Xe quá tải phá nát đê Trà Lý, cấp chính quyền nói gì?

Tác giả: An Bình

saosaosaosaosao
Ý kiến 21/06/2016 07:11

Để tận thu ngân sách, UBND xã Vũ Đông, xã Vũ Lạc thành phố Thái Bình tự ý cho người dân địa phương thuê tràn lan bãi tập kết vật liệu xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, việc làm này vô hình dung đã và đang tiếp tay cho xe quá tải phá nát đê Trà Lý.

IMG_1157
Xe quá tải hoành hành đê hữu Trà Lý gây ô nhiễm môi trường và mất trật tự ATGT

Tận thu ngân sách

Như Tạp chí GTVT đã phản ánh, con đường đê chắn lũ đê hữu Trà Lý đoạn từ Km27+450 thuộc xã Vũ Lạc đến đoạn Km28+870 thuộc xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình trong suốt một thời gian dài xe quá tải hành hoành khiến đoạn đê chống lũ cho cả thành phố Thái Bình này bị xuống cấp trầm trọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới trật tự ATGT và tiềm ẩn TNGT.

Để tiếp tục có thông tin tới quý độc giả, chúng tôi tìm đến UBND xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình. Trao đổi Tạp chí GTVT ông Nguyễn Thế Hiền – Chủ tịch UBND xã Vũ Đông cho biết, xã Vũ Đông hiện quản lý trên 4,5Km đê chắn lũ, phía hành lang bãi ngoài đê hiện nay đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép cho một số doanh nghiệp để làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, ngoài ra phía UBND xã cũng đã cho thuê một số diện tích đất phía ngoài bãi sông Trà Lý để thực hiện việc tập kết vật liệu xây dựng để tận thu ngân sách cho địa phương. Thực trạng xe quá tải trên tuyến đê hữu Trà Lý chính quyền xã biết từ lâu: “các xe vào các bãi vật liệu xây dựng hầu hết được cơi nới thành thùng nên hiện tượng xe quá tải lưu thông trên tuyến đê sông Trà Lý là có. Các chủ bãi hầu như không chấp hành theo quy định của địa phương mà thường xuyên vi phạm, chúng tôi đã lập biên bản xử phạt đối với các chủ bến bãi vi phạm hành lang an toàn của đê nhưng khi nộp phạt xong lại đâu vào đấy, họ lại tiếp tục vi phạm” ông Phạm Thế Hiền xác nhận.

Ông Phạm Văn Các – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc cho biết, trên địa bàn xã Vũ Lạc tại các địa điểm ngoài bãi đê sông Trà Lý hiện nay đang tồn tại một số doanh nghiệp thuê để lập bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Một số doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép tạm thời, có doanh nghiệp được Sở NN&PTNT cấp, ngoài ra xã cũng cho một số hộ thuê mặt bằng để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng để tận thu ngân sách cho địa phương: “ngoài các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép tạm thời, UBND xã cũng ký hợp đồng với một số hộ để tận thu ngân sách cho địa phương, hàng năm xã chịu áp lực giao chỉ tiêu thu thuế môn bài rất cao, trên 300 triệu/năm lên chúng tôi giao bãi để tận thu ngân sách” ông Phạm Văn Các thông tin.

Cũng theo ông Phạm Văn Các, thực trạng xe quá tải lưu thông qua địa bàn xã trên tuyến đê hữu Trà Lý đã từ lâu phía chính quyền xã cũng biết nhưng việc này đã vượt quá sự kiểm soát của chính quyền xã, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý cấp thành phố như: Công an thành phố, Phòng kinh tế và Chi cục quản lý đê điều thành phố Thái Bình…

Theo tài liệu chính quyền xã Vũ Đông và xã Vũ Lạc cung cấp, hiện tại trên địa bàn xã Vũ Đông đã được UBND tỉnh cấp phép lập bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tạm thời cho 2 doanh nghiệp, UBND xã Vũ Đông ký hợp đồng cho 5 chủ hộ theo diện tận dụng đất 5% của xã với mức thu 5.000đồng/m2/năm để tận thu ngân sách. Trên địa bàn xã Vũ Lạc đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép tạm thời cho 4 doanh nghiệp, còn lại UBND xã hợp đồng đối với 7 cá hộ theo diện giao thầu để lập bãi tập trung vật liệu xây dựng hàng năm kinh phí thu được từ nguồn cho thuê bãi này khoảng trên 120 triệu đồng.

20160613_141008
Phế liệu ghạch, ngói vỡ đổ tràn lan 2 bên hành lang đê chắn lũ Trà Lý

Có buông lỏng quản lý?

Theo quyết định cấp phép của UBND tỉnh Thái Bình đối với những doanh nghiệp khi được cho phép lập bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tạm thời ngoài bãi sông Trà Lý được quy định rất chặt chẽ như về diện tích, khoảng cách lắp đặt cần cẩu mini cách xa chân đê từ 5 đến 10m, vật liệu tập kết ở bãi trung chuyển phải cách chân đê 20m và không được cao quá 2m, trong mùa lũ, bão phải ngừng hoạt động và giải tỏa các vật liệu khỏi bãi, chỉ sử dụng xe có tổng tải trọng dưới 10 tấn (kể cả xe và hàng hóa trên xe) đi trên đê, hàng năm phải đầu tư kinh phí để sửa chữa mọi hư hỏng của công trình đê điều ở khu vực bãi và đoạn đê do phương tiện đi lại vận chuyển vật liệu gây ra…Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay hàng triệu m3 vật liệu xây dựng vẫn lằm chềnh ềnh tại các bãi, bên hành lang phía trong đê những đống phế liệu như gạch, ngói vỡ đổ tràn bên hành lang đê không được di dời, mùa mưa bão đã đến gần đang là mối đe dọa đối với đê chắn lũ của thành phố trước mùa mưa, bão và  hàng ngày các xe trọng tải 2 – 3 chân được chất cao ngất ngưởng che chắn qua loa vẫn tiếp tục hành hạ con đê chắn lũ.

Theo một nguồn tin cho biết, để hoàn thành 1km đê Trà Lý tỉnh Thái Bình phải đầu tư khoảng 6 tỷ đồng/1km. Hiện tại con đê này thiếu đi một sự quản lý của các cấp chính quyền khiến mặt đê chống lũ sông Trà Lý ngày càng bị tàn phá nặng nề gây lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ cho người tham gia giao thông và nguy cơ mất ATGT cao và theo giải trình của những người có trách nhiệm tại 2 xã Vũ Đông, xã Vũ Lạc rằng việc tận thu ngân sách do áp lực kinh tế của địa phương mỗi năm thu được trên 120 triệu đồng khi phải đánh đổi gần chục km đê với mức chi phí khoảng 6 tỷ đồng/km liệu có đáng?

Việc UBND xã Vũ Đông, Vũ Lạc với lý do muốn tận thu kinh phí cho địa phương nên đã ký hợp đồng với các hộ để thực hiện làm bãi trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng vô hình dung tiếp tay xe quá tải phá nát tuyến đê liệu có xác thực? Đằng sau những bến bãi tập trung vật liệu bên bãi sông Trà Lý liệu có gì uẩn khúc?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả.

Ý kiến của bạn

Bình luận