Ý thức chấp hành đèn tín hiệu khi tham gia giao thông

Bạn đọc 07/05/2015 06:50

Tình trạng người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ đã trở thành một thực trạng đáng báo động ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.


Những chiếc xe đạp thoải mái vượt đèn đỏ.

Đèn đỏ dừng lại- Đèn xanh thì đi. Bài học giao thông đầu tiên được dậy cho các em mẫu giáo tưởng chừng như đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại có rất nhiều người tham gia giao thông lại không tuân thủ. Hành vi vượt đèn đỏ không chỉ là hành động không chấp hành các quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người lái xe, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

Tình trạng người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ đã trở thành một thực trạng đáng báo động ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là lỗi vi phạm chủ yếu trong ngày đầu lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đồng loạt xử phạt phương tiện vi phạm qua camera. Hình ảnh được hệ thống camera giám sát giao thông tại Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông ghi lại cho thấy, tại nhiều nút giao thông, khi bảng tín hiệu thông báo chỉ còn vài giây là chuyển sang đèn đỏ, nhiều chủ phương tiện cố tình nhấn ga cho xe chạy thật nhanh qua ngã tư đông đúc. Không chỉ ô tô, mà còn rất nhiều xe máy cũng lao lên, đứng đè vạch sơn trắng và chực chờ phóng vút đi khi đèn tín hiệu vẫn chưa chuyển sang màu xanh. Không ít trường hợp, người điều khiển phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành việc dừng chờ đèn đỏ lại phải chịu đựng sự lườm nguýt, thậm chí cả những lời chửi tục của những người phía sau.

Chị Đào Thị Huyền, sống ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Nhiều khi gặp đèn đỏ, tôi cho xe dừng lại nhưng các phương tiện phía sau cứ bấm còi inh ỏi để cố vượt. Nếu không được họ còn dùng những lời lẽ khiếm nhã để nói tôi. Nhiều lúc tôi cũng sợ các phương tiện đang chạy phía sau đâm vào nên khi dừng đèn đỏ tôi cũng phải đỗ xe gọn và ngoái cổ nhìn phía sau để tránh va chạm”.

Khi người điều khiển phương tiện cố tình vượt đèn đỏ không chỉ gây nguy hiểm cho những phương tiện dừng chờ phía trước mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông. Khi đèn xanh bật sáng, các phương tiện của luồng giao thông đối diện được phép lưu thông, đó cũng là lúc các xe đang tăng tốc nên khi bất ngờ gặp chướng ngại vật bất ngờ lao tới, họ không kịp xử lý dẫn đến tai nạn giao thông.

Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào tối ngày 18/3, tại ngã tư Quốc lộ 46B – đường tránh Quốc lộ 1A, thuộc xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An giữa xe ô tô 7 chỗ và một xe tải khiến 9 người thương vong. Theo đó, vào 21 giờ đêm, xe bán tải mang biển kiểm soát 37C – 074.01 lưu thông trên Quốc lộ 46B hướng TX. Cửa Lò – Nam Đàn.Khi đến ngã tư đèn đỏ giao với đường tránh Quốc lộ1A, xe bán tải vừa dừng lại chờ đèn đỏ đã bất ngờ bị xe Fotuner Biển khiểm soát 37A – 116.78 chạy ngược chiều đâm trực diện, khiến chiếc xe bán tải văng quay ngang mặt đường.

Vụ tai nạn khiến 2 chiếc xe hư hỏng nặng, 9 người trên 2 chiếc xe bị thương nặng, trong đó có 3 người nguy kịch. Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, khi đến ngã tư, đèn đỏ bật sáng nhưng người điều khiển xe Fotuner vẫn cho xe chạy dẫn đến vụ tai nạn thương tâm.

Vào ngày 26/3, một người đàn ông điều khiển xe máy Biển khiểm soát: 53Z2 – 3310lưu thông trên đường Trường Chinh đã cố tình vượt đèn đỏ để băng qua đường tại giao lộ Trường Chinh – Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc này, tài xế xe buýt số 23 chạy tuyến bến xe Chợ Lớn – cầu Ông Lớn đã cố gắng phanh nhưng không kịp nên đâm vào xe máy khiến người điều khiển xe máy trọng thương, bất tỉnh tại chỗ.

