Cận cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng đưa vào vận hành

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 23/04/2024 15:03

Sáng nay (23/4), đại diện liên danh nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System - ITS), trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến, đội ngũ quản lý vận hành đã được hoàn thiện đồng bộ cùng công trình, sẵn sàng phục vụ người dân từ 26/4/2024.

Theo đó, nhằm phát huy hiệu quả quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, nâng cao năng lực thông hành và đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến, liên danh nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã đầu tư hệ thống ITS đưa vào hoạt động đồng bộ ngay khi tuyến cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác.

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng đưa vào vận hành- Ảnh 1.

Đoàn công tác Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra trung tâm quản lý vận hành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo ngày 20/4/2024

Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,25 km là hầm cấp đặc biệt, giai đoạn 1 sử dụng 1 ống hầm lưu thông 2 chiều nên Trung tâm vận hành hầm đóng vai tròrất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, lưu thông thông suốt qua hầm.

Trung tâm vận hành hầmgồm tổ hợp giám sát - điều khiển bởi các hệ thống ITS, SCADA, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Các thiết bị của các hệ thống này được lắp đặt xuyên suốt trong hầm với chức năng thu thập các thông tin và phản ứng nhanh nhất có thể nhằm đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt.

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng đưa vào vận hành- Ảnh 2.

Điều khiển hệ thống thông gió trong hầm Núi Vung tại trung tâm TMS

Hệ thống ITS bao gồm: Camera giám sát (CCTV) và phát hiện sự cố, hệ thống thông tin vô tuyến UHF và loa phát thanh (PA, truyền dẫn số (DTS), bảng thông tin điện tử và đèn tín hiệu (VMS & SS), Trung tâm điều khiển hầm… là một bộ phận của công trình đường bộ cao tốc, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc nhằm tối ưu hóa hiệu suất khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiện lợi và thân thiện với môi trường và đặc biệt có ý nghĩa trong công tác xử lý các tình huống sự cố.

Hệ thống camera trên tuyến được trang bị 2 loại là camera giám sát (CCTV) và camera tích hợp hệ thống phát hiện phương tiện (VDS); Các loại camera này dùng công nghệ xử lý ảnh AI chuyên dụng tiên tiến bậc nhất ngoài ra còn được hỗ trợ bởi các thiết bị ngoại vi như hồng ngoại, radar…

Các camera PTZ có thể xoay 360 độ, đảm bảo quan sát toàn tuyến không có điểm mù; Camera VDS được tích hợp AI có các chức năng như phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện và cảnh báo sự cố như xe đi quá tốc độ, luồng xe tắc nghẽn, xe dừng, đi sai làn, ngược chiều, vật rơi trên đường…

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng đưa vào vận hành- Ảnh 3.

Bảng VMS trong hầm Núi Vung

Hình ảnh phương tiện lưu thông trên tuyến sẽ được thu thập thông qua camera lắp đặt dọc tuyến và được truyền theo thời gian thực về trung tâm điều hành thông minh, hỗ trợ quá trình giám sát, theo dõi, vận hành và ra quyết định khi có sự cố xảy ra.

Khi có sự cố xảy ra trên tuyến thì trung tâm vận hành sẽ lập tức tự động đưa ra cảnh báo tới nhân viên vận hành và trưởng ca. Nhân sự tại trung tâm sẽ kiểm tra, xác nhận đúng sự cố để từ đó đưa ra các kịch bản xử lý tình huống giao thông. Đối với những tình huống giao thông không thuận lợi thường gặp, thông tin cảnh báo sớm được đưa lên các bảng điện tử (VMS) cung cấp thông tin cho các phương tiện đang di chuyển. Nhờ vậy giúp các tài xế di chuyển an toàn hơn, giảm thiểu các thiệt hại cơ sở hạ tầng liên quan khác.

Hệ thống ITS liên động với hệ thống cơ điện (quạt jet, chiếu sáng, các sensor quan trắc…) đóng vai trò đặc biệt trong xử lý các sự cố nghiêm trọng như có sự cố cháy trong hầm.

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng đưa vào vận hành- Ảnh 4.

Cụm thiết bị ITS trên tuyến sử dụng năng lượng mặt trời

Ngoài ra, khi trang bị hệ thống ITS, dữ liệu thu thập được cũng có thể chuyển cho lực lượng chức năng làm bằng chứng xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tại cuộc họp kiểm tra công tác nghiệm thu cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 20/4/2024, các địa phương cũng đề nghị dự án phối hợp với C08 để tiến hành phạt nguội qua hệ thống ITS nhằm hạn chế các vi phạm, góp phần bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông qua tuyến.

Hiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang mới chỉ có trạm dừng chân Long Thành trên đoạn cao tốc Long Thành - Dầu Giây tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Còn lại hơn 328 km cao tốc của 3 đoạn kết nối Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hoà chưa có trạm dừng nghỉ.

Để kịp thời giải quyết các bất cập và nhu cầu cấp thiết, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động xây dựng trạm dừng nghỉ tạmtại Km113 (xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) phục vụ miễn phí cho người dân trong khi chờ đầu tư trạm dừng chính thức. Toàn bộ chi phí xây dựng do nhà đầu tư bỏ ra.

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng đưa vào vận hành- Ảnh 5.

Trạm dừng nghỉ tạm đang được nhà đầu tư xây dựng

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Cục Đường bộ Việt Nam thoả thuận giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao Thông Đèo Cả (HHV) quản lý vận hành, bảo trì, đảm bảo việc vận hành khai thác an toàn, thông suốt. HHV là đơn vị có kinh nghiệm quản lý vận hành nhiều công trình như chuỗi hầm Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông, hầm Mũi Trâu, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn…

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng đưa vào vận hành- Ảnh 6.

Tập huấn cho đội ngũ quản lý vận hành

Đơn vị Quản lý vận hành cũng đã tuyển dụng và đào tạo, huấn luyện nhân sự sẵn sàng cho công tác quản lý vận hành. Các phương tiện chuyên dụng, thiết bị cứu hộ, PCCC cũng đã được tập kết tại trung tâm vận hành.

Đại diện nhà đầu tư cho biết, để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ và chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng Miền Nam (30/4) và ngày Quốc tế Lao động (01/5), doanh nghiệp dự án đã báo cáo Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch tổ chức khánh thành, đưa dự án vào khai thác, sử dụng miễn phí từ ngày 26/4/2024 đến hết ngày 01/5/2024.

Các loại phương tiện không được tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo bao gồm xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 60km/h, máy kéo, xe mô tô, xe gắn máy,…; đối với các loại xe siêu trường, siêu trọng được cơ quan quản lý cấp giấy phép lưu thông nếu không làm ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường hoặc gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường thì đơn vị quản lý vận hành sẽ xem xét chấp thuận để xe được lưu thông vào đường cao tốc.

Trước đó, ngày 20/4/2024, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo để đưa vào khai thác, sử dụng.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194. Trên tuyến có 4 trạm thu phí gồm Cam Thịnh, Du Long, Phan Rang và nút giao Vĩnh Hảo.