Nhiều ý kiến đồng tình đầu tư Cảng hàng không Long Thành

Bạn đọc 09/10/2014 08:37

Chiều nay, nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp UBTVQH nghe Chính phủ báo cáo về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã đồng tình với chủ trương đầu tư dự án đặc biệt quan trọng này. Qua thẩm tra sơ bộ dự án, đa số ý kiến của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng tán thành chủ trương đầu tư Long Thành.


Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng báo cáo Thường vụ Quốc hội về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng báo cáo Thường vụ Quốc hội về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành

“Trước khi đi giám sát, chúng tôi đặt hàng loạt câu hỏi…”

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH về dự án CHK quốc tế Long Thành chiều nay 8/10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nói, trước khi đi giám sát, chúng tôi đã đặt ra hàng loạt câu hỏi sao không mở rộng CHK Tân Sơn Nhất, sao lại chọn Long Thành nhưng sau khi làm việc tại TP HCM mới biết tiền mở rộng Tân Sơn Nhất còn đắt hơn làm giai đoạn 1 của Long Thành.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo tình hình tăng trưởng của hàng không và khẳng định việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết và cấp bách, nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp của UBTV Quốc hội đã ủng hộ dự án và đồng thuận trình Quốc hội xin ý kiến đầu tư dự án này.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, giai đoạn 2002-2012, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm. Năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt lưu lượng 20 triệu khách, dự kiến đến năm 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế 25 triệu khách/năm và quá tải sau đó. Dự kiến đến năm 2025 lượng hành khách là 40,4 triệu/năm.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (Đoàn TP.HCM) phát biểu: “Trước cũng có ý kiến thế này thế kia nhưng sau nhiều hội thảo TP HCM đã thống nhất với Bộ GTVT về việc xây mới cảng hàng không quốc tế Long Thành. 2 sân bay nhưng gần như là 1 sân bay nếu được kết nối bằng đường cao tốc, Long Thành Cách TP HCM có 40km”.

Ông Lập đề nghị dự án này phải huy động tối đa vốn nước ngoài. Nếu được Quốc hội thông qua thì phải cương quyết sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến. Tránh đầu tư những phần không cần thiết để tránh đội giá. Về tiền vốn, cách là huy động nhiều nguồn vốn. Được biết, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đã xin đầu tư.

Mở rộng Tân Sơn Nhất hoàn toàn không khả thi

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết: “Dự án đã được hình thành từ rất lâu. Tôi đã nghe nhiều ý kiến cả đồng tình và không đồng tình của nhiều tổ chức cá nhân. Nhưng theo tôi thì ý kiến đồng tình nhiều hơn”.

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự đồng tình chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành và yêu cầu làm rõ hơn một số nội dung trước khi trình ra Quốc hội

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự đồng tình chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành và yêu cầu làm rõ hơn một số nội dung trước khi trình ra Quốc hội

Tôi thấy mở rộng TSN là hoàn toàn không khả thi. Khu vực này không khác gì lòng chảo. Không thể nào để sân bay quốc tế lọt thỏm trong thành phố như thế. Mà có mở rộng sân bay thì chỉ mở rộng đường băng chứ không thể có đường kết nối được. Xung quanh sân bay đã xây dựng toàn nhà cao tầng, cần mở rộng thì đền bù không nhỏ, ông Sơn nói.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn, Long Thành địa hình tốt, bằng phẳng. So với các nơi khác, xây cảng hàng không ở đây là đền bù rẻ nhất. Lại nằm trong khu vực tam giác phát triển kinh tế TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương.

Ông Sơn nhất trí với các ý kiến phát biểu trước đó về việc trình dự án ra Quốc hội thông qua chủ trương, tuy nhiên, cũng bầy tỏ lo ngại trong việc tìm vốn cho dự án. Lo ngại này nhân được sự đồng tình của Chủ nhiệm hội đồng dân tộc QH Ksor Phước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa khẳng định cơ sở chính trị để đầu tư dự án là phù hợp, cơ sở pháp lý cũng rất rõ ràng. “Tại sao không chọn miền Bắc, miền Trung mà là miền Nam mà cụ thể là Long Thành? Tôi cho rằng vì đây là vị trí quan trọng, trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh so với vị trí khác trong khi vẫn đáp ứng mục tiêu kinh tế” – ông Khoa nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh đây là dự án quan trọng quốc gia. Tác động mạnh mẽ đến KTXH, liên quan đến ANQP.

Cần giải trình rõ hơn việc bỏ nguồn vốn lớn như thế thì rõ khả năng cạnh tranh với các sân bay khác trong khu vực ra sao. Hiệu quả thế nào?

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị đánh giá rõ hơn hiệu quả kinh tế của dự án, bao nhiêu hộ dân phải di dời, tái định cư, rất cần con số thực tế.

Cần giải trình thêm về hiệu quả, nguồn vốn và chính sách đặc thù nếu được QH thông qua

Tuy còn băn khoăn nhưng Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành việc trình QH để quyết định chủ trương đầu tư CHK Long Thành và đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra. Chính phủ cần có giải trình đầy đủ về vốn, GPMB, phương án đầu tư, phân kỳ đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội, bà Ngân nói.

Trước đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Phúc đã trình bày thẩm tra sơ bộ Báo cáo đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành, khẳng định đa số ý kiến tán thành với chủ trương đầu tư Dự án. Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng về cơ bản, Dự án được nghiên cứu phù hợp với Quy hoạch phát triển KTXH của vùng, phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT.

“Báo cáo đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành đã đáp ứng bước đầu những nội dung chủ yếu theo yêu cầu của giai đoạn lập Báo cáo đầu tư (báo cáo tiền khả thi) theo quy định của Quốc hội” – ông Phúc nói.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng đề nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết và tầm chiến lược phải xây dựng CHK quốc tế Long Thành; tính hợp lý, khả thi trong dự toán vốn, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho GTVT nói riêng.

Đặc biệt là khả năng tham gia của nhà đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài… Uỷ ban Kinh tế QH cũng yêu cầu đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công và khả năng cân đối vốn, trả nợ vay; tác động của CHK quốc tế Long Thành đối với sự phát triển của ngành hàng không VN, làm rõ cơ chế chính sách đặc thù cần trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư Dự án.

Theo quy hoạch được duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phân kỳ đầu tư theo ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 (đến 2025): hình thành Cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 (đến 2030): nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 (sau 2030): nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư Nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 02 đường cất hạ cánh với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (7,8 tỷ USD).

Đề xuất phân kỳ đầu tư của Chính phủ

Để giảm áp lực vốn đầu tư trong tình hình khó khăn hiện nay; rút ngắn thời hạn đưa công trình vào khai thác; kết hợp khai thác, tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất việc phân kỳ đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án thành các giai đoạn 1a và 1b ở thời điểm hiện nay là cần thiết, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1a: Xây dựng nhà ga chính có 01 nhánh trung tâm, 01 đường cất hạ cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/ năm, với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 119.000 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), mở cửa vào năm 2023; Giai đoạn 1b: Xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.

Phương án huy động vốn

Việc huy động vốn đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư bằng ngồn vốn ngoài ngân sách nhà nước vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư. Theo tính toán sơ bộ cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án như sau:

Vốn nguồn gốc ngân sách nhà nước (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA…) giai đoạn 1 khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 58.000 tỷ đồng ( khoảng 48,7% khái toán tổng mức đầu tư).

Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư) là 80.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 61.000 tỷ đồng (51,3% khái toán tổng mức đầu tư).

Ý kiến của bạn

Bình luận