Thu phí trên cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đạt hơn 615 tỷ đồng phí

Năm 2015, số lượt phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đạt hơn 9,6 triệu lượt xe, mức phí thu về đạt hơn 615 tỷ đồng.

 

Thu phí trên cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu G
Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây phục vụ an toàn cho gần 10 triệu lượt xe trong năm 2015. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) cho biết: Sau khi thông xe toàn tuyến 55km (8/2/2015) cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, lượng xe lưu thông trung bình hiện nay vượt hơn 28.000 lượt xe ngày/đêm.

Tổng lưu lượng xe cả năm 2015 đạt hơn 9,6 triệu lượt xe, mức phí thu về đạt hơn 615 tỷ đồng. Trong năm 2015, VECE ghi nhận có khoảng 2.000 sự cố xảy ra trên tuyến, tuy nhiên hầu hết là sự cố nhỏ như nổ lốp, phương tiện hư hỏng.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây được khánh thành và đưa vào khai thác tháng 1/2014 và thông xe toàn tuyến từ tháng 2/2015. Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, đường cao tốc đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi đối với người tham gia giao thông trong việc vận chuyển đi lại, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra, thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh khu vực.

Cụ thể, quãng đường từ TPHCM đi huyện Long Thành, Đồng Nai dài khoảng 45km, thời gian lưu thông trước đây mất khoảng 60 phút thì hiện nay rút ngắn xuống còn khoảng 22km với thời gian lưu thông giảm chỉ còn khoảng 20 phút. Tương tự, chặng TPHCM-Vũng Tàu dài khoảng 120km, thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ, nhưng hiện nay, nếu đi tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông khoảng 1 giờ 30 phút.

Không những quãng đường và thời gian đi lại được rút ngắn mà chất lượng lưu thông cũng được đảm bảo, không xảy ra ùn tắc, hạn chế sự cố xảy ra.

Tuyến TPHCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A - hướng ra phía Bắc và hướng đi Liên Khương - khu vực Tây Nguyên) đi theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ do thường xuyên ùn tắc. Nếu đi theo đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây sẽ rút ngắn được 20km, thời gian chỉ còn 1 giờ, đồng thời tiết kiệm được 20% - 30% chi phí vận tải.

Với những thuận lợi như trên đã tạo điều kiện lớn để các doanh nghiệp vận tải tăng cường khả năng quay vòng xe, khả năng lưu thông hàng hóa và vận chuyển hành khách giữa các tỉnh thành trong khu vực, thúc đẩy giao thương giữa TPHCM với các tỉnh lân cận đặc biệt là hàng hóa từ cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM) đến các khu công nghiệp ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), cũng như vận chuyển hành khách từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM đến các địa danh du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt.

Đáng chú ý, hơn một năm, từ khi đưa vào khai thác đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, tỷ lệ hộ nghèo tại phường Long Phước, quận 9, TPHCM đã giảm từ 6,4% xuống 3,1%, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương với việc hình thành hệ thống các đường gom dân sinh, các đường liên thôn, liên ấp… Bên cạnh đó, tuyến cao tốc còn có tác động thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu vực quận 9, quận 2 (TPHCM), Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) với nhiều dự án mới quy mô, đồng thời tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương dọc 2 bên tuyến cao tốc.

Ngoài ra, đánh giá của các đơn vị làm du lịch cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng du lịch của TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng lên nhanh chóng. Lượng xe lưu thông qua đường cao tốc đến Vũng tàu vào các tháng hè và các ngày cuối tuần trong năm tăng cao. Cao điểm, vào một số ngày ngày lễ và thứ 7, lượng xe lưu thông trên đường cao tốc lên tới hơn 30.000 lượt xe/ngày/đêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận