Cách nào huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không?

Tác giả: Nhóm P.V

saosaosaosaosao
Hàng không 04/11/2022 20:51

Đầu tư một sân bay, để hòa vốn sẽ rất lâu. Do đó, phải xác định đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay là lâu dài và là định hướng phát triển chung. Khi một sân bay phát triển, sẽ kéo theo các ngành khác, lĩnh vực khác.

Khắc phục tồn tại trong huy động nguồn vốn đầu tư 

Chiều nay (4/11) tại Quảng Ninh, Bộ GTVT tổ chức tọa đàm "Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm".

Vốn lớn, cách nào huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không?

 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn (ảnh: BGT)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, triển khai Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác 1121, Bộ GTVT đã gửi đề cương "Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không" tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao, làm cơ sở triển khai thu hút nguồn lực đầu tư các cảng hàng không.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực kinh tế vận tải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại với hoạt động mang tính quốc tế cao, gắn liền với an toàn và an ninh, buộc phải hoạt động đồng bộ theo quy trình chặt chẽ.

"Qua buổi tạo đàm ngày hôm nay, Bộ GTVT rất mong các cơ quan, các địa phương, các nhà đầu tư có thêm thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục và những thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức PPP nhằm đồng hành, chia sẻ với Bộ GTVT trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.

Vốn lớn, cách nào huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không?

 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT (ảnh: BGT)

Tham luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, hơn 10 năm vừa qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc: Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 18%; Phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất Đông Nam Á (theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế - IATA).

Về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK, ông Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2020 khoảng 95.020 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSNN là 12,5% và vốn ngoài NSNN 87,5%); chiếm khoảng 9,2% toàn ngành, đạt khoảng 60% nhu cầu.

Đề cập vấn đề huy động nguồn vốn đầu tư, ông Dũng nêu một số tồn tại như: hiện nay ACV quản lý phần lớn CHK, về lâu dài sẽ dẫn tới áp lực lên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hạn chế khả năng huy động nguồn vốn xã hội, chưa phát huy được tính chủ động, nguồn lực của các địa phương và khả năng quản trị của nhà đầu tư.

Đối với các CHK mới, phương án tài chính khi đầu tư theo phương thức PPP thường khó hấp dẫn nhà đầu tư do thời gian hoàn vốn kéo dài (trung bình từ 40-50 năm), cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước.

Đối với các CHK do ACV đang khai thác, có một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện huy động vốn đầu tư như: Đầu tư công trình trên đất và tài sản do quốc phòng quản lý; Xử lý tài sản của ACV, tài sản do quân sự quản lý; Lựa chọn hình thức đầu tư: (i) Hình thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư, phát triển hay (ii) Hình thức sử dụng tài sản KCHT tham gia dự án PPP.

Về nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK giai đoạn 2021-2030, ông Dũng cho biết, theo Quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng (trừ các công trình do VATM đầu tư). Theo kế hoạch, ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỷ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng.

Cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư cảng hàng không

Tại tọa đàm, đề cập đến việc mới đây Cảng hàng không Sa Pa được khởi công theo hình thức PPP, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, về Luật Đầu tư có cơ chế chia sẻ doanh thu, nhưng từ câu chuỵện của sân bay Sa Pa thì rõ ràng cần bổ sung những ưu đãi khi khai thác hoạt động đầu tư sân bay, cởi trói nhà đầu tư về thể chế.

Theo ông Trường, với mức đầu tư 4.000 tỷ thì Lào Cai bỏ ra 1.700 tỷ, còn lại là của nhà đầu tư. "Khoản 4.000 tỷ không khó để đầu tư nhưng phải sau 45 năm mới thu hồi vốn. Nếu có thể chế giúp nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh thông qua cơ chế mở thì rất tốt", ông Trường nói và lấy ví dụ, tại Lào Cai, riêng hỗ trợ nhà đầu tư xe buýt đã bỏ ra 15 tỷ/năm thì với một khoản đầu tư lớn như sân bay thiết nghĩ cần có cơ chế hỗ trợ để chung tay, có trách nhiệm với nhà đầu tư.

Vốn lớn, cách nào huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không?

 - Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (ảnh: BGT)

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không Vân Đồn đưa ra một số kiến nghị để thu hút các nhà đầu tư vào mảng cảng hàng không sân bay.

