Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Khẩn trương hoàn thành Đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không trình Bộ Chính trị

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 20/12/2023 06:50

Đây là một trong số những yêu cầu được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 2024 của Cục Hàng không, tổ chức chiều qua (19/12).

Phản ứng nhanh, nhạy hơn các vấn đề thực tiễn đặt ra

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực của Cục hàng không nói riêng và người lao động ngành hàng không nói chung trong việc đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Khẩn trương hoàn thành quy hoạch, đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của ngành hàng không trong năm qua. Ảnh: Biển Ngọc

"Trong bối cảnh những khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường của tình hình quốc tế và trong nước, ngành GTVT nói chung, lĩnh vực hàng không nói riêng đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt 74 triệu khách, bằng 93,6% so với thời điểm 2019 (trước dịch Covid-19). Mạng đường bay quốc tế được phục hồi và từng bước mở rộng; mạng đường bay nội địa được duy trì và phát triển; an ninh, an toàn hàng không cơ bản được đảm bảo… là những "điểm sáng" trong năm qua của ngành hàng không", Bộ trưởng đánh giá.

Đề cập những vấn đề đặt ra ở hiện tại và thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Cục Hàng không VN cần tích cực phối hợp với các địa phương, tư vấn để cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện quy hoạch các cảng hàng không, trong đó đặc biệt là Cảng hàng không Nội Bài, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Khẩn trương hoàn thành quy hoạch, đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tham dự hội nghị. Ảnh: Biển Ngọc

Với Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không, theo Bộ trưởng, đây là đề án được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Thường trực Chính phủ cũng đã cho ý kiến để hoàn thiện, trước khi trình Bộ Chính trị.

"Vừa qua, nhiều địa phương đề xuất phương án kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng hàng không. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng trên 400.000 tỷ đồng, trong đó 50% Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) có thể đáp ứng được, còn lại phải huy động. Nhưng để chọn được nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng không là rất khó, bởi họ sẽ tính toán đến các yếu tố hạ tầng, lợi ích đi kèm để phục vụ cho chính doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn, giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc, chẳng hạn như đất đai", Bộ trưởng nói và yêu cầu Cục hàng không VN cần bám sát thực tiễn, phản ứng nhanh hơn, nhạy hơn trước các vấn đề thực tiễn đặt ra để hàng không có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một trong những yêu cầu thời gian tới được người đứng đầu Bộ GTVT đưa ra là tổng kết Luật Hàng không dân dụng; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo và trình Bộ GTVT Đề án xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi); hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không báo cáo Bộ GTVT trước 22/12/2023.

Về công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ, Bộ trưởng lưu ý vấn đề bố trí công việc để cán bộ có chuyên môn tốt được tham gia các lớp đào tạo, đảm bảo khi bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, quá trình tuyển dụng cần đặt niềm tin vào lớp cán bộ trẻ, thậm chí là sinh viên mới ra trường. "Các em đó có nhiệt huyết, có kiến thức. Còn nếu lo ngại vấn đề kinh nghiệm thì có thể đào tạo. Đào tạo 6 tháng đã khác, 1 năm chắc chắn trình độ các em sẽ khác, làm tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho đơn vị".

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị trong ngành cần quan tâm đến công tác an ninh, an toàn hàng không. "Năm vừa qua, tổng số sự cố tai nạn giảm nhưng vẫn xảy ra 1 tai nạn và 2 sự cố nghiêm trọng mức B, do đó công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không phải được quan tâm để làm tốt hơn nữa. Làm sao hàng không phải tuyệt đối an toàn. Các đồng chí có thể học tập, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trang bị thiết bị nhận diện, phát hiện, phối hợp với lực lượng công an để phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không", Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Khẩn trương hoàn thành quy hoạch, đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không- Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Biển Ngọc

Liên quan đến kiến nghị của một số hãng hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vấn đề trần giá vé máy bay đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội nhưng về cơ bản các ý kiến đều cho rằng, quy định giá trần là cần thiết, theo Luật Giá. "Nhưng có thể điều chỉnh, xem xét nâng trần giá vé lên", Bộ trưởng nói.

Với kiến nghị về cắt giảm hoặc loại bỏ một số loại thuế, phí nhằm giảm chi phí cho hãng và cho chính hành khách, Bộ trưởng đề nghị các hãng tổng hợp, đề xuất những loại thuế, phí nào đang bất cập, trên cơ sở đó Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét.

Về vấn đề điều phối slot, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh sắp tới có hàng chục máy bay không thể khai thác do một số lý do, Cục Hàng không VN cần phối hợp với các hãng có phương án điều chỉnh, sắp xếp để bù đắp số máy bay không thể đưa vào khai thác. "Bố trí tăng slot nhưng phải căn cứ các điều kiện về hạ tầng, nhân lực", Bộ trưởng lưu ý thêm và yêu cầu các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành ghi nhận các đề xuất, kiến nghị khác của các đơn vị, doanh nghiệp hàng không để tham mưu, đề xuất hướng giải quyết.

Dự báo 2024, vận chuyển hàng không đạt 80 triệu lượt khách

Báo cáo tại Hội nghị chiều nay, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Hồ Minh Tấn cho biết, năm 2023, tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022, giảm 7,4% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022 và bằng 77% so với năm 2019; vận chuyển nội địa đạt 42 triệu khách, giảm 3% so với năm 2022 và tăng 12% so với năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Khẩn trương hoàn thành quy hoạch, đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không- Ảnh 4.

Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Hồ Minh Tấn báo cáo về công tác năm 2023 và nhiệm vụ 2024. Ảnh: Biển Ngọc

Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở Trung Á. Mặc dù còn hạn chế nhưng các đường bay đến Trung Quốc và Nga cũng đã được khôi phục. Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến thị trường Ấn Độ và Úc.

Trong khi đó, mạng đường bay nội địa được duy trì và phát triển với 66 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với hơn 600 chuyến bay mỗi ngày. Bên cạnh việc khai thác các đường bay hiện hữu, trong năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ - Vân Đồn, Hà Nội - Cà Mau, TP. HCM - Điện Biên.

Tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không năm 2023 ước đạt 113,9 triệu khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 32,7 triệu khách, tăng 170,6% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 81,2 triệu khách, giảm 6,1% so với năm 2022.

Theo dự báo của Cục Hàng không VN và các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không năm 2024 là từ 80 triệu khách trong đó nội địa là 38,3 triệu khách và quốc tế là 41,7 triệu khách.

Trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, dự kiến năm 2024, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách (tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023). Trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 41,8 triệu khách (tăng 30,6% so với năm 2023).

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 58 triệu khách (tương đương năm 2023). Trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 19,5 triệu khách (tăng 30% so với năm 2023).

Hiện tại có 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, châu Á và Châu Phi đến các điểm của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.


Ý kiến của bạn

Bình luận