Vì sao chưa đầu tư nâng cấp, sửa chữa QL80 qua địa bàn TP.Cần Thơ?

Tác giả: Trường An

saosaosaosaosao
Đường bộ 20/03/2024 14:34

Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để nghiên cứu đầu tư nâng cấp, sửa chữa QL80B qua địa bàn TP.Cần Thơ khi nhu cầu vận tải trên tuyến tăng cao và đủ điều kiện về nguồn lực.

Vì sao chưa đầu tư nâng cấp, sửa chữa QL80 qua địa bàn TP.Cần Thơ?- Ảnh 1.

QL80 qua địa bàn thành phố Cần Thơ cần nâng cấp, sửa chữa (ảnh tư liệu)

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Cần Thơ gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cần Thơ do Ban Dân nguyện chuyến đến, nội dung kiến nghị như sau: "Đề nghị quan tâm sớm nâng cấp, sửa chữa tuyến QL80 qua địa bàn thành phố Cần Thơ, giúp nhân dân địa phương đi lại thuận tiện, an toàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển".

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, QL80 có điểm đầu tại QL1 (Mỹ Thuận, Vĩnh Long), điểm cuối tại Cửa khẩu Hà Tiên, Kiên Giang; chiều dài tuyến khoảng 216 km; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III, 2 - 4 làn xe.

Trả lời nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết, hiện trạng đoạn tuyến qua địa bàn thành phố Cần Thơ (khoảng 28 km) đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên và đầu tư sửa chữa QL80 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ (Km54+591 - Km82+690), thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì, tăng cường công tác tuần tra kiểm tra, kịp thời xử lý các hư hỏng phát sinh trên tuyến, đảm bảo mặt đường luôn êm thuận, thông suốt và an toàn cho người tham gia giao thông. 

Nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ năm 2024 đã được Bộ GTVT chấp thuận 42,721 tỷ đồng để sửa chữa nền, mặt đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trên QL80, thành phố Cần Thơ, hiện đang thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu và dự kiến triển khai trong quý II/2024.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng giãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT…

Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Bộ GTVT đã tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ tổng số khoảng 5.071 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hoàn chỉnh các thủ tục để phân cấp cho UBND thành phố Cần Thơ thực hiện dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 37,7 km; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỷ đồng.

Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư nâng cấp QL80 như đề nghị của cử tri thành phố Cần Thơ. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để nghiên cứu đầu tư khi nhu cầu vận tải trên tuyến tăng cao và đủ điều kiện về nguồn lực. Đồng thời, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, thực hiện bảo trì tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Hơn 5.000 tỷ đồng phân bổ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ, gồm:

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 3.477 tỷ đồng;

Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong (các dự án thành phần 1, 2, 3) khoảng 212 tỷ đồng;

Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khoảng 366 tỷ đồng;

Dự án tuyến nối QL91 và Tuyến tránh thành phố Long Xuyên khoảng 250 tỷ đồng;

Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) khoảng 326 tỷ đồng;

Dự án đầu tư nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khoảng 440 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận