Tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư

Ý kiến phản biện 04/05/2015 06:30

Là một Ngành cần nguồn vốn đầu tư lớn vào các dự án giao thông, thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT luôn chú trọng công tác thu hút vốn đầu tư, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa quyết định trong chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.


Những năm qua, cùng với nguồn vốn ODA, ngân sách, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông ngày càng được đẩy mạnh thông qua hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thu hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, tồn tại; quá trình triển khai dự án còn gặp không ít trở ngại. Dưới đây là một số ý kiến của các nhà đầu tư để mô hình hợp tác công tư PPP ngày một hiệu quả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phải tạo được tính khả thi của dự án, mới hấp dẫn các nhà đầu tư - Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Chủ tịch HĐQT Cienco1

Khi mà nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn vay ODA ngày một cạn kiệt thì việc huy động các hình thức đầu tư… là một giải pháp thích hợp trong điều kiện hiện nay. Bởi vì, nó không chỉ mang hiệu quả trước mắt mà còn đảm bảo tính bền vững lâu dài, từ đây để huy động được sức mạnh tổng thể của các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ GTVT tiên phong đi trước “mở đường”, đi đầu phát huy chủ trương này, khẳng định sự thành công bước đầu. Là đơn vị đầu tiên của ngành GTVT thực hiện hình thức đầu tư này, Cienco1 là minh chứng rõ ràng nhất khi các dự án BOT tuyến tránh TP. Thanh Hóa, cầu Rạch Miễu… đang phát huy hiệu quả, đảm bảo thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

Đối với các dự án PPP đòi hỏi Nhà nước phải đặc biệt quan tâm, giám sát tất cả các khâu từ thiết kế, thi công, giải phóng mặt bằng… Nhà nước phải sát cánh cùng nhà đầu tư, cơ chế, quyền lợi giữa các bên phải được giải quyết thỏa đáng thì dự án mới phát huy được hiệu quả, từ đó mới thu hút được các nhà đầu tư.

Phần vốn nhà nước không được tính lãi suất trong thời gian xây dựng - Nguyễn Tuấn Huỳnh – Tổng giám đốc Cienco4

Với Bộ GTVT và các tổ chức tín dụng quy định phần vốn chủ sở hữu bỏ ra thì lãi suất không được tính trong quá trình xây dựng; rút ngắn thời gian về thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ thu phí, đề nghị các ngân hàng có thể liên doanh, liên kết theo thời gian đối với dự án sử dụng ngắn hạn cho đầu tư trung hạn và dài hạn.

Ngân hàng phải cho vay thời hạn trên 20 năm - Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Tasco

Về phương án tài chính của các dự án đầu tư, Nhà nước luôn mong muốn đầu tư với giá trị lớn, thường là thời gian thu phí trên dưới 20 năm. Trong khi đó, hệ thống tín dụng và các ngân hàng chỉ chấp thuận ở mức dưới 15 năm. Đây là một điều hai bên chưa “gặp nhau”, từ đó dẫn đến tình trạng một số dự án có tổng mức đầu tư từ 2.000 đến 3.000 tỷ đồng, với phương án tài chính 20 năm, thì gần như 7 đến 10 năm đầu mức thu không đủ để trả lãi vay, chứ chưa nói đến thu hồi vốn gốc. Ông Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cho vay trên 20 năm và cho vay lãi nhập gốc. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có chế tài để ngân hàng thương mại làm được điều này thì Bộ GTVT nên điều chỉnh thời gian thu phí cũng như tổng mức đầu tư của dự án.

Cần có cơ chế chỉ định thầu hoặc điểm cộng cho nhà đầu tư - Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật Nền móng và Công trình ngầm FECON

Là một nhà đầu tư tư nhân, tôi đánh giá cao chủ trương thu hút đầu tư xã hội vào hạ tầng giao thông. Đặc biệt gần đây, chính sự quyết liệt trong công tác tham mưu của Bộ GTVT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Nghị định chính là điều kiện dẫn hướng cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, tạo hành lang để có thể kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào.

Với loại hình PPP thì Nhà nước sẽ tham gia vào một phần trong dự án để tạo hiệu quả cho dự án, đây là cái được lớn nhất. Bởi vì, nhà đầu tư tham gia đầu tư mà không thấy hiệu quả thì không đầu tư, ngân hàng không cấp vốn. Nhà nước tham gia đầu tư một phần cho dự án chính là thay cho việc đảm bảo trước đây. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào đầu tư, yêu cầu Nhà nước phải có bảo lãnh thì việc Nhà nước tham gia đầu tư một phần chính là sự đảm bảo tính khả thi của dự án. Tôi hy vọng, Nghị định ra đời sẽ đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với các dự án có độ hấp dẫn không cao, Nhà nước cần có cơ chế tham gia dự án, đưa dự án từ âm trở về dương và cho phép nhà đầu tư vào khai thác trước. Sau khi dự án hoàn thành, để khi nhà đầu tư hoàn vốn có thể bàn giao cho Nhà nước khai thác phần sau, đề nghị Nhà nước cần có chế để lôi kéo vốn ODA, vốn vay thương mại nước ngoài vào phần vốn đối ứng của Nhà nước để không quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; cần có cơ chế ưu tiên chỉ định thầu, nếu đấu thầu có điểm cộng cho nhà đầu tư theo đuổi dự án, dẫn dắt nhà đầu tư nước ngoài vào dự án. Vấn đề là đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả phần vốn tham gia của Nhà nước.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận