Tranh cãi xung quanh việc mở xe buýt điện tại trung tâm TP.HCM

Ý kiến phản biện 06/05/2015 12:17

Dự kiến tháng 6 tới, tuyến xe buýt điện đầu tiên sẽ được vận hành trên các trục đường chính tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Điều này đánh dấu sự nỗ lực của ngành giao thông thành phố nhằm đa dạng hóa hình thức vận tải hành khách, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Thế nhưng xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.


Phố đi bộ đường Nguyễn Huệ sẽ là tuyến chính xe buýt điện đi qua.

Phố đi bộ đường Nguyễn Huệ sẽ là tuyến chính xe buýt điện đi qua.

Hoạt động 10 giờ/ngày 

Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, Sở tổ chức theo dạng xe buýt hoạt động cố định theo lộ trình qua các điểm du khách khu vực trung tâm thành phố, với số lượng 10 xe và 1 xe dự phòng, loại 12 chỗ, vận tốc tối đa dưới 30km/h. Thời gian hoạt động từ 8h sáng đến 18h chiều. Thời gian giãn cách giữa các chuyến xe khoảng 10 phút/chuyến. Đối với các đoàn du khách có yêu cầu đi riêng sẽ được bố trí xe hoạt động theo lộ trình của tuyến xe buýt theo yêu cầu của khách. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống xe buýt này là 4 tỷ đồng (trong đó, đầu tư xe khoảng 3,5 tỷ đồng và cơ sở hạ tầng 500 triệu đồng).

Khi vận hành, các điểm đón, trả khách gồm 2 nhà chờ (được xây dựng tại Công viên 23/9 và trước cửa Thảo Cầm viên) và 27 điểm đón trả khách xây dựng dọc theo tuyến. Sở GTVT cho biết, giá vé cho hành khách đi lẻ, dưới 1/2 lộ trình tuyến là 6.000 đồng/lượt; trên 1/2 lộ trình đến hết tuyến 10.000 đồng/lượt. Bên cạnh đó, hành khách mua vé theo dạng giờ đi lại dưới 4 giờ và lên xuống bất kỳ điểm dừng nào dọc tuyến, mức giá là 40.000 đồng/lượt; hành khách mua theo dạng giờ đi lại trong 1 ngày và lên xuống bất kỳ điểm dừng nào dọc tuyến mức giá 120.000 đồng/lượt; hành khách đi theo đoàn có nhu cầu thuê riêng theo hình thức trọn gói với giá thuê xe là 100.000 đồng/xe (không quá 60 phút). Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tế, đơn vị đảm nhận hoạt động tuyến sẽ phát hành thêm hình thức bán vé khác cho phù hợp.

Lý giải việc đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, phần lớn du khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh thường tự tra cứu bản đồ, các sách hướng dẫn du lịch, tự đi tham quan bằng xe buýt, taxi hoặc đi bộ để đến các điểm tham quan chính trong trung tâm thành phố (chiếm khoảng 60%). Bên cạnh đó, thành phố đã đưa quảng trường đi bộ đường Nguyễn Huệ vào hoạt động nên nhu cầu đưa đón du khách tới đây rất cao. Do đó, Sở GTVT sẽ tổ chức xe buýt điện hoạt động cố định theo lộ trình qua các điểm du khách khu vực trung tâm thành phố.

Thận trọng trước khi vận hành

Trước thông tin tuyến xe buýt điện đầu tiên chuẩn bị được đưa vào hoạt động, anh Nguyễn Trường Sơn (ngụ đường Hàm Nghi, Quận 1) không giấu được niềm vui, chia sẻ, đường Nguyễn Huệ đã trở thành phố đi bộ, đáp ứng nhu cầu người dân, giờ đây chính quyền thành phố lại đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện, rõ ràng thấy được sự hoàn thiện dần của hạ tầng giao thông khu vực trung tâm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đi lại người dân. Tuy nhiên, gần đến ngày hoạt động nhưng người dân vẫn gần như mù mịt thông tin về loại hình giao thông này. Nên chăng chính quyền thành phố mở cuộc khảo sát và lấy ý kiến góp ý của người dân để hoạt động hiệu quả hơn. Không nên vội vàng quá có thể dẫn đến không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa cho biết, xe buýt điện sẽ làm cho người dân thành phố thấy được một đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Đồng thời, du khách dễ dàng sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại để tìm hiểu cảnh quan khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, TS Sanh cho rằng, chính quyền thành phố cần phải xem xét lại tính khả thi và hiệu quả đạt được. Nếu mục tiêu phục vụ giao thông công cộng thì không hiệu quả vì tính kết nối chưa đồng bộ và người dân không có nhu cầu đi lại lòng vòng trong khu vực trung tâm (bài học thất bại giống tuyến xe buýt Quận 1 trước đó). Mặt khác, đến nay Bộ GTVT cũng chưa đưa ra cụ thể về khung pháp lý kỹ thuật và an toàn đối với loại hình này. “Nếu xe buýt điện hoạt động lâu dài mà không phục vụ nhu cầu thiết thực đi lại của người dân thì dư luận lại phải đặt câu hỏi lớn về tính hiệu quả và thất thoát ngân sách”, TS Sanh nhấn mạnh.

Lộ trình hoạt động của tuyến xe buýt điện được cố định như sau: Xuất phát tại Công viên 23/9 – Phạm Ngũ Lão – Tôn Thất Tùng – Lê Lai – Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu – Tôn Đức Thắng – Công trường Mê Linh – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ – Nguyễn Thiệp – Đồng Khởi – Đông Du – Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu – Thái Văn Lung – Lý Tự Trọng – Chu Mạnh Trinh – Nguyễn Du – Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn – Thảo Cầm viên Sài Gòn – Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch – Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Duẩn – Công trường Công xã Paris – Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Huệ – Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Công viên 23/9.

Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đưa ra thang điểm 100 để đánh giá trên 6 tiêu chí của từng đơn vị vận tải khai thác trên tuyến. Cụ thể: Năng lực tài chính; phương án đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng phương tiện và trang thiết bị bổ sung; cơ cấu tổ chức, năng lực quản lý và điều hành; kinh nghiệm trong hoạt động vận tải hành khách; lái xe; nơi đỗ xe phải có phương án phòng cháy chữa cháy, trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật. Nếu 1 trong 6 tiêu chí trên không đạt sẽ chấm 0 điểm.

Theo Hà Nội mới

Ý kiến của bạn

Bình luận