10 dấu ấn nổi bật ngành GTVT năm 2023: 5.Cổng dịch vụ công Bộ GTVT xếp nhất khối các bộ, ngành TW

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Chính trị 27/12/2023 10:43

Bộ GTVT được đánh giá là “điểm sáng” về phát triển kinh tế số trong thúc đẩy bài toán cảng biển số với việc hoàn thành 6 chỉ tiêu và 25 nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Cổng dịch vụ công Bộ GTVT xếp thứ nhất khối các bộ, ngành TW- Ảnh 1.

Thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe đã được đơn giản hóa nhờ ứng dụng công nghệ số tiên tiến, hiện đại

Nhu cầu, đòi hỏi rất lớn và cấp thiết

Thông tin với Tạp chí GTVT, lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Bộ GTVT trong năm 2023 đã đạt được một số kết quả nhất định; các cơ quan, đơn vị đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT được đánh giá là "điểm sáng" về kinh tế số trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại cảng biển, Cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp thứ nhất (hạng A) trong khối các bộ, ngành.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên ngành như: Quản lý đăng kiểm, quản lý hoạt động vận tải… cũng đã được các đơn vị xây dựng đề án và chuẩn bị các bước để triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, hướng tới công tác quản lý dựa trên dữ liệu số.

Đối với việc triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí điện tử không dừng (ETC), Bộ GTVT đã chủ động xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, ban hành làm cơ sở triển khai. Đã có 7/28 tuyến đường bộ cao tốc triển khai hệ thống ITS; hệ thống thu phí không dừng đã triển khai trên toàn quốc với 155 trạm thu phí, có 5,1 triệu phương tiện đã dán thẻ ETC, tỷ lệ sử dụng dịch vụ ETC đạt khoảng 90%.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin, về cơ bản, các đơn vị đã bám sát theo kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm được giao. Tuy nhiên, các đơn vị chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý chuyên ngành, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số. Một số hệ thống thông tin được quy định trong các Nghị định, Chính phủ giao Bộ GTVT triển khai thực hiện nhưng chưa được bố trí kinh phí. Trong khi đó, nhu cầu, đòi hỏi chuyển đổi số ngành GTVT là rất lớn và cấp thiết. Với việc chuyển đổi thành công, ngành GTVT sẽ giúp cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, các đơn vị thuộc Bộ GTVT đã chủ động triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số theo kế hoạch được ban hành, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công Quốc gia giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ một số tồn tại, như: Các đơn vị chưa quan tâm, coi trọng công tác xây dựng Chính phủ điện tử, người đứng đầu các đơn vị chưa quyết liệt; chưa hình thành được dữ liệu dùng chung để hỗ trợ công tác quản lý, điều hành; một số hệ thống công nghệ thông tin chưa được bố trí kinh phí để triển khai… Cùng với đó là chưa có quy hoạch tổng thể, chưa có kiến trúc ITS quốc gia, dẫn tới việc triển khai chưa đồng bộ, gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác duy trì, vận hành hệ thống cũng như cơ chế sử dụng hệ thống để giám sát, kiểm soát giao thông.

Vì vậy, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cục chuyên ngành tiếp tục rà soát danh mục dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp để nâng mức độ dịch vụ, nâng cấp chất lượng phục vụ, loại bỏ các dịch vụ ít phát sinh hồ sơ.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất

Nổi bật trong các yêu cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với Văn phòng Bộ tham mưu Bộ GTVT giao chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chỉ tiêu phát sinh hồ sơ trực tuyến… đến từng đơn vị để thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất.

Đề cập đến xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cục, Trung tâm Công nghệ thông tin đến hết quý III/2024 phải cơ bản hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung ở cả 5 lĩnh vực về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT.

"Các Cục trưởng phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tiến độ thực hiện các dự án công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Các cục khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đối với việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý chuyên ngành, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ GTVT phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam". Theo đó, Cục cần chuẩn bị các thủ tục để đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động đăng kiểm, nhất là công tác đăng kiểm xe cơ giới để quản lý chặt chẽ, toàn diện hoạt động đăng kiểm và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện đăng kiểm.

Cùng với đó, Vụ Kế hoạch - Đầu tư rà soát, tham mưu Bộ GTVT về đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam", làm cơ sở triển khai xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ quản lý chuyên ngành lĩnh vực đường bộ.

Đối với hệ thống quản lý, giám sát hành trình xe ô tô, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định để đảm bảo về tính chính xác, bảo mật của dữ liệu; bổ sung các chức năng để hoàn chỉnh hệ thống, khai thác hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý vận tải và ATGT.

"Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chủ trương dự án và xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin, Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vụ Tài chính tham mưu bố trí kinh phí để thuê dịch vụ công nghệ thông tin Hệ thống Giám sát hành trình xe ô tô, từ năm 2024", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

Ngoài ra, các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục rà soát kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số thuộc lĩnh vực quản lý; xác định các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện, báo cáo, đề xuất Bộ GTVT bố trí nguồn lực để xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin, hướng tới quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.