Những lưu ý về thi lấy bằng thuyền viên phương tiện thủy theo quy định mới

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 11/03/2024 17:14

Theo quy định tại văn bản hợp nhất Bộ GTVT vừa ban hành, thí sinh thi lấy bằng thuyền viên phương tiện thủy thi lý thuyết và thực hành; môn lý thuyết gồm cả thi trắc nghiệm và vấn đáp.

Những lưu ý về thi lấy bằng thuyền viên phương tiện thủy theo quy định mới- Ảnh 1.

Người điều khiển, làm việc trên phương tiện thủy phải có bằng, chứng chỉ thuyền viên theo quy định

Bộ GTVT vừa ban hành Văn bản số 04/VBHN-BGTVT "Quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa". Văn bản trên xác thực hợp nhất các Thông tư số 40/2019 (có hiệu lực từ 1/1/2020), Thông tư số 35/2020 (có hiệu lực từ 15/2/2021) và Thông tư số 38/2023 (có hiệu lực từ 15/2/2024) của Bộ GTVT quy định về lĩnh vực trên.

Đáng chú ý, quy định hợp nhất có một số nội dung mới, đáng chú ý về các môn thi, hình thức thi để được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ thuyền viên, người lái phương tiện thủy (gọi tắt là bằng thuyền viên).

Cụ thể, để lấy bằng thuyền viên, thí sinh phải thi, kiểm tra hai môn: lý thuyết và thực hành. Đề thi được Hội đồng thi lựa chọn trong ngân hàng câu hỏi do Cục Đường thủy nội địa VN ban hành.

Về thi lý thuyết, gồm thi lý thuyết tổng hợp và lý thuyết chuyên môn. Thi lý thuyết tổng hợp theo hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính; mỗi đề thi có 30 câu hỏi, làm đúng 25 câu trở lên là đạt yêu cầu; thời gian thi tối đa 45 phút. Còn thi lý thuyết chuyên môn được thực hiện theo hình thức: vấn đáp, thời gian tối đa 45 phút, gồm thời gian chuẩn bị tối đa 30 phút và hỏi, đáp tối đa 15 phút.

Đối với các môn thi, kiểm tra thực hành, nội dung gồm các kỹ năng cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý các tình huống thường gặp trong thực tế. Cách thức thi, kiểm tra do Hội đồng thi quyết định và có sự khác nhau về thời gian thi đối với mỗi loại bằng.

Cụ thể, thời gian thi bằng thuyền trưởng hạng nhất tối đa 120 phút; thuyền trưởng hạng nhì tối đa 90 phút; thuyền trưởng hạng ba tối đa 60 phút; thuyền trưởng hạng tư tối đa 45 phút; thời gian kiểm tra chứng chỉ thủy thủ, chứng chỉ lái phương tiện và chứng chỉ chuyên môn đặc biệt tối đa 30 phút.

Riêng với thi, kiểm tra lấy bằng máy trưởng hạng nhất, máy trưởng hạng nhì, máy trưởng hạng ba và chứng chỉ thợ máy không thi, kiểm tra môn thực hành.

Kết thúc thi, cơ quan tổ chức thi (Cục Đường thủy nội địa VN, Sở GTVT, Cơ sở đào tạo) cấp bằng thuyền viên cho thí sinh đạt kết quả thi, kiểm tra trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định công nhận đạt yêu cầu và trả bằng cho thi sinh. Trường hợp thí sinh chưa đạt kết quả chung để được cấp bằng, được bảo lưu kết quả thi, kiểm tra của môn đã đạt yêu cầu và được tham gia vào các kỳ thi, kiểm tra do cơ quan đó tổ chức trong thời gian 12 tháng.

Cũng đáng chú ý, so với trước đây, quy định mới tạo điều kiện thuận lợi hơn để người đã có bằng thuyền viên dự thi nâng hạng bằng thuyền trưởng, máy trưởng các hạng nhất, nhì.

Cụ thể, đối với bằng thuyền trưởng hạng nhất, điều kiện để dự thi: Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có bằng thuyền trưởng hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng nhì hoặc đảm nhiệm chức danh thuyền phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng hạng nhất đủ 24 tháng trở lên.

Đối với bằng máy trưởng hạng nhất, điều kiện để dự thi: có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có bằng máy trưởng hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm chức danh máy trưởng hạng nhì hoặc đảm nhiệm chức danh máy phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng hạng nhất đủ 18 tháng trở lên. Quy định mới này cũng cho phép trường hợp đã đảm nhiệm chức danh máy phó từ đủ 18 tháng được dự thi.

Ý kiến của bạn

Bình luận