Ô nhiễm dầu và cơ chế đền bù thiệt hại ô nhiễm dầu tại Việt Nam

Ý kiến phản biện 24/10/2012 10:57


Tóm tắt: Ô nhiễm môi trường biển nói chung và ô nhiễm biển do dầu nói riêng đang ngày càng gia tăng, tuy nhiên cơ chế pháp lý về phòng, chống ô nhiễm biển do dầu đã và đang là một vấn đề lý luận và thực tiễn khá bức xúc tại Việt Nam hiện nay. Trong phạm vi bài viết, tác giả phác họa bức tranh tổng quát về tình hình ô nhiễm biển do dầu tại Việt Nam; đồng thời nêu lên hiện trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật cũng như đề xuất tham gia điều ước quốc tế liên quan có tính đến hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về khắc phục hậu quả thiệt hại ô nhiễm biển do dầu tại Việt Nam. 

Pollution of the sea environment in general and the sea pollution by oil in particular are increasing, but the legal mechanisms to prevent and compensation for sea pollution by oil was and is a theoretical and practical issues in Vietnam today. In the scope of this Article, the author outline a comprehensive overview on the status of sea pollution by oil in Viet Nam; simultaneously, raising present legal status and practical application of legislation as well as ratifying relevant IMO convention taking into account the particular circumstances of Vietnam in order to contribute to improving the legal system on compensation for sea pollution damage caused by oil in Vietnam.

 

Sự gia tăng ô nhiễm biển do dầu tại Việt Nam

Có thể nói, ô nhiễm biển và đại dương do dầu luôn được xem là nguồn ô nhiễm nguy hiểm của môi trường biển, trong đó nguồn ô nhiễm do dầu từ tai nạn tàu (tàu chở dầu bị đắm, đâm va… trên biển và đại dương) là đáng quan tâm nhất, bởi hơn 60% tổng sản lượng dầu mỏ khai thác trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Mặt khác, hậu quả của ô nhiễm biển do dầu từ tàu trong các vụ tai nạn nặng nề, thảm khốc đến nỗi mà mỗi khi sự cố tràn dầu xảy ra, người ta thường ví nó như một thảm họa lớn của môi trường biển. So với ô nhiễm biển do dầu từ hoạt động tàu thuyền gây ra, nếu tổn thất gây ra cho môi trường thường khó phát hiện ngay được với một hàm lượng dầu trong nước biển tăng chậm thì ngược lại, ô nhiễm biển do dầu từ các vụ tai nạn tàu làm hàm lượng dầu trong nước biển tăng lên đột biến, đưa lại ảnh hưởng trực tiếp, ngay tức khắc và rất rõ ràng tới môi trường biển, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người về mọi mặt.

Việt Nam nằm cạnh tuyến đường hàng hải quan trọng Thái Bình Dương, có mật độ tàu thuyền qua lại lớn nên khả năng ô nhiễm biển do tàu thuyền gây ra là rất lớn. Môi trường biển ở Việt Nam đang bị ô nhiễm, do sự phát triển mạnh mẽ của các đội tàu dầu, sự đẩy mạnh các hoạt động hàng hải, sự “già “ đi nhanh chóng của hiện trạng đội tàu trên thế giới (trên 50% đội tàu thế giới có tuổi từ 15 trở lên, Việt Nam: đội tàu có độ tuổi trung bình là 17 năm). Đây là những dấu hiệu báo trước của nguy cơ ô nhiễm biển sẽ ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy từ năm 1987 đến nay, đã xảy ra hơn 90 vụ tràn dầu ở Việt Nam gây tổn thất lớn về sinh thái và kinh tế xã hội. Báo cáo hiện trạng môi trường đã chỉ ra rằng chất lượng môi trường biển và ven biển bị suy giảm nghiêm trọng. Nước biển ở một số khu vực có biểu hiện axít hóa do độ pH trong nước biển tầng mặt biến đổi trong khoảng 6,3 – 8,2. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm, một số chủng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận làm chết các loại tôm cá đang nuôi trồng ở những khu vực này. Chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của nhiều loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng sinh học vùng bờ. Có khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 70 loài đó được đưa và Sách Đỏ Việt Nam. (1)

 Đứng trước nguy cơ ô nhiễm biển do dầu, đặc biệt là các sự cố tràn dầu do các vụ đâm va tàu thuyền trên biển, một vấn đề được đặt ra là kinh phí làm sạch môi trường và liệu Việt Nam có nhận được đền bù thỏa đáng từ các sự cố ô nhiễm dầu tràn?.

