Trao đổi về mô hình quản lý khai thác đường cao tốc

Ý kiến phản biện 24/05/2013 10:24

Tóm tắt nội dung : Theo Quyết định số 1734 QĐ-TTg ngày 01/ 12/ 2008 của Thủ tướng Chính Phủ, về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Mạng lưới đường bộ cao tốc tại Việt Nam sẽ bao gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km phân bố tập trung trên 3 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Trong đó, ngay trong năm 2009, tuyến đường bộ cao tốc Sài Gòn – Trung Lương dài 40 km sẽ được đưa vào khai thác, tiếp đó sẽ là tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và lần lượt các tuyến cao tốc khác. Tuy nhiên, việc quản lý khai thác hệ thống đường bộ cao tốc khác hẳn với quản lý khai thác hệ thống các tuyến đường bộ thông thường, nó đòi hỏi công tác quản lý khai thác ở một tầm rất cao, đồng bộ và nghiêm ngặt như quản lý điều khiển một tổ hợp sản xuất công nghiệp hiện đại. Bài báo này xin được trao đổi bước đầu về mô hình quản lý khai thác đường cao tốc từ góc độ nghiên cứu các quy định của các Quốc gia có đường cao tốc trên thế giới, t


1. Trao đổi một số khái niệm về quản lý đường cao tốc
Về khái niệm chung, đường cao tốc (ĐCT) đường bộ được hiểu là loại đường bộ cao cấp có cấp hạng ứng với tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất, được thiết kế theo tiêu chuẩn riêng để tạo ra khả năng lưu thông và vận tải liên tục cho dòng xe chạy có tốc độ cao với mức độ an toàn và thuận lợi nhất. Để đạt được yêu cầu đó, về nguyên tắc, ngay trong giai đoạn thiết kế người ta đã phải đáp ứng ngay tất cả các yêu cầu về xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý khai thác sau này. Trong đó, hệ thống quản lý ĐCT được hiểu theo nghĩa đầu tiên phải là các cơ quan quản lý giao thông mà cao nhất là Cục Đường bộ của mỗi Quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý khai thác toàn bộ hệ thống đường bộ, trong đó bao gồm toàn bộ các tuyến ĐCT để quản lý, kiểm soát chặt chẽ được dòng xe chạy và chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trong việc kiểm soát việc cung cấp các loại hình dịch vụ tốt nhất để đảm bảo cho khai thác có hiệu quả và an toàn trên toàn hệ thống. Còn cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý khai thác ĐCT thì bao gồm toàn bộ hệ thống các trang thiết bị kỹ thuật, các nhà trạm, hệ thống đường dây ngầm, đường ống cấp và thoát nước, dải cây xanh, … được bố trí, lắp đặt ngay trong quá trình xây dựng để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác ngay sau khi ĐCT được đưa vào sử dụng với yêu cầu tiện nghi cao, đảm bảo cho dòng xe liên tục và thông thoáng, không để xảy ra ùn tắc, hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trên đường và phải đảm bảo ATGT ở mức độ yêu cầu rất cao.
Như vậy, khái niệm về công tác quản lý ĐCT được hiểu là rất rộng, có thể nói rằng đó là một tổ hợp khổng lồ các loại công việc mà khởi đầu từ khâu quản lý về đầu tư xây dựng, đến quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng và vận hành an toàn, rồi đến công tác quản lý hành chính điều hành bộ máy tổ chức khai thác, bảo trì ĐCT kể từ khi đưa đường vào sử dụng. Tóm lại, về tổng quát, có thể chia công tác quản lý ĐCT nói chung ra 3 giai đoạn đặc trưng, đó là giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng ĐCT, giai đoạn thực hiện đầu tư ĐCT và giai đoạn tổ chức quản lý bảo trì và khai thác sử dụng ĐCT.
Dưới đây xin trình bày sâu hơn để tham khảo về những nội dung cần phải quan tâm khi xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình quản lý ĐCT trong giai đoạn khai thác.
2. Về mô hình quản lý ĐCT trong giai đoạn khai thác
Theo định nghĩa của một số nước trên thế giới, hệ thống quản lý ĐCT là một hệ thống bao gồm nhiều những cấu phần hoặc bộ phận cùng phối hợp làm việc với nhau dưới một sự chỉ đạo chung để đảm bảo khả năng quản lý điều hành toàn bộ hoạt động bình thường của các tuyến ĐCT trong quá trình khai thác và sử dụng. Mục tiêu và đối tượng quản lý của một hệ thống quản lý ĐCT được phản ảnh rõ nét theo yêu cầu cần phải đáp ứng ở các mức độ khác nhau phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của từng thời kỳ đối với GTVT, thông thường mục tiêu quản lý ĐCT bao gồm:
-    Làm giảm thiểu tác động bất lợi có thể gây nên ùn tắc trên hệ thống ĐCT.
-    Giảm đến mức tối thiểu thời gian xe chạy và những ảnh hưởng do những sự cố không thường xuyên có thể xảy ra trên ĐCT.
-    Đảm bảo tối đa ATGT trong quá trình khai thác và nâng cao hiệu quả chuyên chở, vận tải.
-    Cung cấp cho người sử dụng đường các dịch vụ thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ họ đạt được hiệu quả cao trong các hoạt động của mình nhờ rút ngắn được thời gian xe chạy, đảm bảo an toàn và có được một tâm lý dễ chịu khi chạy trên ĐCT.
Để tạo nên hệ thống quản lý ĐCT cần có các yếu tố tiên quyết, đó là con người, chiến lược và công nghệ quản lý khai thác đi kèm với kỹ năng kiểm soát, quản lý dòng xe chạy trên ĐCT để đạt được hiệu quả cao nhất. Hệ thống quản lý đó cần phải được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện để nhằm thực hiện chức năng nhiệm vụ được mô hình hóa trên Hình 1.
Đối với mỗi tuyến ĐCT, cần phải xây dựng một Trung tâm quản lý khai thác và điều hành ĐCT. Về mặt tổ chức, Trung tâm này sẽ trực thuộc một Công ty quản lý Điều hành và Khai thác ĐCT nào đó, nhưng về mặt chức năng, nhiệm vụ thì nó sẽ đóng vai trò hạt nhân, chịu trách nhiệm chính trong việc thu thập, tiếp nhận các thông tin để rồi trực tiếp xử lý tình thế các sự cố có thể xảy ra và điều hành tất cả các hoạt động tại các hạng mục công việc phục vụ quá trình khai thác trên ĐCT. Dựa theo sơ đồ nêu trên Hình 1, có thể nhận thấy chức năng nhiệm vụ thường xuyên của mỗi một Trung tâm QLĐH và KT ĐCT, gồm 6 mảng lớn như sau:
-    Theo dõi hoạt động của dòng xe trên ĐCT
-    Kiểm soát việc sử dụng làn xe trên ĐCT
-    Quản lý TNGT trên ĐCT
-    Phổ biến thông tin cho dòng xe đang chạy trên ĐCT
-    Kiểm soát các lối ra, vào ĐCT
-    Xử lý tình thế các tình huống có thể xảy ra trên ĐCT.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện KH&CN GTVT, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là cần làm rõ mô hình khả thi về quản lý đầu tư và khai thác hệ thống ĐCT ở Việt Nam, để đảm bảo một mặt vừa phát triển được hệ thống ĐCT theo quy hoạch của Chính Phủ đã phê duyệt, lại vừa đảm bảo tổ chức khai thác an toàn và đảm bảo chất lượng phù hợp với thiết kế, với quy luật vận hành và để phát huy hiệu quả đầu tư. Theo kết quả nghiên cứu của Viện, về nguyên tắc, việc tổ chức quản lý khai thác tại mỗi một tuyến ĐCT, sẽ phải do một Công ty QL&KT ĐCT nào đó đảm nhiệm. Cấu trúc tổ chức của mỗi Công ty này, theo Viện KH&CN GTVT đề nghị, nên được tổ chức theo sơ đồ nêu trong Hình 2 và có thể bao gồm các bộ phận trực thuộc sau:
