Ngày Xuân kể chuyện chuyển đổi số ngành GTVT

Tác giả: Xuân Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/01/2023 07:37

Năm vừa qua, Bộ GTVT triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.


Ngày Xuân kể chuyện chuyển đổi số ngành GTVT - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho đô thị thông minh

Những "điểm sáng" về chuyển đổi số

Theo đánh giá của Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) (Bộ GTVT), trong năm 2022, 60/60 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đã gửi, nhận 165.750 văn bản dưới dạng điện tử, đạt tỷ lệ 100% văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật). Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT trong năm 2022 đã tiếp nhận và xử lý 79.214 hồ sơ (tăng 15,2% so với năm 2021), cung cấp 202 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.

Đối với hệ thống dịch vụ công quản lý vận tải, năm 2022, hệ thống đã tiếp nhận và giải quyết 250.166 hồ sơ (tăng 20,7% so với năm 2021), cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, triển khai tại 63 Sở GTVT.

Hệ thống CNTT tham gia Cơ chế Một cửa Quốc gia năm 2022 đã tiếp nhận và giải quyết 137.197 hồ sơ, cung cấp 89 DVCTT mức độ 3, mức độ 4, trong đó có 119.604 hồ sơ do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xử lý; hồ sơ do các sở GTVT xử lý đạt 17.593. Đặc biệt, năm 2022, Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) vinh dự được nhận 2 giải thưởng chuyển đổi số cấp Quốc gia tại Cuộc thi Viet Solutions và Vietnam Digital Awards 2022 và là một trong 7 cơ quan nhà nước được bình chọn đã có thành tựu chuyển đổi số xuất sắc.

Về hoạt động chuyển đổi số, Cục Hàng hải Việt Nam cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu của Bộ GTVT. Năm 2022, Cục đã hoàn thành 11/11 chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử do Bộ GTVT yêu cầu. Hiện Cục đang phối hợp với Trung tâm CNTT và Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện Cơ chế Một cửa Quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải tại 22 Cảng vụ hàng hải với 93.075 hồ sơ (trong đó có 91.066 hồ sơ được cấp phép điện tử - ký số), đạt tỷ lệ 98% so với tổng số hồ sơ thực tế.

Cục Hàng hải Việt Nam hiện đang duy trì cung cấp 42 DVCTT mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Bộ GTVT; cung cấp 11 DVCTT mức độ 4 về cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển trên Cổng Thông tin Một cửa Quốc gia; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải; kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành hàng hải với các cơ quan, đơn vị phục vụ công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ở góc độ địa phương, trong năm 2022, Sở GTVT Hải Phòng đã tiếp nhận hồ sơ DVCTT mức độ 3, mức độ 4 đạt hơn 95%. Sở đã có cách làm sáng tạo, đột phá trong việc làm thủ tục cấp đổi GPLX và thu nộp phí hạ tầng cảng biển..., được đánh giá là "điểm sáng" nổi bật nhất của khối các sở, ngành thành phố trong năm 2022 về cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, toàn bộ quy trình thủ tục thực hiện cấp đổi GPLX người dân có thể thực hiện tại nhà qua điện thoại thông minh. Đối với việc thu phí hạ tầng cảng biển, chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên máy tính, người dân, doanh nghiệp đã thực hiện hàng loạt công việc như khai báo thông tin tờ khai nộp phí hạ tầng cảng biển đến hệ thống thu phí của UBND TP. Hải Phòng với thời gian chỉ khoảng 2 phút thay vì nửa ngày như trước kia.

Ngày Xuân kể chuyện chuyển đổi số ngành GTVT - Ảnh 2.

Hệ thống camera giám sát tại ngã tư Xã Đàn - Đại Cồ Việt

Ưu tiên xây dựng kho dữ liệu dùng chung cấp Bộ

Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) khẳng định, để công cuộc chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả thì phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho mọi hoạt động. Chuyển đổi số trong ngành GTVT phải mang lại giá trị cụ thể cho từng đối tượng sử dụng và hiệu quả xã hội.

"Để chuyển đổi số thật sự lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành GTVT rất cần sự vào cuộc của người đứng đầu, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo với vai trò dẫn dắt thúc đẩy chuyển đổi số trong mỗi cơ quan, tổ chức. Đồng thời, mỗi đơn vị cần xây dựng các bộ chỉ số định lượng; đầu tư ứng dụng CNTT theo hướng chuyển đổi số phải trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động của Bộ GTVT. Trong đó, ưu tiên việc xây dựng, chia sẻ CSDL các lĩnh vực trong quản lý, điều hành, tiến tới chia sẻ với cơ quan, đơn vị ngoài ngành GTVT", ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, việc chuyển đổi số trong hoạt động hàng hải sẽ tiếp tục thực hiện theo các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ GTVT. Cục tiếp tục ứng dụng CNTT, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Cục sẽ hoàn thành việc xây dựng CSDL về kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải; kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành hàng hải; phối hợp với các doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động khai thác cảng biển, kết nối chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp cảng biển và cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển...

Từ thực tiễn địa phương, ông Vũ Duy Tùng - Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng chia sẻ, năm 2022, Sở đã tập trung thực hiện 4 nhiệm trọng tâm: Xây dựng dự án CSDL và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; nâng cao năng lực trung tâm quản lý điều hành giao thông, đô thị thông minh; xây dựng hệ thống kiểm soát giao thông công cộng năm 2022; phát triển hệ thống ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động vận tải tại các bến thủy nội địa...

"Để có được kết quả trên, Sở GTVT Hải Phòng đã mạnh dạn thí điểm xây dựng một DVCTT trong lĩnh vực quản lý phương tiện, người lái nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí thời gian, công sức, tài chính... Đây là tiền đề để khi phần mềm cấp đổi GPLX trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia vận hành đầy đủ sẽ có đủ điều kiện để kết nối", Giám đốc Sở GTVT Hải phòng cho hay.

"Về phía Bộ GTVT, để cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số của Bộ GTVT, vừa qua, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành đúng và vượt tiến độ các nhiệm vụ được Bộ GTVT giao cho các đơn vị trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo", Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Theo đó, trong năm 2023, Trung tâm CNTT được giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông; CSDL phương tiện; CSDL người điều khiển phương tiện; CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Ngoài ra, Trung tâm sẽ phối hợp với Cục ĐBVN và Cục Hàng hải Việt Nam hoàn thành CSDL tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; CSDL thuyền viên và CSDL tàu biển, làm cơ sở để phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số...