10 dấu ấn nổi bật ngành GTVT năm 2023: 4.Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, 3 "nhà" hưởng lợi

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Chính trị 27/12/2023 08:21

Bộ GTVT triển khai kịp thời công tác xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, xóa nhiều vướng mắc quản lý, hướng đến doanh nghiệp, người dân.


Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng vững chắc phát triển GTVT- Ảnh 1.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Bộ GTVT đặc biệt coi trọng, tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Luôn kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Xuyên suốt từ những ngày đầu tiên của năm 2023 đến nay, các văn bản chỉ đạo, đôn đốc của Bộ GTVT đều được các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện đúng yêu cầu, đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc theo dõi tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cũng như công tác pháp chế nói chung đã được thực hiện thường xuyên với những chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt tại các hội nghị giao ban của Bộ GTVT và các văn bản đôn đốc hàng tháng.

Đáng chú ý, trong công tác xây dựng pháp luật, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật luôn được Bộ GTVT đặc biệt coi trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội; hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang triển khai việc tổng kết Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Giao thông đường thủy nội địa Việt Nam. Trên cơ sở kết quả tổng kết, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện lập đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL để báo cáo Chính phủ.

"Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định do Bộ GTVT tham mưu trình, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành theo thẩm quyền 34 thông tư", đại diện Vụ Pháp chế cho biết và khẳng định, các văn bản được Bộ GTVT ban hành luôn kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với hệ thống văn bản QPPL trong ngành GTVT và các văn bản QPPL trong các ngành, lĩnh vực liên quan.

Các nhiệm vụ về công tác tư pháp ngày càng được quan tâm, bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát sinh. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng trong công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL được nâng cao rõ rệt.

Nổi bật trong năm qua, Bộ GTVT đã xây dựng dự án Luật Đường bộ, hiện đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Đường bộ. Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ.

Đối với dự án Luật Đường sắt, Bộ GTVT đã hoàn thành việc tổng kết Luật và Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp về kết quả rà soát, nghiên cứu xây dựng Luật theo yêu cầu tại Quyết định số 2114/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Đối với dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật. Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện, báo cáo để trình Chính phủ theo quy định.

Chú trọng lĩnh vực đầu tư kinh doanh, bám sát mục tiêu phát triển

Các nhiệm vụ về công tác tư pháp ngày càng được quan tâm, bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát sinh. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng trong công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL được nâng cao rõ rệt. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật bước đầu có sự đổi mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải pháp luật đến người dân.

Các văn bản QPPL do Bộ GTVT ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản QPPL. Trước và trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL đều được tiến hành đánh giá nhằm đảm bảo tính khả thi của văn bản quy định chi tiết, đánh giá tác động tới các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản.

"Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết đã vào nền nếp; chất lượng công tác tham mưu văn bản QPPL ngày càng được nâng cao, bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh, đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành", lãnh đạo Vụ Pháp chế khẳng định.

Đề cập đến những hạn chế trong công tác hoàn thiện thể chế trong năm 2023, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, lĩnh vực GTVT ngoài việc chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành còn chịu sự điều chỉnh của các hệ thống pháp luật về điều kiện kinh doanh, đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch và khai thác kết cấu hạ tầng, vốn là các lĩnh vực phức tạp, đan xen và có khối lượng văn bản QPPL tương đối lớn, có sự tham gia của nhiều chủ thể có thẩm quyền theo phân cấp của từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình sản xuất, kinh doanh và các yếu tố mới phát sinh trong hoạt động thực tiễn đòi hỏi phải có sự nghiên cứu trong một thời gian nhất định để tìm ra giải pháp, hoàn thiện cơ chế quản lý.

Bước sang năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục chủ động rà soát, xây dựng các văn bản QPPL để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về GTVT, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời phát huy công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, kịp thời phát hiện những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ, khả thi của văn bản; tăng cường đôn đốc và theo dõi việc xử lý các văn bản trái pháp luật; tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.