Sơ cứu khi bị tai nạn giao thông

Bạn đọc 17/12/2015 15:42

Chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cứu tai nạn thường gặp trong cuộc sống


 

Cố định cho nạn nhân bị gãy xương ở cẳng chân và đùi.

Cố định cho nạn nhân bị gãy xương ở cẳng chân và đùi.

(Ảnh minh họa)

- Thưa bác sĩ, để sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông, trước tiên cần phải làm gì?

- Việc đầu tiên là cần kiểm soát đường hô hấp người bị nạn, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải dùng tay móc ngay ra.

Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đưa đến cơ sở y tế kiểm tra.

Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: thông đường thở, làm người bị nạn thở được (hà hơi, hồi sức); kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết: Chuyển ngay đến cơ sở y tế.

Lưu ý, cần từ 2-3 người nhấc người bị nạn lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện. Không để nạn nhân nằm ngửa.

- Phải làm gì để cầm máu vết thương ngay tại chỗ?

- Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm người bị nạn thở được (hà hơi, hồi sức); kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết; chuyển ngay đến cơ sở y tế.

- Với người bị gãy xương, cần phải làm gì?

- Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện.

Gãy đốt sống cổ

Không được để nạn nhân cố vận động mà phải đỡ đầu và cổ nạn nhân cho đến khi cán bộ y tế đến cấp cứu. Giải phóng nạn nhân khỏi các vật cản như mũ, xe. Trong khi chờ xe cứu thương, việc nên làm là nới rộng cổ áo và lót vòng đệm cổ. Có thể tự chế vòng đệm cổ bằng cách gấp 1 tờ báo lại với bề rộng khoảng 10cm. Sau đó dùng băng tam giác gói lại hoặc nhét tờ báo đã gấp lại đó vào trong chiếc tất dài, đặt phần giữa của vòng đệm cổ vào phía trước của cổ ngay phía dưới cằm, xé quần áo nạn nhân quấn chung quanh cho êm, tạo thành mảng nẹp. Quấn vòng đệm quanh cổ nạn nhân và buộc nút ở phía trước của cổ. Khi quấn phải bảo đảm chắc chắn rằng vòng đệm cổ không gây cản trở đường thở. Khi vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế phải cho nạn nhân nằm, tuyệt đối không được ngồi.

Gãy xương sống (gãy cột sống): Để nạn nhân nằm yên, gấp vải, chăn để dọc sát 2 bên thân. Đỡ vai và khung chậu của nạn nhân đặt đệm mềm vào giữa 2 chân. Buộc băng hình số 8 ở quanh cổ chân và bàn chân, buộc các dải băng to ở đầu gối và đùi. Khi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế, phải đặt nạn nhân nằm cố định trên đệm cứng với tư thế duỗi thẳng trên mặt phẳng, vì vậy cần nhiều người nâng đỡ.

Gãy khung chậu: Đặt nạn nhân nằm ngửa, chân duỗi thẳng, dùng gối, chăn, màn mỏng kê ở dưới gối. Buộc 2 vòng băng to bản ở khung chậu, băng số 8 chung quanh mắt cá chân và bàn chân và băng 1 băng rộng bản ở đầu gối. Khuyên nạn nhân bất động, giảm đau, chống sốc và vận chuyển người bệnh nhẹ nhàng trên ván cứng về cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Chấn thương cột sống lưng - thắt lưng: Các đốt sống có thể bị gãy, các dây chằng đĩa đệm bị rách, đứt và vỡ. Chấn thương vùng thắt lưng có thể phối hợp với các thương tổn trong ổ bụng như chảy máu trong ổ bụng, vỡ ruột hoặc các nội tạng rỗng, tổn thương niệu quản, bàng quang, gan, lách.

Đặt nạn nhân lên tấm ván cứng có chiều dài bằng cơ thể. Trong khi nâng nạn nhân lên cáng, cố gắng đừng để cột sống bị xoắn và gấp góc. Dùng vải buộc 2 chân người bệnh với nhau, buộc thân người và cố định đầu người bệnh vào cáng. Khi vận chuyển tới cơ sở y tế, không để bệnh nhân bị dịch chuyển, người bị nghiêng.

- Cần tuyệt đối tránh những hành động gì khi sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông?

- Không lấy bỏ bất cứ dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều, có thể  tử vong.

Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ.

Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định.

Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp.

Không đưa bất cứ vật lạ, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.

-Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Ý kiến của bạn

Bình luận