Trợ giá hàng nghìn tỷ đồng, người dân vẫn hờ hững với xe buýt

Những năm gần đây, mỗi năm TPHCM chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, lượng hành khách đi xe buýt lại liên tục giảm mạnh.

Việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá cho hoạt động của hệ thống xe buýt nhưng lượng khách đi xe buýt lại có chiều hướng giảm đặt ra yêu cầu thành phố phải có giải pháp nâng cao chất lượng và cải thiện hình ảnh xe buýt, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.

Trợ giá hàng nghìn tỷ đồng, người dân
Việc trợ giá xe buýt cần phải thực sự vì người dân. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Tính toán lại mức trợ giá

Tại hội thảo “Đánh giá hiệu quả trợ giá xe buýt và các giải pháp thực hiện chỉ tiêu khối lượng vận chuyển của xe buýt đến năm 2020” do Sở Giao thông vận tải TPHCM tổ chức ngày 8/4, GS.TS. Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, trong thời gian qua trợ giá xe buýt không chỉ cho hành khách mà còn cho cả doanh nghiệp để bù đắp chi phí cao. Cụ thể, chi phí trợ cấp cho hành khách khách không tăng, nhưng tổng trợ cấp cho doanh nghiệp đã tăng cao 18,5 lần qua 10 năm (2002 – 2012).

Mặt khác, do quy trình trợ cấp qua nhiều trung gian nên đã tăng chi phí và thất thoát. Nếu vẫn trợ cấp cho doanh nghiệp để bù chi phí cao sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí mà còn gây ra sự cạnh trạnh không công bằng.  

“Điều quan trọng đối với việc trợ cấp xe buýt là phải căn cứ kết quả đầu ra chứ không phải dựa vào chi phí đầu vào như đang thực hiện, việc trợ cấp phải dành cho hành khách chứ không phải cho doanh nghiệp. Cách tính trợ cấp xe buýt như hiện nay theo công thức: Kinh phí trợ giá bằng tổng chi phí chuyến xe trừ đi doanh thu đặt hàng hoặc đấu thầu là chưa hợp lý do không làm rõ giá vé thị trường. Vì thế, để tính toán chính xác mức trợ giá cần thiết phải xác định được giá thị trường vé xe, số liệu hành khách đi lại đồng thời đảm bảo việc trợ giá phải đúng tuyến, không trợ cấp tràn lan”, GS. TS. Nguyễn Thị Cành chia sẻ thêm.

Lý giải nguyên nhân lượng hành khách đi lại giảm mạnh, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho rằng, do xe buýt xuống cấp, thời gian hành trình tăng, thiếu các điểm trung chuyển, mạng lưới trùng lắp, bến bãi, hạ tầng phục vụ xe buýt yếu kém, thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên thiếu hòa nhã, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu… Tại một số hợp tác xã, đã xảy ra tình trạng xé khống vé do sợ bị phạt không đạt sản lượng được giao gây bức xúc trong dư luận.

Đổi mới mô hình quản lý

Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, thành phố cần phân loại từng đối tượng trợ giá xe buýt, làm rõ mức vé hòa vốn là bao nhiêu để làm cơ sở đấu thầu giá; đồng thời phải tạo lòng lề đường thông thoáng cho người đi bộ đến các trạm xe buýt. Có như vậy mới thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt. Mặt khác thành phố cũng cần đổi mới mô hình quản lý vận tải hành khách công cộng, thay vì để quá nhiều đơn vị tham gia dẫn tới tình trạng “mạnh ai người ấy làm”, cần tập trung một mối để dễ quản lý, kiểm soát.

Về giải pháp thu hút hành khách đi xe buýt, theo quan điểm của GS. TS. Nguyễn Thị Cành, cần đảm bảo việc đi xe buýt nhanh hơn, an toàn hơn, dịch vụ tốt hơn đồng thời tổ chức thu phí cao đối với các loại xe cá nhân, cấm xe máy ở một số đường khu trung tâm thành phố. Chính quyền cần cho các đơn vị vận tải hành khách công cộng được quyền làm dịch vụ quảng cáo để thu phí quảng cáo, tăng doanh thu hoạt động cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tuyến xe buýt (đường đi, trạm chờ, lịch trình giờ đến, đi…).

Theo Trung tâm Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, chương trình “Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông” của thành phố phấn đấu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đảm nhận 15% nhu cầu đi lại của người dân (tương đương khối lượng vận chuyển đạt 1.035 triệu lượt hành khách trong năm 2020).

Để triển khai chương trình này, Trung tâm sẽ thực hiện nhiều nhóm giải pháp như cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua việc sắp xếp lại các đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, làm vé điện tử thông minh; thay 500 xe mới trên 28 tuyến có trợ giá trong năm 2016 và thay 1.000 xe trong năm 2017.

Về giải pháp hạ tầng, đơn vị này sẽ rà soát lại quỹ đất giao thông tĩnh, đưa vào hoạt động bến xe buýt Tân Phú, cầu Lớn, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, ga Hòa Hưng, quận 4… Triển khai một số tuyến đường có làn ưu tiên cho xe buýt, điều chỉnh lộ trình 13 tuyến xe buýt có trợ giá trong năm 2016; mở thêm các tuyến xe buýt mới, kết hợp loại hình vận tải hành khách công cộng với du lịch...

Đến năm 2018, khi tuyến metro số 1 và xe buýt nhanh BRT số 1 hoàn thành, Trung tâm sẽ tổ chức lại các tuyến xe buýt theo hướng thu gom kết nối hành khách.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, năm 2002, thành phố tổ chức 8 tuyến xe buýt có trợ giá và đầu tư 1.318 xe buýt mới với sự tham gia của 32 doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 12 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 1 doanh nghiệp nhà nước, 1 công ty TNHH, 1 công ty liên doanh và 9 hợp tác xã.

Hiện khối lượng vận chuyển đang giảm mạnh, từ 413,14 triệu lượt hành khách trong năm 2013 xuống còn 334,5 triệu lượt trong năm 2015.   

Năm 2002 thành phố có 97 tuyến (45 tuyến trợ giá và 52 tuyến không trợ giá), đến cuối năm 2015 có 136 tuyến (105 tuyến trợ giá và 31 tuyến không trợ giá) với 2.786 xe.

Ý kiến của bạn

Bình luận