Thí điểm sản xuất MBH cho phụ nữ các dân tộc miền núi

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 28/08/2015 06:38

Trong thời gian qua, phụ nữ dân tộc thiểu số với những yếu tố về phong tục, trang phục truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện, chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

1_7_1336096430_83_3-5,_Anh_9,_Noi_doi_mu_bao_hiem_
Dù việc đội mũ bảo hiểm trên búi tóc cao gặp nhiều khó khăn nhưng họ luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định. (Ảnh minh hoạ)

Sáng 27/8, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã tổ chức hội thảo “ Nghiên cứu giải pháp sản xuất mũ bảo hiểm cho phụ nữ đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc”. Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận “Uỷ Ban ATGT Quốc gia còn có thiếu sót là làm cách nào để thực hiện đúng chức năng và cách thức đội mũ nhưng vẫn phải giữ được nét đẹp truyền thống dân tộc. Ủy ban đã có đề án khởi động cuộc thi thiết kế đội mũ bảo hiểm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là dân tộc Thái. Tuy nhiên, sau khi tham khảo nhà sản xuất mũ bảo hiểm, trước khi khởi động cần bàn xem cách thức triển khai như thế nào, lấy ý kiến của các nhà văn hóa, sản xuất mũ bảo hiểm, các chuyên gia. Đây cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia”

_DSC0728
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận “Uỷ Ban ATGT Quốc gia còn có thiếu sót là làm cách nào để thực hiện đúng chức năng và cách thức đội mũ nhưng vẫn phải giữ được nét đẹp truyền thống dân tộc.

Mũ bảo hiểm chỉ là đội cho có

Theo đại diện các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất mũ bảo hiểm và chuyên gia văn hóa, việc thực hiện đội mũ bảo hiểm cho phụ nữ đồng bào dân tộc đang gặp nhiều khó khăn vì những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa.

_DSC0735
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết “ Công tác tuyên truyền vận động phụ nữ đồng bào dân tộc đội mũ bảo hiểm hiệu quả đạt được chưa cao. Do phong tục, quan niệm, thói quen và nhận thức còn những hạn chế nên một bộ phận không nhỏ phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cho rằng đội mũ bảo hiểm đi xe mô tô là không quen, vướng víu, chỉ đi lại trong thôn bản, làng, xã, nương đi một đoạn ngắn... không cần thiết phải đội mũ bảo hiểm”.

Khác với Thanh Hoá, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là dù có đội mũ bảo hiểm nhưng sự an toàn tính mạng của họ không cao.

Ông Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cho biết “ Để đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định, phụ nữ dân tộc thiểu số phải thay đổi trang phục truyền thống (tháo khăn, thay đổi kiểu buộc tóc) làm thay đổi nét đẹp văn hoá của phụ nữ dân tộc và làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của chị em phụ nữ với tập tục, quan niệm của mỗi dân tộc. Còn nếu để nguyên trang phục và đội mũ bảo hiểm thì làm hạn chế tác dụng của mũ bảo hiểm về bảo vệ, giảm chấn thương vùng đầu khi sảy ra tai nạn, đặc biệt với phụ nữ Thái búi tóc trên đỉnh đầu (tằng cẩu) thì gần như mũ bảo hiểm không có tác dụng”.

Theo báo cáo của lực lượng chức năng, những năm qua do giao thông miền núi phát triển, tình hình trật tự ATGT đã có những diễn biến phức tạp, TNGT có chiều hướng tăng cao. Bởi vì với nhận thức chủ quan không đội mũ bảo hiểm hay cách đội mũ trên tằng cẩu của người Thái đen, mũ bảo hiểm không che chắn được vùng đầu trong phạm vi cần bảo vệ nên không có khả năng giảm xung chấn tác động tới đầu khi xảy ra va chạm. Mũ không được cố định chắc chắn nên làm cho người đội bị phân tán, khi xảy ra tai nạn mũ bảo hiểm rất dễ lệch khỏi đầu và quai mũ sẽ có thể gây chấn thương vùng cổ người đội dẫn đến tử vong cao.

Thí điểm mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Tại hội thảo, ông Dương Anh Tài, đại diện nhà sản xuất mũ bảo hiểm Protec đưa ra hai phương án sản xuất mũ bảo hiểm là mũ bảo hiểm có lỗ phía trên đỉnh khi đội búi tóc xuyên qua lỗ này và phương án mũ bảo hiểm che phủ toàn bộ cả búi tóc và phạm vi cần bảo vệ của đầu.

“Khoét lỗ mũ trên đỉnh để mũ có thể ốp sát phần đầu là một giải pháp nhưng khả năng bảo vệ, đâm xuyên tại vị trí búi tóc cần nghiên cứu thêm. Hoặc làm chiếc mũ ôm toàn bộ vùng búi tóc và phần đầu người đội có thể đạt tất cả các chỉ tiêu nhưng trọng lượng nặng, mũ dễ xô lệch, chi phí sản xuất cao hơn mũ thông thường 30-60%”, ông Dương Anh Tài cho biết thêm.

Trên phương diện văn hoá, PGS.TS Lê Thị Hoài Phương cho biết “ Búi tóc cao trên đầu của người Thái đen không phải là tín ngưỡng mà là Luật tục của một tộc người. Búi tóc lên là chứng tỏ người con gái đã có chồng, người ta chỉ bỏ tằng cẩu khi gội đầu. Do đó, phụ nữ Thái bỏ tằng cẩu khi tham gia giao thông là vấn đề khó nhưng vẫn có thể vận động được vì Luật tục vẫn có thể thay đổi. Đối tượng vận động là chồng và gia đình người chồng”.

Bàn về phương án thực hiện, thượng tá Giàng Páo Sính, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Điện Biên đề nghị nên khảo sát, lắng nghe, lấy ý kiến của phụ nữ đồng bào các dân tộc. Cho họ xem các mẫu thiết kế mũ, đồng ý cái nào lấy luôn cái đó để đạt được hiệu quả cao.

Kết luận hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, các nhà sản xuất nên nghiên cứu đưa ra thiết kế mẫu của nón dành cho người phụ nữ có Luật tục tẳng cẩu trên đầu và khảo sát. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ chính thức có văn bản sang Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, phụ lục về quy chuẩn riêng dành cho đối tượng này đồng thời trong quá trình hoàn thiện xây dựng sẽ đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho sản xuất thí điểm nhằm tiếp tục hoàn thiện Quy chuẩn quốc gia .

“Nếu vận động được đồng bào thay đổi được Luật tục là tốt. Tuy nhiên, quá trình tuyên truyền vận động cần thời gian. Song song với đó, chúng ta vẫn tiếp tục thí điểm sản xuất đội mũ bảo hiểm dành cho phụ nữ dân tộc”, ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận