiện, hướng đến quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực đường bộ và đăng kiểm, hướng đến việc quản lý, giám sát các hoạt động này thông qua công nghệ thông tin, thúc đẩy hoạt động vận tải và đảm bảo ATGT.

Đồng thời, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số cảng biển và kết nối các cảng biển nhằm nâng cao năng lực, rút ngắn thời gian phục vụ. Hiện Bộ GTVT đã bước đầu triển khai được 18/145 cảng biển trên phạm vi toàn quốc, sử dụng nền tảng số Make in Viet Nam, với chi phí chỉ bằng khoảng 10 - 20% giải pháp của nước ngoài.

Bộ GTVT dẫn đầu về phát triển kinh tế số  - Ảnh 2.

Kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 Chính phủ giao của Bộ GTVT Bộ Giao thông vận tải là 1 trong 11 Bộ, tỉnh có cổng dịch vụ công được đánh giá mức độ A

Về đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh việc xác thực, hiển thị GPLX trên VneID; giao Cục Đường bộ VN hoàn thành kết nối CSDL GPLX với CSDL quốc gia về dân cư, đã thực hiện đối soát khoảng 35 triệu GPLX. Trong đó đã đối soát trùng khớp 31,3 triệu (đạt tỷ lệ 90,24%), đang tiếp tục phối hợp với C06 để đối soát 3,6 triệu GPLX còn lại.

Mặt khác, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Y tế kết nối với hơn 1.300 cơ sở y tế, cung cấp hơn 630.000 giấy khám sức khỏe điện tử. Trong 6 tháng đầu năm, các sở GTVT đã cấp hơn 11.000 GPLX trực tuyến.

Để tạo điều kiện cho công dân sử dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động ngành GTVT, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai thí điểm chấp nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho khách đi tàu bay (thí điểm từ ngày 1/6 vừa qua cho khách đi nội địa các tại các cảng hàng không trong toàn quốc). Theo đó, người dân có thể sử dụng thông tin căn cước công dân hiển thị trên ứng dụng VneID thay cho thẻ căn cước công dân.

Tiếp đó là ứng dụng sinh trắc học cho khách đi máy bay đang được thí điểm tại các sân bay Cát Bi, Nội Bài. Theo đó, hành khách chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân 1 lần tại quầy checkin. Tại đây, mất 5 - 7 giây để hành khách thực hiện các thông tin sinh trắc học, sau đó tại các bước kiểm tra an ninh hàng không, hành khách sẽ được tự động xác thực mà không xác thực thêm bất kỳ thông tin gì.

Bộ GTVT dẫn đầu về phát triển kinh tế số

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, Bộ GTVT là điểm sáng mới trong 6 tháng đầu năm 2023 về phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Bộ GTVT dẫn đầu về phát triển kinh tế số  - Ảnh 3.

Bộ GTVT dẫn đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về cung cấp DVCT

Bộ GTVT là một trong hai Bộ xếp loại A về chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến. Đây là mức cao nhất trong 5 mức độ đánh giá về chất lượng của cổng dịch vụ công trực tuyến và cần phải đạt từ 90 điểm đến 100 điểm.

Để xếp loại A, Cổng dịch vụ công phải có đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, hỗ trợ người dân truy cập thuận tiện và đặc biệt có tốc độ tải trang và đáp ứng thao tác của người dùng tốt, tốc độ tải trang dưới 2,5 giây, thời gian phản hồi dưới 0,2 giây.

Để thực hiện cuộc khảo sát, trong thời gian từ 1/3 - 31/3/2023, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thành phần tham gia gồm: Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện khảo sát trực tiếp tại ba Bộ, ngành và 9 địa phương.

Các Bộ, ngành được lựa chọn khảo sát là những Bộ, ngành có nhiều dịch vụ công trực tuyến liên quan nhiều, trực tiếp đến người dân, khảo sát sâu xuống tận cấp trực tiếp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến các cục, các trung tâm.

Kết quả đánh giá đối với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, điểm trung bình đối với khối Bộ, ngành là 70 điểm, trong đó: Mức độ A: 02/20 (10%); Mức độ B: 04/20 (20%); Mức độ C: 10/20 (50%); Mức độ D: 0/20 (0%); Mức độ E: 04/20 (20%).

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ góc độ trải nghiệm của người sử dụng đối với Cổng dịch vụ công của 20 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT đề nghị các đơn vị thuộc Bộ cần, rà soát, tái cấu trúc quy trình các dịch vụ công hiện có để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, mẫu đơn, tờ khai điện tử. Tập trung triển khai hiệu quả Dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp; hoàn thành đối soát dữ liệu GPLX với CSDL quốc gia về dân cư.

Đồng thời, phấn đấu cơ bản hoàn thành các CSDL dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Nghiên cứu giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để sử dụng thông tin GPLX trên ứng dụng VneID; kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát phương tiện, người điều khiển phương tiện để tạo thuận lợi trong hoạt động vận tải, giảm tai nạn giao thông. Thúc đẩy việc triển khai nền tảng số tại các cảng thuộc phạm vi quản lý, trước mắt tập trung triển khai nền tảng cảng số đối với cảng biển; Ứng dụng công nghệ sinh trắc học cho khách đi tàu bay; thúc đẩy phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng và các nhà giao vận...

Ý kiến của bạn

Bình luận