-    Ban Giám đốc
-    Trung tâm Quản lý Điều hành & Khai thác ĐCT
-    Đội thu phí và thuế các loại dịch vụ trên ĐCT
-    Đội cứu hộ
-    Đội sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên điện, nước và các loại thiết bị lắp đặt trên đường
-    Đội bảo dưỡng thường xuyên các công trình và bảo vệ môi trường trên đường
-    Phòng kế hoạch – Quản lý thiết bị
-    Phòng tài chính và phân tích hiệu quả kinh tế
-    Phòng tổ chức – hành chính
-    Phòng kỹ thuật và kiểm tra chất lượng quá trình khai thác
Chức năng nhiệm vụ và các quy định về trang thiết bị, nhà trạm, diện tích mặt bằng, số người, trình độ được đào tạo, các văn bản hướng dẫn công tác quản lý và các chỉ dẫn kỹ thuật đi kèm để có thể vận hành công tác quản lý và khai thác của Công ty cần phải được hoàn thiện và ban hành, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động dịch vụ của Công ty.

    
Các Công ty này có thể do Cục Đường bộ Việt Nam hoặc các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đứng ra thành lập hoặc ký hợp đồng thuê các doanh nghiệp có đủ năng lực về kỹ thuật, tổ chức quản lý và tài chính đứng ra thực hiện. Trong đó các Công ty nhà nước như Công ty đầu tư Phát triển ĐCT Việt Nam (VEC) hoặc các Liên danh, liên kết đầu tư phát triển ĐCT có nguồn vốn huy động từ trong và ngoài nước, kể cả các Công ty tư nhân có năng lực đều được quyền bình đẳng đấu thầu để lựa chọn ra đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cho dù các Công ty QL&KT ĐCT này do ai thành lập hoặc được ký hợp đồng thuê mướn nhưng đều phải chịu sự quản lý chung của nhà nước về đảm bảo chất lượng khai thác, môi trường và ATGT của Bộ GTVT, mà cơ quan đặc trách được ủy quyền trực tiếp thực hiện quyền QLNN đối với hệ thống ĐCT ở Việt Nam vẫn phải là Cục Đường bộ Việt Nam. Như vậy, trong các mối quan hệ chằng chịt và đa chiều trong đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý ĐCT ở Việt Nam, cần phân biệt rõ 2 hệ thống quản lý đang tồn tại song hành như sau, đó là:
-    Hệ thống quản lý đầu tư xây dựng và phát triển ĐCT, và
-    Hệ thống quản lý nhà nước về khai thác hệ thống ĐCT ở Việt Nam.
Trong đó, hệ thống quản lý đầu tư xây dựng và phát triển ĐCT là hệ thống thuộc về các Nhà đầu tư xây dựng, phát triển và tổ chức khai thác ĐCT để sử dụng đồng vốn có hiệu quả và tự chịu trách nhiệm thu hồi vốn. Các nhà đầu tư này bao gồm cả các Doanh nghiệp nhà nước, các Liên danh, liên kết trong và ngoài nước và các doanh nghiệp tư nhân. Còn hệ thống quản lý nhà nước về khai thác hệ thống ĐCT ở Việt Nam, về thực chất là công tác kiểm tra, phê duyệt và ban hành các quy định về khai thác ĐCT, duy nhất thuộc về Bộ GTVT, mà người đại diện là Cục Đường bộ Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Viện KH&CN GTVT về các hệ thống quản lý này, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, có thể trình Bộ GTVT xem xét và cho áp dụng theo sơ đồ kiến nghị nêu ở Hình 3.
