Northrop Grumman chế tạo máy bay ném bom tầm xa thay thế B-52 và B-1

Ứng dụng 30/10/2015 12:25

Hợp đồng được chia làm nhiều giai đoạn với tổng giá trị lên đến 80 tỉ USD.

 

Công ty công nghệ phòng thủ và không gian Northrop Grumman đã giành được hợp đồng chế tạo thế hệ máy bay ném bom tấn công tầm xa (Long Range Strike Bomber - LRSB) theo yêu cầu của Không lực Hoa Kỳ nhằm thay thế cho phi đội máy bay ném bom B-52 Stratofortress và B-1 Lancer đã hơn 60 năm tuổi. Hợp đồng được chia làm nhiều giai đoạn với tổng giá trị lên đến 80 tỉ USD.

LRSB là chìa khóa quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa Không lực Hoa Kỳ. Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ - Ashton Carter cho biết: "Chế tạo chiếc máy bay này là một kế hoạch chiến lược trong vòng 50 năm tới và nó thể hiện cam kết của chúng tôi về một lực lượng mạnh và cân bằng. Chiếc máy bay đồng thời cũng thể hiện cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh và sự cương quyết của chúng tôi trước những kẻ thù tiềm năng, thể hiện rõ rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh trên toàn cầu trong tương lai."

Giai đoạn đầu của hợp đồng trị giá 23,5 tỉ USD sẽ dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển LRSB. Giai đoạn thứ 2 của hợp đồng sẽ là một loạt các tùy chọn để mua 5 lô sản phẩm đầu tiên với 21 máy bay. 56,4 tỉ USD còn lại dành cho hoạt động mở rộng sản xuất, tạo lập phi đội 100 chiếc LRSB, giá trị mỗi chiếc không quá 550 triệu USD (tính theo tỉ giá năm 2010) hay 564 triệu USD (tính theo tỉ giá năm 2016).

Như vậy mục tiêu của chương trình LRSB là giữ chi phí phát triển trong tầm kiểm soát bằng cách chỉ sử dụng các công nghệ đã "trưởng thành" và tập trung đổi mới các ứng dụng của chúng thay vì tìm kiếm những khả năng mới mang tính may rủi. Và một lý do dẫn đến hướng tiếp cận này là nó dựa trên kinh nghiệm của Northrop Grumman với chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.

Như đã biết chương trình phát triển B-2 Spirit của Northrop Grumman đã bị cắt ngắn một phần là do chiến tranh lạnh kết thúc và một phần là do chi phí sản xuất bị đội lên quá lớn khiến Northrop sau cùng chỉ cho ra lò 21 chiếc B-2 Spirit trên 132 chiếc theo kế hoạch. Chi phí cho chương trình B-2 Spirit ước tính vào khoảng 44,75 tỉ USD như vậy mỗi chiếc máy bay có tổng chi phí vào khoảng 2,13 tỉ USD. Tuy nhiên, hơn một nửa chi phí này là chi phí chìm bao gồm những trục trặc trong giai đoạn phát triển.

Mặc dù chi phí flyaway cho mỗi chiếc B-2 Spirit (bao gồm chi phí sản xuất thực tế và chi phí vận chuyển cho mỗi chiếc máy bay một khi quá trình phát triển hoàn tất, không tính tất cả các chi phí phát triển khác) được báo trước là sẽ vào khoảng 566 triệu USD nhưng Văn phòng kế toán tổng hợp thuộc chính phủ Hoa Kỳ (GAO) đã công bố rằng chi phí sản xuất thực của mỗi chiếc máy bay B-2 Spirit (bao gồm cả chi phí phần mềm và linh kiện) đã lên đến 929 triệu USD. Và thậm chí là sau khi được chuyển giao, B-2 Spirit vẫn là mẫu máy bay có chi phí vận hành cao nhất thuộc biên chế Không lực Hoa Kỳ. Theo tính toán, chi phí bảo trì bao gồm việc bảo quản chiếc máy bay này trong những hangar đặc biệt có điều hòa nhiệt độ để bảo vệ lớp vỏ tàng hình của nó đã tiêu tốn khoảng 3,4 triệu USD mỗi tháng và mỗi giờ bay trên trời, B-2 Spirit "đốt" 135.000 USD. 

Chưa rõ hình thù chiếc máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới của Mỹ sẽ ra sao nhưng dựa trên video quảng cáo của Northrop trong đó có hình ảnh về một mẫu máy bay được phủ vải trắng (0:16 video trên) thì rất có thể nó sẽ lai giữa B-2 Spirit và máy bay không người lái X-47B.

Để giành được hợp đồng trên, Northrop Grumman đã phải vượt qua Boeing và Lockheed Martin. Các nhà phân tích cho rằng lý do khiến Northrop giành được hợp đồng là nhằm giúp công ty duy trì năng lực sản xuất của mình, tránh nguy cơ "lụt nghề" kể từ chương trình B-2 Spirit. Đồng thời cả 2 gã khổng lồ đều đã có hợp đồng riêng khi Boeing đảm nhận một chương trình phát triển máy bay tiếp nhiên liệu còn Lockheed dẫn đầu chương trình F-35. Tuy nhiên, các quan chức thuộc Không lực cho biết sự cân bằng về các hợp đồng không đóng bất cứ vai trò nào trong quyết định chọn Northrop Grumman cho chương trình LRSB. Với quyết định này, Không lực Hoa Kỳ khả năng sẽ phải đối mặt với sự phản đôi từ Boeing, Lockheed cũng như các chỉ trích từ phía Nghị viện.

Ý kiến của bạn

Bình luận