Hiện tại nguyên nhân các vụ tai nạn vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ, nhưng có thể thấy, việc vi phạm đèn tín hiệu giao thông không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn cho bản thân người điều khiển phương tiện mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhiều người tham gia giao thông khác. Mặt khác nếu không may gây tai nạn nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện còn phải bị phạt tù.

Theo Nghị định 171 năm 2013 về xử phạt hành chính đối với những vi phạm các quy định về giao thông đường bộ. Trường hợp xe ô tô và các loại xe tương tự như ô tô, nếu vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng và từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng đối với xe máy. Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 1 tháng và nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe trong 2 tháng.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, trường hợp ô tô vượt đèn đỏ gây tai nạn chết người thì người điều khiển ô tô ngoài việc bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật hình sự còn phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Luật dân sự. Trong nhiều trường hợp gây tai nạn chết người, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tù.

Chia sẻ về điều này, Luật sư Phạm Danh Tài- Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Ở đây theo quy định 202 của Bộ luật hình sự quy định về tôi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định cụ thể như sau.

Người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tính mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ tơi 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng –đến 5 năm. Khi gây tai nạn mà dẫn đến nạn nhân tử vong sẽ thuộc trường hợp phạm tội trong những trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mức hình phạt tùy theo điều khoản của quy định này có thể bị tù từ 7 đến 15 năm. Ngoài ra còn cấm đảm nhiệm trong 1 thời gian nhất định.

Bài học đầu tiên khi tham gia gia giao thông là đèn đỏ thì dừng lại, đèn xanh thì mới được đi. Thế nhưng, rất nhiều người tham gia giao thông lại không thực hiện đúng được bài học cơ bản này. Nhiều người cảm thấy bứt rứt, khó chịu khi phải chờ vài chục giây đèn đỏ, bằng mọi cách họ phải vượt lên trước người khác đứng chờ hoặc rồ ga cho xe chạy khi chỉ còn vài giây nữa là chuyển sang đèn xanh. Để biện minh cho hành vi vượt đèn đỏ, nhiều người lấy lí do là đang rất vội, bị muộn giờ làm, hoặc có việc gấp….Hành vi này lặp đi lặp lại thường xuyên trở thành một thói quen xấu và ăn sâu vào trong ý thức của nhiều người tham gia giao thông.

Trong khi đó, tại Hồng Kông- một quốc gia có diện tích đất rất chật hẹp và lượng phương tiện cũng khá đông đúc, nhưng người tham gia giao thông luôn tự giác chấp hành luật giao thông nói chung và quy định đèn tín hiệu nói riêng. Mặc dù, không có Cảnh sát giao thông trên đường nhưng rất hiếm khi các phương tiện vượt đèn đỏ.

Đánh giá về ý thức tham gia giao thông của người dân Hồng Kông- anh Nguyễn Văn Hùng- một người dân đã có 3 năm sinh sống và làm việc tại Hồng Kông chia sẻ:Trong thời gian sinh sống tại Hồng Kông tôi thấy rằng ý thức chấp hành đèn tín hiệu của người dân Hồng Kông là rất tốt. Đặc biệt, ngoài giờ cao điểm ra, vào sáng sớm hay đêm khuya. tuyệt nhiên không có phương tiện nào vi phạm về vấn đề đèn tín hiệu.

Các phương tiện đều chấp hành một cách rất nghiêm túc. Trong thời gian sinh sống tôi chưa thấy có trường hợp nào vượt đèn đỏ ở khu vực dân cư nơi tôi sinh sống.Tôi thấy rằng mức phạt của họ cũng rất là nghiêm ngặt. Người tham gia giao thông mà vượt đèn đỏ thì có những lỗi có thể bị phạt lên đến 20 nghìn đô la Hồng Kông, tương đương với khoảng 60 triệu tiền Việt và việc thi lại bằng lái xe ô tô hết sức khó khăn và lệ phi các cuộc thi đó tương đối cao.

Bài học đầu tiên khi tham gia gia giao thông là đèn đỏ thì dừng lại, đèn xanh thì mới được đi.

Còn tại Úc, người dân cũng rất tuân thủ việc chấp hành đèn tín hiệu khi tham gia giao thông. Những trường hợp vi phạm lỗi này chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đã vi phạm một quy định khác trước đó.

Anh Lê Văn Duy- Việt kiều Úc cho biết:Ở bên Úc, người dân khi tham gia giao thông trên đường, người ta nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Các trường hợp vượt đèn xanh đèn đỏ hầu như không có. Ở bên này có mấy trường hợp họ thường vượt đèn xanh đèn đỏ. Thứ nhất là những xe bị cảnh sát truy đuổi do phạm luật từ trước, cố tình chạy. Thứ hai là những người có nồng độ rượu trong cơ thể người. Thứ ba là những xe bị báo là mất trộm. Theo luật hiện hành một người tham gia giao thông mà vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt 240 đô la Úc và bị trừ trên bằng lái 3 điểm

Tại Úc và Hồng Kông, hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh và rất nghiêm ngặt. Việc quản lý phương tiện, phân luồng giao thông và xử lý vi phạm thông qua hệ thống giao thông thông minh. Tại các nút giao thông ở 2 quốc gia này, đều được trang bị hệ thống camera giám sát, ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm luật giao thông. Hình ảnh phương tiện vi phạm và vé phạt sẽ được gửi đến cho chủ phương tiện và việc xử lý vi phạm hoàn toàn bằng hệ thống tự động nên người vi phạm không thể xin hoặc hối lộ được các cơ quan chức năng.

Khi vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, người điều khiển phương tiện không chỉ bị phạt tiền mà còn bị trừ 5 điểm trên bằng lái xe tại Hồng Kông và 3 điểm tại Úc. Nếu vi phạm 3 lần vượt đèn đỏ, người lái xe sẽ bị tước bằng lái trong 3 tháng và lần phạt tiếp theo sẽ bị tước bằng lái trong vòng 6 tháng, thậm chí tịch thu bằng lái xe. Trong khi đó việc thi lại bằng lái xe tại những quốc gia này rất khó và tốn kém.

Có thể thấy, người dân tại 2 quốc gia trên đã luôn luôn tuân thủ các quy định về an toàn giao thông một cách rất tự nhiên và tự giác. Ngoài những yếu tố về cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống luật pháp minh bạch và nghiêm ngặt, người dân đã được giáo dục và đào tạo ý thức chấp hành pháp luật nói chung và luật giao thông nói riêng rất bài bản, nghiêm túc.

Công tác giáo dục tuyên truyền về các quy tắc tham gia giao thông được thực hiện ngay trong nhà trường và mỗi gia đình từ khi còn rất nhỏ. Người dân tuân thủ đèn tín hiệu khi tham gia giao thông như là một điều tất yếu, bởi họ nhận thức rằng hành động này không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn thể hiện ý thức tham giao thông một cách có văn hóa.

Đối với nhiều người, hành vi vượt đèn đỏ đơn giản chỉ là để thỏa mãn cái tôi, muốn hơn người khác nhưng đôi khi, chỉ vì muốn nhanh một giây, nhiều người đã phải trả giá bằng cả tương lai, tính mạng của mình. Để hạn chế những vụ tai nạn thương tâm và những mất mất, đau đớn do tai nạn giao thông mang lại, bản thân mỗi người tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành các quy tắc về an toàn giao thông, đặc biệt là không vượt đèn đỏ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý giao thông cần xem xét, nâng cao các chế tài xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và minh bạch các hình thức xử lý đối với hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông. Song song vơi đó, cần nâng cao công tác giáo dục tuyên truyền cũng nên được tiếp tục đẩy tại các cơ quan, trường học, giúp xây dựng và hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.

Theo VOV

Ý kiến của bạn

Bình luận