Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
Xã hội 24/12/2023 13:17

Phát biểu tại lễ khánh thành Dự án mở rộng sân bay Điện Biên và 3 dự án cao tốc: Tuyên Quang - Phú Thọ, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông này với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng là một dấu mốc lịch sử.

Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó

Sáng 24/12, tại TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và đưa vào khai thác đồng thời Dự án mở rộng sân bay Điện Biên và 3 dự án đường cao tốc trọng điểm quốc gia ngành GTVT: Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Sự kiện quan trọng này do Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức, được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính thành phố Điện Biên Phủ tới các các tỉnh có các dự án trên địa bàn: Phú Thọ, Vĩnh Long, Tiền Giang.

Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành Dự án mở rộng sân bay Điện Biên và 3 dự án cao tốc. Ảnh: Nhật Bắc

Tham dự sự kiện tại điểm cầu chính thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông này với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng là một dấu mốc lịch sử. Theo Thủ tướng, thực tiễn đã chứng minh, GTVT nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội.

"Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức", Thủ tướng chia sẻ và cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 730 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

"Cả 4 dự án khánh thành hôm nay đều có nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý; kinh phí có hạn nên phải huy động hợp tác công tư, huy động nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn vốn hợp pháp khác; gặp nhiều khó khăn về nền đất yếu ở các tỉnh phía Nam, khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng thông thường (sân bay Điện Biên phải nghiền đá thay cho cát sỏi); thi công trong điều kiện dịch bệnh, tình hình thời tiết phức tạp; những khó khăn về giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường…", Thủ tướng cho hay.

Theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua, tất cả các chủ thể có liên quan, các cấp, các ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, các chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu, các cán bộ, công nhân trên công, với sự hỗ trợ, đồng tình, ủng hộ của người dân đã nỗ lực triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", ý chí kiên cường, chiến thắng đại dịch, làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, để các dự án đã hoàn thành đáp ứng tiến độ.

Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà 20 chiến sĩ từng tham gia chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội, HĐND các cấp; các bộ ngành, UBND các địa phương và các Ủy ban của Quốc hội; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà tư vấn, nhà thầu và cán bộ, công nhân trên công trường; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các vùng có dự án đi qua.

Trước lễ khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã dâng hương viếng các anh hùng, liệt sỹ tại Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sỹ A1 ở thành phố Điện Biên Phủ. Tại sự kiện ngày hôm nay, Thủ tướng cũng gặp, tri ân và tặng quà 20 chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, những người đã hy sinh một phần xương máu để góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và hôm nay lại có mặt ở đây để động viên, khích lệ, tiếp thêm lửa cho các thế hệ sau tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến, công lao của các thế hệ đi trước.

Từ kết quả và ý nghĩa của các công trình này, Thủ tướng chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.

Trong đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân. Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, phân bổ nguồn lực phù hợp và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai các dự án.

Các địa phương phải tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Công tác phối hợp giữa các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải chặt chẽ, kịp thời, chủ động, tích cực, hiệu quả; đồng thời tranh thủ sự vào cuộc, ủng hộ của người dân.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khai thác, sử dụng các công trình có hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đồng bộ hóa các hạng mục, các công trình liên quan; tiếp tục rà soát đảm bảo đời sống của người dân đã nhường đất cho các dự án tại nơi ở mới phải tốt hơn, ít nhất là bằng với nơi ở cũ.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ môi trường, hoàn nguyên các mỏ khai thác nguyên vật liệu; kiểm đếm, thanh quyết toán công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tiêu cực. Các nhà thầu, nhà tư vấn tiếp tục rút kinh nghiệm để tiếp tục làm các dự án mới, các cơ quan vận dụng linh hoạt nhất các chính sách theo quy định của pháp luật để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà thầu, tư vấn đã làm tốt nhiều dự án được tham dự các dự án mới.

Những công trình thể hiện bản lĩnh, ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam

Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải (28/8/1945 - 28/8/2025).

Trong vòng 8 tháng, Cảng hàng không Điện Biên đã hoàn thành xây dựng đường cất hạ cánh mới dài 2.400m, sân đỗ máy bay với 04 vị trí và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thiết bị quản lý bay hiện đại, đài dẫn đường và các phương thức bay sử dụng công nghệ vệ tinh đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321 và tương đương; nâng cấp nhà ga đáp ứng các tiêu chuẩn, công suất giai đoạn đáp ứng khai thác 500.000 hành khách/năm. Việc khánh thành có ý nghĩa rất lớn là hoạt động chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2024 tổ chức tại tỉnh Điện Biên, chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong khi đó, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được hoàn thành góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Tuyên Quang - mảnh đất lịch sử với Chiến khu Tân Trào. Tuyến cao tốc này cùng với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng cho mỗi địa phương và khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Với tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thành phố Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án này hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Thành phố Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp nói riêng.

Còn cầu Mỹ Thuận 2 là kết quả rõ nét của việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để bắt kịp và làm chủ các công nghệ mới, thể hiện bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và khát vọng vươn lên của con người Việt Nam.

Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 4.
Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 5.
Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 6.
Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 7.
Thủ tướng: Khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông gần 18.000 tỷ đồng là dấu mốc lịch sử- Ảnh 8.

Một số hình ảnh Cảng hàng không Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng

-Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng. Sau khi khánh thành, Cảng hàng không Điện Biên đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Công suất khai thác nhà ga hành khách 500.000 khách/năm. Hiện, đã khai thác các đường bay Hà Nội - Điện Biên và Thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên.

-Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài toàn tuyến 40,2km (đi qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63km, tỉnh Phú Thọ 28,57km), tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng với 4 làn xe, vận tốc 120km/h. Dự án được khởi công đầu năm 2021.

-Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1/2021. Dự án có điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Điểm cuối tạm thời kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu, trong tương lai sẽ tiếp nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Giai đoạn 1, dự án được thiết kế với quy mô bốn làn xe, vận tốc 80km/h.

-Dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền dài 6,61km, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2020.


Ý kiến của bạn

Bình luận