Trong mỗi con đường đều có lòng dân

Tác giả: Duy Hưng

saosaosaosaosao
Xã hội 28/02/2018 16:01

Trong thời chiến, để kịp làm đường, làm cầu cho xe bộ đội đi qua, nhiều người dân ở dọc chiều dài đất nước đã sẵn sàng tháo dỡ nhà cửa, với phương châm “xe chưa qua nhà chẳng tiếc”. Những năm qua, câu chuyện đẹp về lòng dân này được nhiều hộ dân ở tỉnh Nam Định “viết lại” khi sẵn sàng hiến đất thổ canh, thổ cư, chung sức cùng Nhà nước làm nên những con đường to đẹp, cũng là những con đường dẫn đến tương lai ấm no, thịnh vượng...

1-3

Tỉnh lộ 488B - một trong nhiều dự án giao thông ở tỉnh Nam Định được người dân hiến đất phục vụ mở rộng, nâng cấp

Đi trên con đường Dây Nhất (dài 10km, qua địa bàn các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình của huyện Nghĩa Hưng) hiện đại ngày nay, ít người biết để có công trình giao thông đã và đang làm thay đổi mọi mặt đời sống miền ven biển Nghĩa Hưng này, nhiều hộ dân ở đây đã tự nguyện hiến, góp rất nhiều đất cho công trình...

 Ông Trần Đức Hiệt - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nghĩa Lạc nhớ lại: “Khi biết dự án mở rộng, nâng cấp đường được triển khai, ngoài niềm vui có đường mới, nhiều hộ ở hai bên đường còn hy vọng sẽ được nhận một khoản đền bù. Tuy nhiên, khi biết dự án không có kinh phí đền bù mà kêu gọi người dân hiến, góp đất, bà con cũng hơi “tưng hửng”, thậm chí nhiều người còn không đồng tình”. Theo ông Hiệt, điều này cũng thật dễ hiểu bởi thời buổi “tấc đất, tấc vàng”.

“Khi đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp ở địa phương đã kiên trì tuyên truyền, phổ biến phương châm, cơ chế thực hiện dự án tới người dân, nhiều cuộc họp cũng đã được tổ chức. Cũng may, khi được thông tin đầy đủ, dần dần ai cũng nhận thấy tuy không được nhận tiền đền bù nhưng khi đường được mở rộng, nâng cấp sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mở ra cho người dân địa phương nhiều cơ hội, hướng làm ăn mới. Từ chỗ phản đối hoặc “do dự”, 70 hộ dân trong xã phải giải tỏa mặt bằng đã đồng thuận hiến gần 1.500 m2 đất”, ông Hiệt chia sẻ.

 Trong không khí xuân mới đang về, gợi nhớ câu chuyện người dân hiến, góp đất làm đường Dây Nhất, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định phấn khởi cho biết đó chỉ là một trong rất nhiều dự án giao thông của tỉnh được thực hiện thành công, tiết kiệm rất nhiều chi phí nhờ được người dân ủng hộ bằng việc hiến, góp đất. Ông chia sẻ: “Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương, mục tiêu có tính chiến lược, là khát khao không chỉ của riêng tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, mong muốn là như vậy nhưng làm thế nào để có nguồn lực hiện thực hóa mục tiêu cần thiết nhưng tốn kém này là bài toán rất khó giải với hầu hết các địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định, nhất là trong điều kiện ngân sách hạn hẹp”.

1-2

Cơ chế “Nhân dân góp đất, Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường” đã và đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo, khả năng kết nối của hệ thống đường giao thông tỉnh Nam Định

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trên thực tế vì không có kinh phí, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm chưa thể triển khai hoặc bị dang dở. Trong bối cảnh đó, tỉnh chủ trương phát triển hạ tầng giao thông theo phương châm xây dựng “nông thôn mới”, cụ thể là nhân dân góp đất, Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường. “Chúng tôi rất mừng vì qua tuyên truyền, vận động chủ trương, cách làm này của tỉnh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân ở các địa phương trong tỉnh. Có thể nói đây là yêu tố quyết định, không có sự ủng hộ này của người dân, chắc hẳn bộ mặt giao thông của Nam Định không được như hôm nay”, ông Hùng nhìn nhận.

Để minh chứng, không cần sổ sách, ông Hùng thông tin: Ở dự án cải tạo QL37B có gần 5.300 hộ dân ở 30 xã, thị trấn thuộc 6 huyện của tỉnh hiến, góp tổng cộng 258.000m2, giúp dự án giảm chi phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Tương tự, ở dự án cải tạo, nâng cấp QL38B, 1.600 hộ dân ở 16 xã, phường, thị trấn của TP. Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình. Còn ở dự án nâng cấp Tỉnh lộ 488C (đường phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn) có 2.177 hộ dân đã tự nguyện góp, hiến 70.000m2 đất, tháo dỡ 1.350m2 vật kiến trúc, lều lán, công trình cùng cây cối, hoa màu. Tương tự, ở dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 488 (nối từ QL21 đến QL37B), rồi dự án Tỉnh lộ 488C (dài 21km, qua địa bàn các huyện Nam Trực, Trực Ninh, dài 21km)... cũng được thực hiện theo phương châm, cơ chế “nông thôn mới”, nghĩa là các hộ dân thuộc diện giải tỏa đều tự nguyện hiến, góp đất, tháo dỡ công trình, không nhận đền bù.

Không chỉ có hiến, góp đất chung sức cùng Nhà nước làm những tuyến đường huyết mạch như tỉnh lộ, quốc lộ, huyện lộ mà theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Nam Định, trước đó, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân ở khắp các thôn xóm trong tỉnh đã hiến, góp cho làng, cho xã, cho xứ đạo đến gần 3.200 ha đất (2.916 ha đất nông nghiệp; 242 ha đất thổ cư) cùng nhiều ngày công để phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương, nhiều nhất là cho việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông thôn xóm. Có những hộ như gia đình ông Vũ Ngọc Lân ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu hiến đến 200m2 đất thổ cư phục vụ việc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch nông thôn mới của xã...

“Dựa vào sức dân, từ năm 2011 đến năm 2015, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo, làm mới được 5.456km đường giao thông nông thôn. Trong đó, theo tính toán của chúng tôi, đóng góp của nhân dân qua việc hiến đất, góp ngày công nếu quy ra tiền lên tới trên 6.000 tỷ đồng. Đến nay, 100% số xã, thị trấn trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, xóm của tỉnh được bê tông hóa, nhựa hóa đã đạt tới trên 80%. Có thể nói trong mỗi con đường ở Nam Định hôm nay đều có lòng dân trong đó”, ông tâm đắc

Ý kiến của bạn

Bình luận