TP.HCM: Cần trợ giá trực tiếp cho người đi xe buýt

Ý kiến phản biện 09/04/2016 14:25

TPHCM cần thay đổi công thức trợ giá xe buýt cho phù hợp, trợ giá trực tiếp cho người đi xe buýt, chứ không thể trợ giá tràn lan thông qua đơn vị vận tải như hiện nay. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội nghị “Sơ kết hoạt động vận tải hành khách công cộng và trợ giá xe buýt trên địa bàn TPHCM” tổ chức ngày 8.4.

 

TP.HCM- Cần trợ giá trực tiếp cho ngườ
TPHCM cần thay đổi công thức trợ giá xe buýt cho phù hợp Ảnh: MINH QUÂN

Trợ cấp tăng nhưng hành khách giảm

Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành (Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM), loại trừ yếu tố trượt giá (lạm phát), chi phí trợ cấp cho hành khách (HK) không tăng, nhưng tổng trợ cấp cho doanh nghiệp (DN) tăng cao (18,5 lần qua 10 năm). GS-TS Nguyễn Thị Cành dẫn chứng, số lượng HK tăng từ năm 2002-2012 là 11,42 lần (413,14 triệu lượt vào năm 2012 so với 36,18 triệu lượt năm 2002), nhưng lượng HK giảm từ năm 2013 đến nay. Trợ giá lại tăng 32,93 lần (39,18 tỉ đồng năm 2002 lên 1.290,21 tỉ đồng ở năm 2012). Trợ giá bình quân cho một HK tăng gần 2 lần, từ 2.124 đồng/HK năm 2002 lên 4.224 đồng/HK năm 2012 (không tăng khi loại trượt giá).

Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, nếu vẫn trợ cấp cho doanh nghiệp để bù chi phí cao sẽ không khuyến khích các DN vận tải tiết kiệm chi phí, thiếu công bằng cho các doanh nghiệp vận tải xe buýt không được nhận trợ cấp. Vì vậy, trợ cấp phải mang lại hiệu quả lợi ích xã hội lớn hơn chi phí xã hội. Quan điểm ở đây là trợ cấp phải căn cứ vào kết quả đầu ra, chứ không phải dựa vào chi phí đầu vào như hiện nay. “Biện pháp trước mắt tăng cường giám sát, đánh giá lại nhu cầu HK theo tuyến để trợ cấp theo tuyến cần trợ cấp, không trợ cấp tràn lan. Thống kê lại các đối tượng được trợ cấp, loại trợ cấp, các tuyến có nhiều đối tượng trợ cấp. Trên cơ sở đó xác định số tuyến và số lượng HK theo đối tượng và mức trợ cấp (% trợ cấp so với giá thị trường)” - GS-TS Nguyễn Thị Cành đề xuất.

Còn theo TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), vấn đề đặt ra cần giải quyết 2 mâu thuẫn xảy ra: Về phía “cung”, trợ giá làm thế nào để đơn vị cung ứng không “ỷ lại” về khoản trợ giá, liên quan đến cải tiến chất lượng dịch vụ, để thu hút càng nhiều khách hơn, dù nhận trợ giá. Còn về phía cầu, cần có chính sách giảm bớt hoặc kiểm soát hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, hỗ trợ tăng tính co dãn của đường cầu (tác động tăng sản lượng khi trợ giá).

TS Dư Phước Tân đề xuất nên tiếp tục xem xét cách tính trợ giá theo sản lượng (như giai đoạn thí điểm 2004-2005) và giải quyết những bất cập phát sinh. Ngoài ra, cần tham khảo kinh nghiệm xã hội hóa nguồn trợ giá cho xe buýt.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hằng (Trường Đại học GTVT cơ sở 2) cho rằng, phương pháp tính trợ giá hiện nay chưa phù hợp. Cách tính trợ giá theo chuyến xe khiến cho trợ giá chưa là động lực để tăng sản lượng hành khách vì không thiết lập được mối liên hệ trực tiếp giữa trợ giá và sản lượng hành khách. Đối với doanh nghiệp, sản lượng hành khách vận chuyển thực tế chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của DN mà không ảnh hưởng đến số tiền trợ giá mà DN nhận được. Vì vậy, sản lượng hành khách không là động lực để DN nâng cao chất lượng, thu hút hành khách để tăng sản lượng vận chuyển. Còn hành khách sẽ so sánh chi phí của chuyến đi bằng xe máy với chi phí chuyến đi bằng xe buýt, chất lượng chuyến đi bằng xe máy với chất lượng chuyến đi bằng xe buýt để lựa chọn. Trợ giá hiện nay chưa tác động được vào hai vấn đề này thì chưa thể khuyến khích hành khách đi xe buýt được.

Sử dụng vé xe buýt thông minh

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (Bộ GTVT) - đề nghị phải xem xét giảm sự lãng phí trong trợ giá như hiện nay. Theo ông Hùng, phải tìm cách nào mà mỗi kilomet chở thêm hành khách nhưng trợ giá không tăng bao nhiêu. Bản chất của trợ giá là nhà nước cung cấp tiền, tự mua theo giá bán của DN rồi bán sản phẩm vận tải lại cho hành khách. Theo ông Hùng, để nâng cao hiệu quả, đảm bảo minh bạch, công bằng trong trợ giá thì phải xác định đối tượng được trợ giá là ai? Đó là những người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, học sinh, sinh viên, người nghèo, công nhân. Cũng theo ông Hùng, bằng mọi giá vỉa hè phải đi bộ được. Không đi bộ được thì không có thị trường cho xe buýt. Trạm dừng xe buýt phải được ưu tiên sử dụng diện tích trên vỉa hè, không được lấn chiếm, phải bảo vệ cơ sở hạ tầng cho xe buýt.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP - nên trợ giá trực tiếp cho người đi xe buýt thay vì trợ giá xe buýt thông qua doanh nghiệp như hiện nay. Điều này hoàn toàn có thể làm được khi dùng thẻ thông minh, các đối tượng nào được trợ giá, khi lên xe chỉ cần quét qua máy quét, như vậy thì sẽ thống kê chính xác và dựa vào đó để trợ giá trực tiếp. Ngoài ra, nếu hệ thống xe buýt hiện nay sạch, đẹp thì hành khách đi xe sẽ tăng lên. Vì vậy, cần sớm đề xuất lên UBND TP phương pháp hỗ trợ DN đầu tư xe mới.

Ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở GTVT TP - thừa nhận, công thức trợ giá xe buýt không còn phù hợp với thực tế hiện nay, tới năm 2017 cách thức tính trợ giá sẽ thay đổi. Công thức mới này phải lấy hành khách làm trung tâm. Theo ông Cường, thời gian tới sẽ đẩy mạnh đổi mới mô hình quản trị ở các đơn vị vận tải xe buýt, quy hoạch quản lý giao thông vận tải hành khách công cộng đấu thầu phân luồng, trợ giá, ứng dụng công nghệ thông tin…

Ý kiến của bạn

Bình luận