Những lớp học tềnh toàng của học sinh miền núi trước ngày khai giảng

05/09/2017 07:12

Tại nhiều điểm trường của các xã vùng núi huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), dù năm học mới chuẩn bị bắt đầu nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn trăm bề.

tam-van
Một lớp học tạm bợ tại khu Lót, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh

Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa về phía Tây khoảng 100 km, Lang Chánh là một trong số những huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa.

Các điểm trường lẻ ở các thôn, bản vùng sâu vùng xa, cơ sở vật chất vẫn còn vô vàn thiếu thốn, nhiều lớp học vẫn còn được dựng tạm bợ bằng tranh tre nứa lá, còn các trường mầm non thì không có đồ chơi cũng như khu vui chơi cho trẻ.

 Các điểm trường này đều cách trung tâm xã hàng chục cây số, đường đất gập ghềnh và khi mưa xuống thì lầy lội khó đi, chỉ còn cách đi bộ.

Tại xã Tam Văn, huyện Lang Chánh có 2 khu trường ở điểm lẻ là bản Lót và bản Phá. Ở đây, từ lớp học cho đến khu nhà giáo viên chỉ được làm sơ sài bằng cây luồng, cây nứa và lợp bằng lá cọ.

nam-hoc-moi
Các em nhỏ chuẩn bị bàn ghế cho năm học mới

Ngoài ra, điểm trường làng Húng ở xã Giao Thiện (cùng huyện) cách trung tâm xã khoảng 8km, vẫn có 1 khu nhà lợp bằng lá với 1 lớp học, 1 khu phòng làm việc của giáo viên và 1 nhà ở giáo viên hay khu vui chơi được làm từ tranh tre, nứa lá.

Cùng chung tình trạng lớp học tạm bợ, xuống cấp là khu Vịn và khu Cơn của xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh. Không chỉ giao thông đi lại khó khăn, tại những điểm này vẫn còn chưa có điện lưới.

Để đi vào điểm trường ở bản Vịn, phải đi qua một con suối lớn, vào những ngày mưa lũ, học sinh hầu hết khó có thể đến trường.

ban-vin
Nhà sinh hoạt của giáo viên làm bằng tranh tre nứa lá.

Tại khu Cơn, thuộc trường tiểu học Yên Thắng II cũng có 1 khu được lợp lên bằng những lá kè, cọ. Thậm chí, khu vui chơi cho trẻ mầm non được làm bằng những cây luồng ghép lại với nhau, bên trên lợp bằng những lá kè, đã mục nát theo thời gian.

khu-vui-choi
Đây là khu vui chơi của trẻ em ở khu Cơn, xã Yên Thắng

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, hiện nay toàn huyện có 54 điểm trường lẻ với 12 phòng học tạm, vẫn thiếu 117 phòng học. Về cơ sở vật chất đối với mầm non mới đáp ứng được hơn 50%, các công trình còn thiếu như khối phòng học, khối phòng hành chính quản trị, nhà bếp, nhà vệ sinh...

lop-hoc-xt
Một lớp học tạm bợ ở xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa trước ngày khai giảng

Ngoài ra một số trường mầm non phải cho trẻ học trong các phòng tạm, phòng tranh tre. Thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh, đồ chơi trẻ em hiện nay mới đáp ứng được hơn 50% nhu cầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận