Trị hằn lún vệt bánh xe: Đúng về giải pháp,nghiêm trong tổ chức thực hiện

An toàn giao thông 27/06/2016 06:15

Thời gian qua, tại một số đoạn tuyến trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên... đã xuất hiện hằn lún vệt bánh xe (HLVBX). Từ năm 2014 đến 2016, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu triển khai hàng loạt giải pháp tích cực nhằm khắc phục và đẩy lùi tình trạng HLVBX.

cao boc tai che
Đưa công nghệ mới vào "trị" HLVBX

TRỊ DỨT ĐIỂM HLVBX

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GTVT, các cơ quan đã rà soát, phân tích các tiêu chuẩn kết cấu mặt đường mềm hiện hành, phân tích những ưu điểm, tồn tại của 02 tiêu chuẩn 22TCN211:06 (theo Nga) và 22TCN274:01 (theo AASHTO), từ đó đề xuất hướng sửa đổi bổ sung. Các cơ quan, đơn vị cũng đã tiến hành nghiên cứu, rà soát hệ thống tiêu chuẩn thí nghiệm đầu vào, thí nghiệm kiểm định chất lượng, điều chỉnh các tiêu chuẩn thí nghiệm phù hợp với việc đảm bảo yêu cầu chất lượng, tăng khả năng chống HLVBX trên mặt đường bê tông nhựa; nghiên cứu các giải pháp thiết kế kết cấu móng, mặt đường, loại vật liệu (bao gồm cả vật liệu mới) phù hợp với với đặc điểm khí hậu, nhiệt độ địa chất, thủy văn, khả năng cung cấp vật liệu... của từng vùng miền và các tuyến đường đi qua.

Nghiên cứu ảnh hưởng của áp lực bánh xe tác động lên mặt đường, đến tuổi thọ và quá trình khai thác kết cấu mặt đường; nghiên cứu đề xuất các nội dung liên quan đến quan điểm, lộ trình việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn phân loại đến nhựa đường theo PG, các tiêu chuẩn đến thí nghiệm liên quan và thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa theo phương pháp Superpave; nghiên cứu sử dụng các loại nhựa có tính năng cao, sử dụng phụ gia nhằm cải thiện tính năng của nhựa và của các lớp bê tông nhựa; sử dụng nhựa polymer, sử dụng nhựa đường 40/50, phụ gia Wetfix BE, phụ gia TPP (công nghệ Nhật Bản), phụ gia PR - plast (công nghệ Pháp), phụ gia SBS (công nghệ Đài Loan)...

Theo ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì (Tổng cục ĐBVN), hiện nay tình trạng HLVBX xảy ra tại các tỉnh miền Trung. Ví dụ, tuyến BOT QL1 Nam cầu Bến Thủy hiện đã được Cienco 4 tiến hành sửa chữa bằng công nghệ cào bóc tái chế. Tuyến BOT QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát, đoạn Kỳ Anh - Hà Tĩnh cũng được Cục QLĐB II đôn đốc liên danh BOT kịp thời sửa chữa...

Các tuyến phía Nam như QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai sau khi Tổng cục có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án BOT ngừng thu phí để tiến hành sửa chữa thì sau 5 ngày đơn vị đã khắc phục xong và được Bộ GTVT đồng ý cho thu phí trở lại. Một số tuyến như mặt cầu Đồng Nai mới, QL51, các chủ đầu tư cơ bản đã khắc phục xong, riêng mặt đường cầu Đồng Nai mới sẽ khắc phục xong vào ngày 30/6 tới đây.

“Tổng cục ĐBVN đang tích cực theo dõi và giải quyết hằn lún theo chỉ đạo của Bộ GTVT, kể cả các đoạn sửa chữa định kỳ. Đối với tuyến thuộc các ban QLDA làm chủ đầu tư đang trong thời gian bảo hành, nếu hiện tượng hằn lún vượt quá 2,5cm, Tổng cục sẽ đề nghị ban QLDA yêu cầu nhà thầu sửa chữa theo bảo hành. Các dự án BOT dù đang khai thác hoặc hết thời hạn bảo hành nếu xảy ra hằn lún chúng tôi sẽ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện quản lý bảo trì thường xuyên, nếu không thực hiện sẽ buộc dừng thu phí”, ông Điệp nhấn mạnh.

THỰC HIỆN ĐÚNG CHỈ ĐẠO CỦA BỘ GTVT VÀ TĂNG CƯỜNG KHÂU GIÁM SÁT

Đánh giá việc thực hiện các giải pháp khắc phục HLVBX, PGS. TS. Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ nhận xét, Bộ GTVT đã đưa ra rất nhiều giải pháp, công nghệ để giải quyết HLVBX. Các giải pháp này đều đã được Bộ nghiên cứu, thí nghiệm, thí điểm và cho kết quả rất tốt. Vấn đề là các đơn vị thi công, nhà thầu phải thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ; phải hoàn thành đúng các khâu: Đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp, lựa chọn giải pháp và đặc biệt là phải đầu tư sửa chữa kịp thời thì mới mong giải quyết được vấn đề. Song, do phải trải qua nhiều khâu như vậy nên một số giai đoạn có thể chưa đảm bảo kỹ thuật, dẫn đến chất lượng mặt đường không tốt.

