Viễn cảnh nền kinh tế “uber hóa”

Doanh nghiệp 30/03/2016 16:29

Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề cập đến một danh từ có thể nhiều người chưa nghe đến “uber hóa”. “Uber hóa” nói về một nền kinh tế hay một cuộc cách mạng đem lại những thay đổi to lớn cho các hoạt động kinh tế của thế kỷ 21.

Vài năm trở lại đây, du khách có thể đi thuê nhà nghỉ mát trên mạng không cần đến các hệ thống khách sạn truyền thống nhờ trung tâm môi giới. Hoặc có thể ghi danh ở những đại học nổi tiếng nhất thế giới ở tận phương trời xa lạ nào mà không cần đặt chân đến trường. Nếu biết sử dụng thông thạo các ứng dụng điện thoại, người bệnh có thể nhờ bác sĩ chẩn đoán bệnh, kê toa thuốc, không cần phải tới phòng mạch hay bệnh viện... Đó là một cánh cửa Uber, tập đoàn tin học chuyên khai thác ứng dụng điện thoại trong ngành giao thông, đã mở ra.

Để làm việc với Uber, bất kỳ cá nhân nào, chỉ cần có chiếc xe và ứng dụng điện thoại di động để liên lạc với Uber và khách hàng, cũng có thể trở thành một tài xế taxi và đáp ứng nhu cầu của hành khách. Trong mô hình cộng tác này, Uber là nhịp cầu giữa những người có xe và sẵn sàng đón khách, với những ai cần dùng dịch vụ taxi. Do vậy khoản đầu tư “nặng” nhất tập đoàn công nghệ xuất xứ từ bang California của Hoa Kỳ này phải chi ra là ứng dụng điện thoại di động để 2 bên cung-cầu dễ dàng gặp nhau trên một thị trường. Chỉ là nhịp cầu giữa cung-cầu trên thị trường taxi nhưng trị giá chứng khoán của Uber hiện tại lên tới 50 tỷ USD, tương đương với Tập đoàn xe hơi General Motors (GM) của Hoa Kỳ. 2 tập đoàn này được sáng lập cách nhau gần đúng 1 thế kỷ, (2008 trong trường hợp của Uber, GM được khai sinh năm 1908).

Tương tự hoạt động của Uber, các trung gian môi giới cho thuê nhà cùng nhiều lĩnh vực khác đã kết nối dịch vụ đa nguồn. Các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn đều sớm nhận thấy: về phía cung có những người cần tìm được việc làm để có được nguồn thu nhập. Còn phía cầu, người tiêu dùng muốn tiết kiệm dùng internet để săn lùng hàng hay dịch vụ rẻ hơn. Hình thức làm việc cho Uber ở Hoa Kỳ gọi là freelance (tự do). Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, hình thức làm việc tự do như vậy ở Hoa Kỳ đang phát triển nhanh hơn so với mô hình cổ điển của thị trường lao động. Hiện tại đã có tới 1/3 người lao động đi làm dưới hình thức này và tỷ lệ đó sẽ tăng lên tới 40% trong 5 năm tới. Điều đó có nghĩa các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn đang làm thay đổi sâu rộng cục diện của thị trường lao động. Chẳng hạn như Uber, tuyển dụng rất ít nhân viên (3.000 trên 60 quốc gia) trong công việc quản lý và mở rộng các ứng dụng, tất cả những tài xế taxi đăng ký sử dụng ứng dụng của Uber là những “đối tác” chứ không phải là nhân viên Uber.

Viễn cảnh nền kinh tế “uber hóa”
 Tài xế taxi tại Pháp phản đối Uber.

Về câu hỏi các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn có tạo được công việc làm cho người dân trong tương lai hay là một mối đe dọa như trường hợp các tài xế taxi của Uber đang đè bẹp các tập đoàn taxi đã có từ lâu đời tại những thành phố lớn, Bruno Teboul, chuyên gia về các công nghệ mới, Giám đốc cơ quan tư vấn Keyrus, giảng dạy tại Đại học Paris-Dauphine, cho biết mô hình của giới làm công ăn lương và được chủ trả lương cố định hàng tháng có nguy cơ trở nên lỗi thời với mô hình đang được Uber và các dịch vụ kết nối đa nguồn áp đặt. Sự trỗi dậy của các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn còn làm thay đổi cả nền tảng cơ bản của dây chuyền sản xuất. Trước kia, để cung ứng một dịch vụ hay một mặt hàng, bên sản xuất cần có ít nhất 2 yếu tố: tư bản và lao động. Với mô hình kinh tế kiểu Uber, tất cả đều tập trung vào khả năng phát minh ra những phương tiện kỹ thuật mới. Từ ngành tài chính ngân hàng đến bảo hiểm… không cần quá nhiều vốn, không cần những cơ sở sản xuất hay văn phòng đồ sộ, cũng không cần quá nhiều nhân viên mà vẫn có mức doanh thu bạc tỷ và vẫn hái ra tiền.

Ý kiến của bạn

Bình luận