3. Phác thảo về nội dung yêu cầu trong quản lý khai thác ĐCT
Từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ GTVT quản lý năm 2008 về mô hình quản lý ĐCT do Viện KH&CN GTVT chủ trì thực hiện, dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước có ĐCT trên thế giới, có thể xem xét vận dụng một cách hợp lý vào điều kiện Việt Nam với các chỉ dẫn mang tính phác thảo về nội dung công tác quản lý khai thác trên mỗi tuyến ĐCT nêu trong Bảng 1.
Bảng 1. Phác thảo nội dung yêu cầu về quản lý khai thác ĐCT
(theo đề nghị của Viện KH&CN GTVT, 12 2008)

STT    Hạng mục  chính
 về quản lý    Nội dung công tác và
các biện pháp có thể áp dụng
để thực hiện quản lý    Yêu cầu về
trang, thiết bị
tại hiện trường    Yêu cầu
về đào tạo và
văn bản đi kèm
1    Lập kế hoạch và triển khai hệ thống quản lý ĐCT.    - Xác định các đối tượng, phạm vi quản lý
- Thiết lập trình tự giải quyết công việc
- Đưa trạm thu phí và Trung tâm quản lý điều hành vào hoạt động
- Tính toán mức phục vụ của từng đoạn     Trang, thiết bị đồng bộ cho trạm thu phí và Trung tâm quản lý điều hành     - Các văn bản quy định về quản lý và quy trình kỹ thuật
- Đào tạo đội ngũ nhân viên vận hành
2    Theo dõi dòng xe trên ĐCT      - Theo dõi dòng xe tại các khu vực: lối ra, vào ĐCT và khu vực giao cắt dòng xe trên đoạn tới các nút tách, nhập.
- Cân và đếm xe, xác định lưu lượng và tải trọng xe trên đường
- Camera theo dõi và phát hiện các xe hư hỏng do tai nạn được kéo vào bãi hoặc xưởng sửa chữa
- Camera kiểm soát tốc độ tại các đoạn có yêu cầu hạn chế tốc độ (tuy-nen, nút, …)
- Kiểm soát điều kiện môi trường    - Rada phát sóng
- Thiết bị WIM
- Camera lắp dọc tuyến và tại các bãi tập kết xe bị tai nạn trên ĐCT để sửa chữa.
- Các phần mềm đi kèm
- Các thiết bị đo nồng độ bụi, tiếng ồn, độ rung, …    - Các quy trình lắp đặt và sử dụng.
- Đào tạo tay nghề
- Hướng dẫn bảo dưỡng
- Các tiêu chuẩn kỹ thuật

3    Kiểm soát và hướng dẫn dòng xe chạy trên các làn xe trên ĐCT    -  Bố trí hệ thống biển báo tĩnh (biển cắm, biển treo, …)
- Bố trí hệ thống biển báo điện tử, ITS.
- Triển khai chóp nón hướng dòng và biển báo di động khi cần phải đóng, mở làn xe
- Duy trì sơn kẻ vạch mặt đường
    - Biển báo hiệu
- Hệ thống điều khiển biển báo ITS
- Chóp nón hướng dòng
- Biển báo di động
- Xe công vụ    - Điều lệ biển báo
- Đào tạo đội ngũ nhân viên vận hành
- Chỉ dẫn bảo dưỡng hệ thống biển báo phản quang và sơn kẻ vạch phản quang.
4    Quản lý các lối ra, vào ĐCT    - Bố trí thiết bị đếm xe trên ĐCT gắn với đèn điều khiển tự động đặt tại các cửa nhập vào ĐCT, khống chế chỉ cho phép dòng xe nhập vào ĐCT (bật đèn xanh) khi trên làn xe ngoài cùng của tuyến chính ĐCT có lưu lượng xe dưới 15 xe/phút. Nếu vượt quá lưu lượng này, đèn sẽ bật đèn đỏ.
- Bố trí hệ thống biển báo tĩnh hoặc ITS
- Bố trí biển báo di động hoặc barie di động khi cần phải tạm thời đóng cửa vào
- Bố trí Camera theo dõi tại các cửa ra, vào (tách, nhập) ĐCT.