Cơ chế đền bù thiệt hại ô nhiễm dầu tại Việt Nam

Đối với mỗi quốc gia ven biển, sự trong sạch của môi trường biển có tầm quan trọng sống còn. Nó đảm bảo môi sinh cân bằng cho động thực vật biển và tạo điều kiện lành mạnh cho người sử dụng. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thức rõ sự phát triển kinh tế phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.

Tại Hội nghị Rio de Janerio, Chính phủ Việt Nam tuyên bố Chiến lược phát triển của quốc gia mình: “ Việt Nam nhận thức rõ thực tế rằng biển và đại dương có ý nghĩa đặc biệt đối với sự sống trên hành tinh của chúng ta, và nước chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh chống việc biến biển hay đại dương thành các bãi phế thải và rác vì điều này sẽ nhanh chóng huỷ hoại các hệ sinh thái biển và tài nguyên thiên nhiên, hậu quả là gây ra các ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Cần phải có các biện pháp thống nhất để quản lý biển và đại dương thông qua việc tăng cường sự hợp tác quốc tế và khu vực, và thông qua các cố gắng có phối hợp nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm biển và duy trì tính đa dạng sinh học của biển”.

Là thành viên của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982, của Tổ chức Hàng hải Quốc tế – IMO, Việt Nam có quyền đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước của IMO về tiêu chuẩn kỹ thuật và con người như: Công ước Quốc tế về mạn khô – Loadlines 1966, Công ước Quốc tế về đo dung tích tàu biển – Tonnage 1969; Công ước Quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển – Colreg 72; Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu – Marpol 73/78; Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển – Solas 74; Công ước Quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, thi, cấp chứng chỉ chuyên môn và bố trí chức danh đối với thuyền viên – STCW 78/95…Tuy nhiên, trên thực tế tai nạn vẫn xảy ra, dù tàu và thuyền viên đáp ứng đủ những chuẩn mực mà các công ước quốc tế nêu ra. Là quốc gia ven biển, quốc gia có cảng, quốc gia tàu mang cờ, Việt Nam cần phải xây dựng một cơ chế pháp lý vững chắc cho việc đền bù các thiệt hại ô nhiễm dầu từ tàu gây ra trong vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia mình.

Ở Việt Nam, cho đến thời điểm này, các quy định về bồi thường thiệt hại ô nhiễm biển do dầu vẫn còn nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau. Ngoài ra, các quy định xử phạt lại không có sự thống nhất, gây nhiều khó khăn và phức tạp khi áp dụng. Qua thực tiễn giải quyết đền bù và kết quả thu được sau mỗi lần giải quyết cho thấy: sau mỗi vụ tai nạn tàu chở dầu, thiệt hại cho môi trường biển trước mắt cũng như lâu dài và thiệt hại mà những người liên quan trực tiếp phải gánh chịu như đánh bắt, du lịch là rất lớn, nhưng mức bồi thường không đáng kể; Việc bồi thường chủ yếu dựa trên cơ sở thoả thuận, nhân nhượng giữa các bên; Chính quyền địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình giải quyết khiếu nại, đòi bồi thường..

Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam mới chỉ tham gia Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu 1992 (CLC 92); Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (Bunker 2001) mà chưa tham gia Công ước quốc tế về việc thành lập Quỹ quốc tế bồi thường tổn thất ô nhiễm dầu 1992 (FUND 92).Theo CLC 92 và Bunker 2001, các chủ tàu sẽ được giới hạn trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại ô nhiễm dàu do tàu mình gây ra. Vậy đối với các trường hợp sự cố ô nhiễm vượt quá giới hạn trách nhiệm của chủ tàu thì sao? Đây là vấn đề chúng ta có thể giải quyết được nếu tham gia Công ước FUND 92 thay vì tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước như hiện nay. Xuất phát từ những lợi ích mà FUND 92 mang lại, có thể thấy chỉ có thể tham gia FUND 92, bên cạnh CLC 92, Việt Nam mới có thể đảm bảo mọi thiệt hại do ô nhiễm dầu xảy ra trên vùng biển quốc gia mình được đền bù đầy đủ, thoả đáng; thúc đẩy phát triển hoạt động hàng hải ở Việt Nam, giúp cho Việt Nam giải quyết được bài toán hóc búa “phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”, góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng hoà nhập với khu vực và thế giới.

(1)   Việt Nam: Ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng, Minh Quang.

Đặng Thanh Hà

Cục Hàng hải Việt Nam


 

Ý kiến của bạn

Bình luận