“Đơn cử như trường hợp của Cienco 4, trước kia không nghiên cứu kỹ chỉ đạo của Bộ nên đơn vị đã bỏ ra 100 tỷ đồng để sửa nhưng đường vẫn hỏng. Nguyên nhân là do Cienco 4 dùng đá mạt Hoàng Mai thay cho cát với tỷ lệ quá lớn. Khi Bộ chỉ đạo thay hạt cát xay vào thì sửa đâu được đó, mà như anh em nói là đã tìm được “đúng thuốc”. Hoặc như trường hợp sửa đường 5 của Tập đoàn Sơn Hải, trước đây với mật độ xe cực lớn lại toàn là container hạng nặng, đường 5 cứ sửa được 1 tháng là hỏng, tổng cộng đã phải sửa 5 lần. Nhưng khi được Bộ GTVT chỉ đạo đưa công nghệ rải 2 lớp, tái chế mỏng lớp dưới thì đến nay sau 8 tháng, đường vẫn chưa thấy hiện tượng hằn lún. Rõ ràng là nguyên nhân gây ra hằn lún không những nằm ở giải pháp mà còn nằm ở khâu tổ chức thực hiện chỉ đạo của Bộ”, PGS. TS. Hoàng Hà nhấn mạnh.

Đánh giá về các giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra trong việc “trị” HLVBX, TS. Nguyễn Quang Phúc - Phó Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học GTVT cho rằng, gần đây chất lượng thi công các công trình giao thông đã tốt hơn, tỉ lệ hằn lún giảm so với năm trước. Tuy nhiên, hiện tượng hằn lún vẫn còn tồn tại trên một số tuyến đường chưa kiểm soát hoàn toàn được xe quá tải. Đây là hệ quả tất yếu của việc sử dụng nhựa đường 60/70 cho mọi vùng miền, mọi cấp đường.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã cho nghiên cứu các loại nhựa đường mới như: Nhựa đường 40/50, nhựa đường polymer... Những công trình sử dụng các loại nhựa mới này đều cho kết quả tốt. Hiện tượng hằn lún chủ yếu chỉ còn tồn tại ở những công trình cũ, trước đây thi công không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không tuân thủ đúng chỉ đạo của Bộ GTVT. Ví dụ, về cốt liệu, trước đây, khu vực miền Trung đường dính bám không tốt. Dù đơn vị thi công nói có dùng phụ gia bám dính nhưng khi kiểm tra lại thấy khâu thực hiện không đúng hoàn toàn chủ trương của lãnh đạo Bộ, vì một số lý do khác nhau dẫn đến chất lượng mặt đường không tốt.

Về vật liệu, bê tông nhựa chủ yếu là đá, cát, bột khoáng và nhựa đường nhưng gần đây Bộ đã không cho phép dùng bột khoáng nữa mà cấp phối theo Quyết định 858. Các đơn vị hiện tại hầu hết đều sử dụng cấp phối theo Quyết định 858, bước đầu cho kết quả tương đối tốt. Mặt đường polymer theo tiêu chuẩn cấp phối 356 khó thiết kế hơn so với 858 nên các đơn vị mong muốn Bộ vẫn cho phép sử dụng quy trình bê tông nhựa cấp phối theo Quyết định 858.

Để nâng cao chất lượng mặt đường, TS. Phúc đưa ra khuyến cáo cần kiểm soát chặt chẽ mọi khâu thi công vì chỉ cần sơ suất một khâu là sẽ gây ra hậu quả lớn. Về lâu dài, cần nghiên cứu lựa chọn nhựa cho từng loại đường, từng điều kiện địa hình, khí hậu.

Anh cho vao box

 Để khắc phục tình trạng HLVBX trên một số tuyến do Cienco 4 và các liên danh tham gia, Cienco 4 đã chủ động mua sắm thiết bị theo công nghệ cào bóc tái chế để xử lý ngay những điểm mới phát sinh về hằn lún. Ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết: “Cienco 4 đã phối hợi với Trường Đại học GTVT nghiên cứu trên cơ sở quy chuẩn của Bộ, đồng thời tăng lượng xi măng và polymer nhằm tăng cường độ cứng trên một số đoạn tuyến. Qua thử nghiệm từ tháng 10/2015 đến nay, các đoạn này đang được theo dõi rất kỹ trên tuyến QL1 Nam cầu Bến Thủy. Sau đó, Cienco 4 đang nghiên cứu hướng bê tông nhựa cải tiến trên cơ sở vật liệu địa phương để tăng phụ gia độ kết dính của đá cho phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ nhựa đường polymer, đảm bảo chất lượng nguyên vật liệu để xử lý hằn lún theo cách riêng của mình."

Ý kiến của bạn

Bình luận