- Bố trí trạm có người kiểm soát     - Thiết bị đếm xe tự động gắn với đèn điều khiển GT.
- Hệ thống biển báo    - Quy trình khai thác sử dụng các loại thiết bị
- Lập trình phần mềm cho đèn điều khiển giao thông
- Đào tạo đội ngũ nhân viên vận hành
5    Xử lý tình huống kịp thời khi mật độ xe cao trên ĐCT    - Tổ chức tách làn xe ưu tiên di chuyển nhanh
- Tổ chức tách làn xe di chuyển chậm
- Tổ chức đường tạm 2 chiều
- Tổ chức xếp hàng đi đường vòng tránh đoạn có mật độ xe cao
- Bố trí bãi đỗ xe khuyến khích với giá rẻ
- Phổ biến thông tin về dòng xe cho các lái xe đang trên đường đi tới     - Camera quan sát từ trên cao
- Biển báo di động
- Biển báo điện tử
- Chóp nón hướng dòng
- Cảnh sát tăng cường
- Phát sóng radio     - Quy trình tổ chức giao thông khi mật độ xe cao.
- Cử cán bộ chỉ huy có trình độ cao về tổ chức giao thông.
- Lực lượng nhân viên phải được đào tạo.
6    Phổ biến và cập nhật thông tin trên ĐCT    - Phổ biến, cập nhật thông tin trước khi đi
về tốc độ, các vị trí đã từng xảy ra tai nạn, các đoạn thường ùn tắc, phía trước bị đóng đường, điều kiện thời tiết, tình trạng mặt đường, các đoạn phải đi tránh, các đoạn có bến xe buýt, …
- Phổ biến thông tin trong khi chạy trên ĐCT: tốc độ, các đoạn đang bị ùn tắc phía trước, tình trạng các lối ra, vào ĐCT, tình trạng mặt đường, thời tiết, bãi đỗ xe, …     - Bảng tin nhắn điện tử các kiểu
- Trạm phát sóng radio tại hiện trường
- Phát sóng radio qua đài phát thanh địa phương.
- Lập đường dây nóng cung cấp thông tin trên điện thoại di động    - Các văn bản quy định về phổ biến thông tin
- Quy trình xử lý và phát sóng thông tin
- Chương trình đào tạo nhân viên thu thập, xử lý thông tin
7    Quản lý TNGT trên ĐCT    - Phát hiện kịp thời TNGT trên đường
- Xử lý tình huống tại hiện trường
- Cấp cứu nạn nhân
- Thẩm định tai nạn, lập hồ sơ tai nạn
- Giải quyết hiện trường xảy ra tai nạn
- Tổ chức phân luồng tạm thời đi tránh
- Tạm đóng cửa đi vào làn xe đã xảy ra TNGT.
- Kiểm tra tình hình giải quyết hiện trường tai nạn để tiếp tục mở làn xe cho thông xe    - Các trạm Camerra quan sát dọc đường
- Xe cứu hộ và xe cấp cứu nạn nhân
- Thuốc men
- Dụng cụ phòng độc, chữa cháy
- Trạm y tế cấp cứu
- Biển báo tạm thời
- Chóp nón hướng dòng xe
- Barie di động    - Cán bộ y tế và nhân viên.
- Lực lượng cảnh sát GT tăng cường
- Các quy trình về cứu hộ, chữa cháy, phòng độc.
- Lực lượng ứng cứu được đào tạo thuộc đơn vị BDTX
8    Thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý khai thác ĐCT    - Lắp đặt, bảo trì các đường dây điện, dây dẫn truyền thông tin và các trạm truyền tín hiệu từ các loại thiết bị kiểm soát.
- Lắp đặt, bảo trì các trạm phát điện, trạm biến thế dọc tuyến    - Các loại đường dây và thiết bị đặc chủng.
