TP. Hồ Chí Minh: Cần ưu tiên xe buýt để phát triển

Ý kiến phản biện 01/02/2017 10:13

Hiện nay với trên 16.000 chuyến xe buýt hoạt động phục vụ vận chuyển khoảng 800.000 lượt hành khách mỗi ngày, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn là phương thức chủ lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP. Hồ Chí Minh.

h1

Phát triển vận tải hành khách công cộng là tất yếu

Ngày 12/9/1996, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 4196/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm) với mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố. Chặng đường 20 năm là khoảng thời gian dài đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của Trung tâm, góp phần vào việc phát triển thành phố, giảm UTGT, TNGT.

Mốc thời gian đáng chú ý là từ năm 2002 khi hoạt động xe buýt trên địa bàn Thành phố được trợ giá, đóng góp vai trò quan trọng cho việc phát triển xe buýt, dần lấy lại được niềm tin và tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng. Mô hình hoạt động xe buýt của TP. Hồ Chí Minh cũng được nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước nghiên cứu áp dụng. Hiện nay, với trên 16.000 chuyến xe buýt hoạt động phục vụ vận chuyển khoảng 800.000 lượt hành khách mỗi ngày, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn là phương thức chủ lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “TP. Hồ Chí Minh tăng dân số cơ học hơn 10 triệu dân, phương tiện xe máy với hơn 7,5 triệu, xe ô tô trên 600.000 chiếc, chưa kể phương tiện vãng lai. Hơn nữa, lượng hàng hóa xuất khẩu đều tăng (năm 2015 đạt 92 triệu tấn, năm 2016 đạt khoảng 100 triệu tấn) sản lượng hàng hóa container chiếm 40% toàn quốc, sân bay Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải. Với những sức ép như vậy, việc phát triển hành khách công cộng là một tất yếu trong chiến lược phát triển của Thành phố”.

Trong quá trình đang định hướng, hiện nay xe buýt lâm vào tình trạng khó khăn bởi kẹt xe hành trình không đúng giờ, không hấp dẫn người đi. Bên cạnh, do đầu tư nhiều năm nên chất lượng xe buýt xuống cấp không thu hút hành khách, trong quản lý điều hành tổ chức xe buýt còn manh mún, chưa có sự đổi mới trong quản lý, bản chất công tác quản lý điều hành còn rời rạc và chưa đạt yêu cầu. “Tuy nhiên, điểm sáng là từ năm 2002, TP. Hồ Chí Minh trợ giá xe buýt nên thu hút được người đi xe bởi giá vé rẻ”, ông Minh nhấn mạnh.

PGS. TS. Phạm Xuân Mai - Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hệ thống xe buýt từ năm 2002 được Thành phố trợ giá nên có sự phát triển đáng kể, tuy nhiên mấy năm gần đây khi giao thông tăng nhanh, gây ùn tắc nghiêm trọng thì xe buýt bị hạn chế. Những năm gần đây, lượng người đi xe buýt giảm dần do xe buýt chạy chậm, chạy không đúng giờ, dịch vụ trên xe không hấp dẫn và chất lượng phục vụ thấp… khiến người dân không mặn mà với loại hình vận tải này”.

Theo PGS. TS. Mai, muốn xe buýt phát triển vẫn phải trợ giá, tuy nhiên cần phải thay đổi việc bán vé bằng điện tử để quản lý chặt chẽ, tránh bị thất thoát, đồng thời cơ quan quản lý cần thay đổi cơ cấu, cách thức để hấp dẫn hành khách đi xe buýt, hạn chế xe cá nhân, giảm UTGT.

Đổi mới để phát triển

h2

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: “Vai trò của Dự án 1.318 xe buýt tại TP. Hồ Chí Minh rất quan trọng và việc hình thành Trung tâm có vai trò then chốt để quản lý và phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng. Vận tải hành khách công cộng được xem là giải pháp nền tảng giải quyết vấn đề ATGT, kẹt xe nên vai trò của vận tải công cộng là rất quan trọng”.

Để thu hút hành khách đi xe buýt, theo ông Lê Hoàng Minh thì Thành phố đã thực hiện “Đề án 1680 xe” hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp thay xe buýt mới; cải tiến chất lượng trên xe như: Gắn camera 1.200 xe buýt có trợ giá, thiết bị giám sát hành trình để quản lý, tổ chức đào tạo nâng chất lượng phục vụ của tài xế, tiếp viên trong việc giao tiếp với hành khách (đặc biệt là giao tiếp với người khuyết tật), cách ứng xử khi đối mặt với tình huống cướp giật…; đang nghiên cứu xây dựng thí điểm cho xe buýt được ưu tiên chạy trên các làn, tiến tới sẽ xây dựng làn ưu tiên và làn dành riêng cho xe buýt. “Đặc biệt, chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu và dự kiến tháng 8/2017 sẽ triển khai thí điểm thẻ thông minh để thuận tiện trong việc trợ giá. Tất cả những giải pháp này đều hướng đến việc xe buýt đi đúng giờ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi xe”, ông Minh khẳng định.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm luôn chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động xe buýt; đổi mới xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe, gắn camera giám sát, ứng dụng công nghệ GPS theo dõi xe trên đường… Các hoạt động trên nhằm thay đổi hình ảnh của xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ dẫn đầu, các mục tiêu, giải pháp đều hướng đến một mục đích chung là lấy hành khách là đối tượng phục vụ, sự đi lại của người dân là tiêu chí hàng đầu”.

“Với những nỗ lực trong thời gian qua cùng với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, các phương thức vận tải tiên tiến, hiện đại trên thế giới như BRT và quyết tâm thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao, chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, vận tải hành khách công cộng sẽ là phương thức chủ lực để giải quyết bài toán kẹt xe, giảm UTGT trên địa bàn Thành phố, góp phần xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, ông Trung khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận