Trường Đại học Xây dựng: chiến lược đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 17/01/2020 10:35

Trường Đại học Xây dựng được thành lập theo Quyết định số 144/CP ngày 08/8/1966 của Hội đồng Chính phủ với tiền thân là Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, Trường phải rời đi sơ tán nhiều nơi tại các tỉnh Hà Bắc, Vĩnh Phú… Đến năm 1983, Trường mới chính thức chuyển về Thủ đô Hà Nội. Trải qua 64 năm đào tạo, 54 năm thành lập, Trường Đại học Xây dựng đã phát triển và lớn mạnh không ngừng để trở thành một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học đầu ngành, một trung tâm nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN) tiến bộ khoa học - công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng.

 

1

Sứ mệnh của Trường Đại học Xây dựng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, NCKH và CGCN tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, Nhà trường xác định đội ngũ giảng viên có vị trí then chốt. Đến nay, Nhà trường tập hợp được đội ngũ đông đảo cán bộ có năng lực, đội ngũ giảng viên đa ngành có trình độ cao, giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Đến nay, Trường Đại học Xây dựng đã cung cấp cho đất nước trên 60.000 kỹ sư, kiến trúc sư; trên 4.500 thạc sỹ, 170 tiến sỹ thuộc nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực xây dựng. Đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng đã và đang có mặt trên mọi miền đất nước, từ các công trường xây dựng đến các nhà máy, xí nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài lĩnh vực đào tạo, Trường Đại học Xây dựng còn là một trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, có nhiều đóng góp quan trọng cho thực tiễn sản xuất.

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình là “đáp ứng tốt nhất yêu cầu ngày càng cao của xã hội về đào tạo, NCKH và CGCN tiên tiến, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ gìn an ninh quốc phòng và phát triển toàn diện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, tập thể CB, VC của Trường Đại học Xây dựng luôn nỗ lực hết mình với mục tiêu xây dựng thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, một môi trường đại học hiện đại, sáng tạo và phát triển.

Đến với Trường Đại học Xây dựng là đến với một cộng đồng nhân văn, đề cao giá trị hợp tác và chia sẻ. Nhà trường luôn cố gắng tạo ra những tiền đề tốt đẹp nhất và sẵn sàng chào đón học viên và sinh viên đến học tập, nghiên cứu, giảng dạy, làm việc tại trường, cùng xây đắp một tương lai tốt đẹp.

Trường Đại học Xây dựng phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đến nay, Nhà trường đã xây dựng các chương trình ở bậc đại học (cấp bằng Kỹ sư, Kiến trúc sư) hệ chính quy gồm 39 ngành/chuyên ngành; thời gian đào tạo 4,5 năm với các ngành/chuyên ngành đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (trừ ngành Kiến trúc; ngành Quy hoạch vùng và Đô thị; chuyên ngành Quy hoạch - Kiến trúc); thời gian đào tạo 5 năm với các ngành/chuyên ngành còn lại. Với bậc sau đại học: đào tạo thạc sỹ gồm 17 chuyên ngành; đào tạo tiến sỹ gồm 19 chuyên ngành. Bên cạnh đó, Trường còn tổ chức các chương trình, đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo ngắn hạn (cấp chứng chỉ) nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức với các chuyên đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như: Giám sát thi công xây dựng công trình, Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Đấu thầu xây dựng, Bất động sản, các lớp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho kỹ sư mới ra trường…

Thời gian qua, Trường Đại học Xây dựng đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài NCKH mang tính thực tiễn, nhiều công nghệ đã được chuyển giao. Nhà trường có đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực xây dựng, có lực lượng các nhà khoa học đông đảo trên nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm thực tiễn và tâm huyết với sự nghiệp khoa học, từ đó đã lập ra các nhóm NCKH liên ngành có thể giải quyết được các vấn đề thực tiễn cấp bách đặt ra của các bộ, ngành, địa phương và của đất nước. 

Để góp phần thúc đẩy, nâng cao tính hiệu quả và tự chủ của hoạt động KHCN, thời gian tới Nhà trường tiếp tục nâng cao công tác phát triển nhân lực KHCN nhằm đảm bảo sự phát triển một cách bền vững, có tính kế thừa, đồng thời hình thành thêm các nhóm NCKH đa ngành, phát huy ưu thế của Trường về đào tạo đa ngành trong lĩnh vực xây dựng; tìm kiếm các khả năng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm và thư viện KH&CN bằng các nguồn kinh phí Nhà nước và kinh phí của Nhà trường; nâng cao vai trò tự chủ của các khoa trong việc tổ chức triển khai các hoạt động KH&CN; tăng cường quan hệ với các đối tác trong nước và quốc tế; hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động của mô hình “vườn ươm công nghệ” để có thể chuyển giao các kết quả NCKH nhanh chóng vào thực tiễn. Hàng năm, đội ngũ giảng viên của Nhà trường công bố hàng trăm bài báo quốc tế để khẳng định hướng đi chiến lược đào tạo gắn NCKH và CGCN tiên tiến, đóng góp quan trọng cho thực tiễn sản xuất

Ý kiến của bạn

Bình luận