- Xe sửa chữa có thang trượt    - Các quy trình kỹ thuật liên quan.
- Đội ngũ nhân viên được đào tạo tay nghề
9    Bảo dưỡng thường xuyên các công trình và môi trường    - Bảo trì hệ thống cầu đường, biển báo, sơn kẻ vạch và các công trình trên đường và công trình ngầm..
- Sửa chữa đột xuất và giải quyết các sự cố trên đường và TNGT gây ra.
- Bảo dưỡng hệ thống cây xanh và bảo vệ môi trường.    - Xe chuyên dụng bảo trì cầu đường
- Xe vạch sơn
- Xe chuyên chở công nhân đi làm
- Xe phun nước
- Xe cứu hộ    - Các quy trình kỹ thuật và văn bản pháp lý về bảo trì và bảo vệ môi trường.
- Đào tạo công nhân về bảo trì công trình
10    Bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị và cấp điện, nước trên đường    - Bảo trì hệ thống các thiết bị lắp đặt tại trung tâm điều hành và các thiết bị lắp đặt ngoài hiện trường.
- Bảo trì hệ thống điện, bảng điện tử, cấp nước, đường ống, đèn chiếu sáng, đèn điều khiển GT, ..
- Bảo trì hệ thống thiết bị tại các trạm cân, đếm xe và trạm thu phí .
- Bảo trì hệ thống thông gió, ánh sáng và thiết bị cứu hỏa, chống khí độc trong hầm    - Xe chuyên dụng
- Xe chở công nhân
- Máy hàn
- Cần cẩu 5T
- Máy phun sơn    - Các quy trình kỹ thuật có liên quan
- Các văn bản quản lý
- Đào tạo tay nghề cho công nhân

3. Kết luận
Tính đến 31/12/2008 nước ta chưa có được tuyến ĐCT nào đưa vào khai thác, do đó vấn đề quản lý khai thác ĐCT quả thực còn rất mới mẻ đối với ngành GTVT. Trong khi đó, quy mô và tính chất của hệ thống quản lý và khai thác ĐCT lại khác nhiều so với hệ thống quản lý và khai thác đường bộ, nó đòi hỏi công nghệ cao, hiện đại và chế độ vận hành rất quy củ, đồng bộ và hoàn toàn dựa trên cơ sở KH&CN. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chuẩn bị cho công tác quản lý và khai thác ĐCT là rất cần thiết. Trước mắt, để chuẩn bị cho việc đưa tuyến ĐCT Sài Gòn – Trung Lương dài 40 km đi vào hoạt động trong thời gian tới, cần tiến hành soạn thảo Quy chế tạm thời về quản lý khai thác ĐCT, đồng thời rà soát lại những yêu cầu về thiết bị, văn bản pháp lý, văn bản kỹ thuật và vấn đề đào tạo nhân lực để phục vụ cho hệ thống quản lý khai thác. Về nguyên tắc, chừng nào chưa đủ điều kiện vận hành an toàn thì chừng đó còn phải hoàn thiện tiếp để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của ĐCT.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Thủ tướng Chính Phủ – Quyết định số 1734/ QĐ-TTg ngày 01/12/2008 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020. Trang Web.
[2]. Doãn Minh Tâm và những người khác – Nghiên cứu mô hình quản lý ĐCT Việt Nam – Đề tài nghiên cứu cấp Bộ GTVT năm 2008, Viện KH&CN GTVT chủ trì, Hà Nội, 12/2008.
[3]. US Dept. of Transportation – Freeway Management Handbook – Report No. FHWA A-SA-97-064, August 1997
[4]. Jeanne Breen, Jeanne Breen Consulting, UK – New Perspectives on Road Safety Management -Road Safety 2008 – Australasian Road Safety Research, Policing and Education Conference. 9th – 12th November 2008, Adelaide, Australia.

TS. Doãn Minh Tâm
 Viện trưởng Viện Khoa học & Công nghệ GTVT

Ý kiến của bạn

Bình luận