Thứ nhất, đó là làm thế nào tạo được hành lang pháp lý, chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm.

Thứ hai, với các địa phương có nhu cầu đầu tư, đặc biệt những nơi đã có các nhà đầu tư mong muốn tham gia thì không có lý do gì để không đưa vào hệ thống đầu tư bởi việc đầu tư cảng hàng không sẽ đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương rất nhiều.

Thứ ba, khi triển khai cảng hàng không mới, có rất nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ như với Cảng hàng không Vân Đồn, việc bàn giao tháp không lưu năm xưa, đã mất đến hơn 3 năm chưa đến điểm chốt được.

Thứ tư, cần có những chính sách khuyến khích để các nhà đầu tư có những hợp đồng trọn gói, tạo sự đồng bộ, dễ đầu tư hơn, tránh việc xé lẻ.

Thứ năm, những thông tin về dự án đầu tư cần được cung cấp rộng rãi tới nhà đầu tư để họ dễ nghiên cứu.

Ở góc độ quản lý nhà nước, theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc các UBND tỉnh đề xuất về quy hoạch, đầu tư cảng hàng khôn là xu thế, tín hiệu rất tốt.

"Để đầu tư cảng hàng không, không phải chỉ là 1-2 năm là thu hồi vốn được, lãi ngay được. Nhưng tôi mừng là các nhà đầu tư đã thay đổi và quan tâm hơn đến cảng hàng không. Dù thời gian hòa vốn có thể rất dài nhưng vẫn dám mạnh dạn đầu tư. Đây là tín hiệu rất đáng mừng", ông Hảo nói và cho biết, tính đến nay, Cục Hàng không VN đã nhận được khoảng 10 kiến nghị, đề xuất của UBND các tỉnh về đề xuất xã hội hóa cảng hàng không, sân bay.

"Chúng tôi đã và đang tìm hiểu, làm việc trực tiếp với các địa phương để làm việc đánh giá, chuẩn bị báo cáo lên Thủ tướng về đề xuất xã hội hóa cảng hàng không, sân bay", ông Hảo cho biết.

Đề cập đến nhu cầu đầu tư cho hạ tầng cảng hàng không từ năm 2021 đến 2030 và cần thu hút nguồn vốn xã hội hóa bao nhiêu, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) thông tin, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2021-2030 mới chỉ tính cho 28 cảng hàng không được quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng và cần huy động thêm 128.000 tỷ.

"Hiện nay, nhiều địa phương đang muốn đề xuất quy hoạch cảng hàng không, sân bay chuyên dùng. Như vậy sẽ cần thêm nhiều nguồn lực nữa. Các hợp đồng BOT kéo dài không chỉ trong 10 năm mà có thể là 20 - 25 năm. Giai đoạn 2030 - 2040 vẫn phải tiếp tục huy động nguồn lực, mới đáp ứng được quy hoạch dự kiến", ông Dũng nói.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), Luật Hàng không 2006 đã khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức cá nhân tham gia đầu tư cảng hàng không. Từ năm 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng ngành hàng không chưa cao, hạ tầng chỉ chủ yếu do nhà nước đầu tư.

"Xã hội hoá đầu tư không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng mà cả vận tải. Từ năm 2010 đã hình thành doanh nghiệp tư nhân là Vietjet. Như vậy vận tải đi trước, sau đó là kết cấu hạ tầng. Giai đoạn ban đầu, hạ tầng tiếp nhận từ quân sự, với một phần đầu tư của nhà nước, vẫn đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng rất lớn đòi hỏi đầu tư kết cấu hạ tầng lớn. Khi nhà nước và doanh nghiệp nhà nước không đảm đương được thì ta phải huy động", ông Dũng nói.

Ngoài ra, trong hàng không, không chỉ có kết cấu hạ tầng mà còn công trình dịch vụ trong cảng như hàng ăn, suất ăn… Trước đây, các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, sau này là các công ty con của Vietnam Airlines, ACV đầu tư. Giai đoạn 2014 - 2015, ta cổ phần hoá và các đơn vị này trở thành doanh nghiệp tư nhân.

"Các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành hàng không đều có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, với kết cấu hạ tầng thì khó khăn hơn do đòi hỏi nguồn vốn lớn, thu hồi vốn chậm, do vậy các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu cần sự hỗ trợ của địa phương".

Ý kiến của bạn

Bình luận